Du lịch Việt Nam: Treo đầu dê, bán thịt chó

Chiếc tàu cô du khách Úc Lynne Ryan và nhóm bạn xem trên brochure quảng cáo chuyến du lịch Vịnh Hạ Long. Ảnh: FB Lynne Ryan / News.com.au
Chiếc tàu cô du khách Úc Lynne Ryan và nhóm bạn xem trên brochure quảng cáo chuyến du lịch Vịnh Hạ Long. Ảnh: FB Lynne Ryan / News.com.au
- Quảng Cáo -

Ngô Đồngviettan.org |

Ngày 18 tháng 5 vừa qua, trang news.com.au của Úc đã đăng bài về chuyến tham quan vịnh Hạ Long của một du khách người Úc với tiêu đề: “Du khách Úc kể lại chuyến du lịch ác mộng tại Việt Nam”. Theo bài báo, du khách Lynne Ryan đã rất hào hứng khi được nhìn thấy hình ảnh của một chiếc tàu du lịch sang trọng tại vịnh Hạ Long trên quảng cáo. Nhưng thực tế cô và nhóm bạn đã có những trải nghiệm kinh dị khi bước lên tàu du lịch “sang trọng” chứa đầy chuột, gián, nhà vệ sinh bẩn thỉu, máy lạnh hỏng cùng nhiều dịch vụ tệ hại khác.

Câu chuyện của Lynne được nhiều trang truyền thông quốc tế trích dẫn, kéo theo đó là ngành du lịch Việt Nam phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Việc này đang ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam khi có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam cũng như cho biết sẽ phải cân nhắc quyết định có nên tới hoặc quay trở lại Việt Nam hay không.

Việc du khách Úc bị lừa là một minh chứng rõ ràng nhất cho kiểu làm ăn lừa đảo của một số doanh nghiệp và ngành du lịch Việt Nam nói chung. Sự xuống dốc đạo đức của những người làm du lịch đang khiến cho những lời quảng bá chỉ thêm lãng phí và vô ích, thậm chí còn trở nên lố bịch. Những người này đã khiến cho hình ảnh đất nước Việt Nam trở nên thiếu thiện cảm trong con mắt của du khách.

- Quảng Cáo -

Không chỉ bị lừa đảo, hét giá cao, nhiều du khách còn bị miệt thị bởi những người kinh doanh dịch vụ du lịch. Những cảnh báo kiểu này khá phổ biến trên các trang mạng phổ biến kinh nghiệm du lịch tại Việt Nam.

Anh Philippe Alaurant – một doanh nhân người Bỉ – sau chuyến du lịch Sapa đã cảnh báo bạn bè trên Facebook của mình rằng: “Người dân tộc ở Sa Pa rất thông minh, biết nói cả tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng đừng tỏ ra lắng nghe, kẻo họ sẽ không để bạn yên thân! Và hãy cẩn thận khi chụp ảnh người dân tộc thiểu số, bạn sẽ bị đòi tiền!”.

Hay trong cuốn sách cung cấp thông tin du lịch Lonely Planet nổi tiếng thế giới từ Á sang Âu, từ Phi sang Mỹ, trong đó có Việt Nam, các tác giả cũng đã chỉ dẫn cách mặc cả cho du khách đi xe ôm hay xích lô và cảnh báo tình trạng “chặt chém” ở Việt Nam.

Còn Matt Kepnes viết trên blog rằng: “Tại sao tôi không bao giờ trở lại Việt Nam?”, trong đó kể về nạn “chặt chém”, chèo kéo du khách tại Việt Nam và bài viết được đăng trên tờ báo hàng đầu của Mỹ Huffington Post. Matt Kepnes viết: “Đến Đông Nam Á, mọi người thường hỏi tôi rằng ‘Bạn sẽ đi đâu?’ và tôi nói ‘Khắp mọi nơi… ngoại trừ Việt Nam”. Sau đó là những điều anh kể ra trong chuyến du lịch ở Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Sài Gòn và cho rằng: “Không ai muốn quay trở về một nơi mà họ cảm thấy bị đối xử kém. Khi tôi ở Việt Nam, tôi liên tục cảm thấy mệt mỏi, bị lừa gạt, tôi cảm thấy mình không được chào đón”…

Một thông tin khác rất đáng ngại đó là trong hệ thống cảnh báo du lịch nước ngoài với công dân Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong những nước có mức độ rủi ro về an toàn và an ninh thấp nhất trên thế giới. Đây là hệ thống cảnh báo mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố để khuyến cáo công dân nước này trong việc lựa chọn điểm đến du lịch.

Điều đó cho thấy, từ lâu, du lịch Việt Nam đã để lại những ấn tượng không đẹp trong lòng du khách. Họ đến Việt Nam du lịch, nghỉ ngơi nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng dè chừng, lo sợ nạn lừa đảo. Hậu quả là sự xuống dốc của ngành du lịch trong suốt thời gian qua khi lượng khách quốc tế ngày càng sụt giảm. Đây cũng chính là lý do khiến đến 80% du khách quốc tế không trở lại Việt Nam, thật khập khiễng nếu so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đầu tiên phải kể đến là do nhận thức của chính quyền Việt Nam về phát triển du lịch còn cực kỳ yếu kém. Ở tầm vĩ mô, nhận thức giữa các cấp, ngành, địa phương về du lịch chưa đồng bộ, mức độ quan tâm thực sự đến phát triển du lịch còn chưa cao; chưa có chính sách thu hút đầu tư. Đồng thời công tác quản lý địa danh và môi trường du lịch còn kém khiến tình trạng lừa đảo, đeo bám, mất cắp hành lý, vệ sinh thực phẩm, trở thành những vấn nạn nhức nhối.

Tầm nhìn của quan chức CSVN về du lịch còn nhiều bất cập. Khiến ngành du lịch Việt Nam mang tính tự phát, kỹ năng dịch vụ du lịch thiếu chuyên nghiệp. Làm du lịch theo kiểu chụp giật, tranh thủ làm mùa vụ nên cứ tha hồ “chặt chém”, kiếm được tiền trước mắt, hậu quả thì không cần biết vì chưa chắc năm sau họ đã làm tiếp. Tất cả các yếu tố trên đã khiến ngành du lịch Việt Nam luôn tụt hậu.

Tóm lại, Việt Nam có rất nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, tài nguyên du lịch phong phú và toàn diện hàng đầu Đông Nam Á, di tích lịch sử văn hóa và nhiều di sản vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó là hơn 3.000 cây số bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam. Thế nhưng thống kê cho thấy số du khách đến Việt Nam chỉ bằng hơn 1/3 số khách đến với Thái Lan, khoảng 1/3 số khách tới Malaysia và nhỉnh hơn một nửa so với Singapore. Điều này cho thấy ngành du lịch Việt Nam thua kém là do não trạng “treo đầu dê, bán thịt chó.”

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

  1. Ngay đến nền dân chủ VN cũng nền D.C. giả cầy, thì nói chi tới ngành Du lịch – một ngành từ trước đến nay mang nhiều tai tiếng. Tất cả những gì được nhìn thấy ở VN, chỉ là trò “treo đầu dê bán thịt chó”.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here