Phạm Nhật Bình – Việt Tân |
Có lẽ băn khoăn chung của nhiều nước chậm tiến trên thế giới ngày nay là làm sao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đem lại đời sống ấm no cho người dân. Ngoài các dự án đầu tư thông thường, khu kinh tế tự do hay còn gọi dưới cái tên “đặc khu kinh tế” là mô hình được các nước chọn lựa áp dụng và đạt được nhiều hiệu quả.
Từ lâu chính phủ Việt Nam cũng ấp ủ kế hoạch thành lập đặc khu kinh tế, chẳng những một mà cùng lúc ba đặc khu ở ba miền Bắc-Trung-Nam. Và mục đích được diễn tả một cách tốt đẹp là nền tảng làm cho dân giàu nước mạnh. Nhưng đàng sau kế hoạch này, đã và đang xuất hiện những bóng ma của lợi ích mafia cấu kết với một chính quyền nổi tiếng tham lam vô độ.
Do đó, được Bộ Chính trị bật đèn xanh, trong phiên họp toàn thể ngày 23/5, sau những cuộc thảo luận làm ra vẻ sôi nổi hình thức, hầu hết các đại biểu quốc hội có mặt đã đồng ý ban hành trong tháng 6 này “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. Họ không đồng ý cũng không được vì quốc hội là của đảng, do đảng tạo ra nên phải nghe theo lời đảng dạy.
Một số dư luận lạc quan trong nước trong đó có nhiều viên chức chính phủ, các chuyên gia chưa một ngày làm kinh tế tự do nhưng tốt nghiệp xuất sắc học viện cao cấp chính trị Mác-Lênin đã đặt hết kỳ vọng vào hình thức kinh tế mới mẻ này. Họ cả quyết rằng đặc khu kinh tế sẽ góp phần đưa đất nước Việt Nam “cất cánh” mau chóng như trong chuyện thần thoại. Các ý kiến phản biện rơi vào sự lạc lõng như bao nhiêu lần khác vì đây là “chủ trương lớn” của đảng.
Trong quá khứ, chuyện cất cánh dường như đã được đề cập quá nhiều lần với biết bao dự án kinh tế mà người ta gọi là “vĩ cuồng” với số vốn vài chục tỷ đô-la mỗi dựa án. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi điển hình cho sự thiếu tầm nhìn, thiếu khả năng nên bỏ qua cảnh báo của các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế. Tính từ năm 2010 sau 4 năm hoạt động ì ạch, Dung Quất lỗ trên 1.000 tỷ. Nếu không có nhà nước bù giá, con số lỗ là trên 27 ngàn tỷ đồng. Hay “siêu dự án 50 tỷ đô-la” xây đường cao tốc Bắc Nam của đại gia Vũ Văn Tiền đang nằm xếp xó cùng với dự án phi trường quốc tế Long Thành 18 tỷ chưa biết bao giờ cất cánh nổi. Và còn rất nhiều sự vĩ cuồng khác không đếm xuể, chẳng hạn những “quả đấm kinh tế” thời Nguyễn Tấn Dũng cùng giấc mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa năm 2020 không còn lãnh đạo cộng sản nào dám nhắc tới.
Lần này kế hoạch thành lập 3 đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong – với tổng vốn đầu tư lên tới trên 1,4 triệu tỷ đồng, tức khoảng 70 tỷ đô-la. Đây là một số tiền thật to so với khả năng huy động vốn của một nền kinh tế èo uột còn toan tính dòm ngó tới thu nhập của người bán trà đá. Tham vọng lớn lao của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang dấy lên sự lo ngại của rất nhiều người trong đó có một số ít đại biểu quốc hội. Vì theo kinh nghiệm không mấy tốt đẹp trong quá khứ, sẽ không tránh khỏi một Thủ Thiêm thứ hai xảy ra mà lần này ở quy mô lớn gấp nhiều lần.
Để có tài chánh thực hiện kế hoạch, Việt Nam phải thu hút một số vốn đầu tư thật lớn từ các định chế tài chánh quốc tế. Đây là điều bấp bênh nếu căn cứ vào những gì đang xảy ra cho các dự án nằm chờ vốn vay. Trong khi ngân sách cho đầu tư công hạn hẹp và chính phủ phải tận thu từ các loại thuế và phí thì nợ công luôn là một ám ảnh đen tối cho các nhà hoạch định chính sách cấp bộ.
Các đặc khu kinh tế còn có tham vọng là cho mở luôn 3 Casino với dự kiến thu lợi nhuận cao sau đó. Những nhà làm kế hoạch tin tưởng vào sự ưu đãi thuế suất và thời hạn cho thuê đất làm đòn bẩy cho giòng đô-la đổ vào như nước. Đây có thể là một mơ ước viễn vông vì Việt Nam đã có 7 Casino được cấp phép mà Casino Hồ Tràm, Vũng Tàu dù hoạt động từ 2013 nhưng đang lâm cảnh hẩm hiu. Vậy thêm 3 casino trong tương lai liệu có nhà kinh tế nào dám khẳng định đất nước Việt Nam sẽ cất cánh bằng nghề đánh bạc?
Trong hoàn cảnh thiếu tiền hiện nay, đảng cộng sản chọn cách kiếm tiền bằng cách nhượng đất để qua đó các nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng. Dĩ nhiên trong trường hợp này, đầu tư của các ngân hàng Trung Cộng sẽ không bỏ lỡ cơ hội tung tiền ra chiếm lấy phần béo bở nhất với sự hỗ trợ tận tình của các “đối tác” trong và ngoài chính quyền.
Đặc khu kinh tế Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh có biên giới chung với Trung Cộng sẽ dễ dàng trở thành đầu cầu đúng nghĩa về kinh tế, thương mại và quân sự cho nước láng giềng. Thông thường đối với Trung Cộng tiền đầu tư đi tới đâu người đi theo tới đó. Cũng như một số dự án Nhiệt Điện, Bauxite Tây Nguyên, Vân Đồn không mấy chốc sẽ trở thành một cái chốt của Trung Cộng cắm chặt trên tỉnh Quảng Ninh. Bành trướng kinh tế đi đôi với bành trướng ảnh hưởng chính trị, Bắc Kinh luôn dùng nhân dân tệ làm sợi dây trói tay các chính phủ thân hữu lệ thuộc vào mưu đồ bá quyền của mình.
Nếu 3 đặc khu kinh tế này trở thành hiện thực, sẽ dẫn đến thảm kịch không khác gì Thủ Thiêm mà còn ghê gớm hơn. Thủ Thiêm dù gây ra đau khổ cho không ít cư dân địa phương cũng chỉ là một khu vực nhỏ làm dự án đô thị của Thành phố HCM. Nhưng thành lập 3 đặc khu sẽ là 3 tai họa tác hại khôn lường. Hàng ngàn héc ta đất đai của người dân ở ba miền Nam-Trung-Bắc lọt vào tay các nhà đầu tư qua hình thức cho thuê dài hạn từ 50 năm đến 70 năm, thậm chí còn có đề nghị lên đến 99 năm.
Cũng như những gì đã diễn ra ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác, ruộng vườn của nông dân sẽ bị cướp trắng nhân danh công ích và sự phát triển của đất nước qua hình thức giải tỏa mặt bằng, cưỡng chế, dồn dân, chiếm đất. Hàng ngàn gia đình sẽ bị đuổi khỏi nơi sinh cơ lập nghiệp từ bao đời nay sau khi nhận những khoản tiền đền bù rẻ mạt để gia nhập hàng ngũ dân oan trên toàn quốc. Họ trôi giạt về đâu, sinh sống ra sao chính quyền cộng sản không hề tính tới.
Do nắm trọn quyền lực trong tay, dưới sự chỉ đạo tận tình của Trung ương, bọn cán bộ địa phương cấp tỉnh, thành phố ba khu vực này cùng đám tư bản đỏ đứng ra làm môi giới mua bán, sang nhượng đất cướp được một cách hợp pháp. Hàng tỷ đô-la thu được trong bóng tối được chia chác nhau để vun bồi tài sản cán bộ đảng viên. Bài toán kinh tế xã hội chủ nghĩa được giải quyết trên nỗi khổ triền miên của người dân nhưng được mô tả là sự thành công tuyệt vời của đảng cộng sản.
Bóng dáng của các nhóm lợi ích rõ ràng đang bao trùm lên kế hoạch thành lập 3 đặc khu kinh tế. Nếu 20 năm về trước có thể biện minh cho lãnh đạo cộng sản là duy ý chí, nhưng giờ đây cái ý chí cộng sản ấy đã trở thành những âm mưu bất chánh. Chúng sẽ không từ bỏ thủ đoạn nào để bán rẻ đất nước cho ngoại bang nhân danh sự phát triển và thịnh vượng trong tưởng tượng. Chỉ nghĩ tới chuyện này cũng đủ rụng rời cả tay chân. Và nếu luật về đặc khu được quốc hội bù nhìn thông qua thì đất nước này sẽ đi về đâu?
Phải làm sao ngăn chận việc ra đời dự luật thành lập 3 đặc khu kinh tế sắp được quốc hội bấm nút. Đây thật sự là thảm họa cho người dân Việt vì nó chỉ phục vụ lợi ích của đảng cộng sản và bọn thân hữu, nhưng nhân dân và đất nước thì sẽ tàn mạt từng ngày.
Leave a Comment