Ánh Liên – Việt Nam Thời Báo |
Bộ Giao thông Vận tải là cả một câu chuyện dài mang tính trái gió trở cờ, mà mới đây nhất liên quan đến “thu giá” thay vì “thu phí” cũng như quan điểm “BOT là sản phẩm của giai đoạn trước”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thể, người mới đây khẳng định trạm thu giá BOT là việc hết sức nóng, nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước và ông nhấn mạnh: Đến thời điểm này có thể nói tương đối ổn định. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, vận dụng để làm sao những trạm thu giá BOT sắp tới sẽ thực hiện nghiêm.
Với quan điểm này, vị Bộ trưởng Bộ GTVT coi như thoát về mặt trách nhiệm, và gánh nặng sẽ dồn lên vai của cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng – người đang trong thời kỳ tù tội vì những thất thoát trong quản lý và điều hành doanh nghiệp dầu khí của mình.
“Sản phẩm của giai đoạn trước” quá đúng! Vì BOT do ông Bộ trưởng Đinh La Thăng khai sinh và đẩy mạnh, quá đúng cũng vì ông Đinh La Thăng đã thân tù tội thì có thể tiếp tục gánh thêm cái trách nhiệm phát sinh cũng không sao. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người dùng mạng xã hội sau đó bật ngửa vì ông Nguyễn Văn Thể từng có thời kỳ là Thứ trưởng Bộ GTVT, và chính ông cũng đã đưa bút ký hơn 20 dự án BOT. Do vậy, nếu thực sự là sản phẩm của giai đoạn trước, thì ông Nguyễn Văn Thể cũng phải có một phần trách nhiệm trong đó, nhất là ông liên quan đến việc ký hợp đồng BOT Cai Lậy.
Rõ ràng, câu chuyện tư duy hoàng hôn nhiệm kỳ tại Việt nam chưa chấm dứt thì câu chuyện đổ lỗi cho nhiệm kỳ trước, thanh minh cho nhiệm kỳ mình lại tiếp tục diễn ra. Và quan điểm của ông Nguyễn Văn Thể không khác gì một câu chuyện cực kỳ mâu thuẫn trong giải quyết chính sách của tiền nhiệm, khi mà bản thân người thực hiện quyền lực nhà nước không chú trọng giải quyết các chính sách hiện tại mà lại đùn đẩy trách nhiệm về quá khứ.
Tiếp đó, ông nhấn mạnh sẽ giải quyết điểm nóng BOT, nhưng lại theo hướng “thực hiện nghiêm”, tức là có thể quy nạp những hoạt động đấu tranh dân sự của cánh tài xế là “kích động, quấy rối”; triển khai kế hoạch tăng thời gian thu phí, giảm giá thành vé và cuối cùng là tiến hành những hành động mang tính cưỡng bách trong giao dịch dân sự. Về một cách nói nào đấy, thì đây là cưỡng đoạt tài sản, bởi thay vì tiến hành xem xét lại các trạm BOT, đặc biệt là BOT Cai Lậy theo hướng minh bạch và có giám sát của người dân, trên cơ sở thu phí hợp lý cũng như địa điểm đặt trạm BOT theo luật định thì có vẻ quan điểm nhất quán của Bộ GTVT là giữ bằng được BOT, hợp pháp hóa BOT sai phạm để đảm bảo nhịp độ “thu hút đầu tư” trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Có vẻ Bộ GTVT đang lo sợ sự thay đổi theo hướng giữ quyền lợi cho cộng đồng tại BOT sẽ khiến cho các nhà đầu tư không còn “mặn mà” với loại hình này, bởi nó,… minh bạch và bị kiểm soát!
Do “giữ bằng mọi giá” nhằm bảo vệ chủ đầu tư, nên câu chuyện loại xuất hiện phần ma mãnh, tiểu xảo kiểu trạng Quỳnh khi Bộ GTVT thay đổi từ “thu phí” sang “thu giá” nhằm lách luật.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng (từng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam): Thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân… nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được.
Cái tư duy làm cho bằng được và hơn thua với người dân theo kiểu luồn lách đó có phải là phương châm hoạt động mang tính chủ đạo của Bộ GTVT?
Facebooker Liên Huỳnh trước các động thái của Bộ GTVT về BOT đã phẫn nộ: “Đây là hành động tráo trở, lật lọng, xúc phạm, xem nhân dân và pháp luật như cỏ rác”. Và thậm chí, đối với việc thay đổi từ thu phí sang thu giá, Facebook này nhấn mạnh, đây là “hành vi hiếp dâm ngôn ngữ của những kẻ bệnh hoạn về nhân cách.”
Vấn đề là tại sao một cơ quan nhà nước như Bộ GTVT lại hành xử coi thường dân, bất chấp luật pháp và thể hiện tính lật lọng như vậy? Trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ trong quản lý Bộ ngành này như thế nào? Có hay không “cố đấm ăn xôi” nhằm giữ BOT bằng mọi giá để thu nguồn tiền bổ sung ngân sách và ông Nguyễn Văn Thể là người đứng mũi chịu sào đến mức… ngớ ngẩn? Liệu nó là biểu hiện cho trạng thái ngân sách cùng quẫn hiện nay?
Leave a Comment