RFA |
Hình ảnh “đường lưỡi bò” khắp nơi
Báo chí thường xuyên đưa tin về những vụ việc như khách Trung Quốc vào Việt Nam mang hộ chiếu, tranh ảnh, sách báo có in hình đường đứt khúc chín đoạn mà nhiều người gọi “đường lưỡi bò”.
Gần đây nhất là vụ việc hơn chục khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh. Những du khách này đã mặc áo khoác bình thường bên ngoài và khi tới sân bay của VN đã đồng loạt cởi áo khoác ra, chỉ mặc đồng phục là chiếc áo phông có bản đồ lưỡi bò sau lưng.
Sau khi vụ việc vỡ lở, Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng vụ việc cần phải được xử lý mềm dẻo, không để ảnh hưởng đến đại cục. Phát biểu này của ông Tuấn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, một trong những điểm du lịch đông khách Trung Quốc nhất ở VN, cũng là nơi chứng kiến nhiều vụ việc du khách TQ mang theo bản đồ hình lưỡi bò vào VN, cho biết:
Năm 2013 đã có cặp vợ chồng người Trung Quốc họ đã in hình bản đồ lưỡi bò của TQ đi ngang nhiên giữa đường chính ở Đà Nẵng sau đó bị công an quận Liên Chiểu bắt lại và tịch thu bản đồ đó.
Một số du khách TQ khác qua cửa sân bay Đà Nẵng, họ đưa hộ chiếu ra cũng có hình lưỡi bò. Phía hải quan đã không chấp nhận hộ chiếu đó và cấp một tờ giấy khác để nhập cảnh.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một thành viên của đội bóng No-U phản đối đường lưỡi bò của TQ, bình luận với RFA:
Tôi có được thông tin rằng hãng quần áo GAP nổi tiếng của Mỹ đã xin lỗi TQ vì có bản đồ nào đó không có hình lưỡi bò và họ đã thu hồi lại chiếc áo đó.
TQ đã tuyên truyền bản đồ hình lưỡi bò này trên phạm vi thế giới và mang tính hệ thống rất cao.
Tôi nghĩ việc này cần phải đánh động dư luận và cảnh báo cho người dân biết. Khi có những hiện tượng như vậy chúng ta cần lên tiếng và có các động thái buộc phía TQ phải chấm dứt các hành vi sai trái này.
Theo nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì TQ không thể chứng minh tính pháp lý của đường lưỡi bò nên tích cực dùng hình thức tuyên truyền để thay thế:
Cứ thế họ tuyên truyền để tạo ra sự mặc nhận hay ấn tượng trong mỗi người dân TQ rằng đường lưỡi bò gần như bao lấy toàn bộ biển Đông là của TQ.
Trong thực tế họ đã tạo ra được kết quả, nhiều người kể cả các học giả TQ khi nói chuyện với nhau bảo rằng khi họ lớn lên đi học đã biết đường lưỡi bò này rồi.
Biện pháp của Việt Nam
Đáp lại câu hỏi liệu cơ quan chức năng VN đã quản lý nghiêm ngặt việc đưa ấn phẩm in hình lưỡi bò vào lãnh thổ của VN hay chưa, ông Trần Công Trục nhận xét:
Nếu VN phát hiện được đều có tiếng nói phản đối rất mạnh mẽ, không chấp nhận những yêu sách đó. Tất nhiên, vì rất nhiều kênh khác nhau, có thể có một số lĩnh vực vẫn để lọt lưới những ấn phẩm mang tính chất tuyên truyền của TQ. Khi phát hiện ra, VN đã rất cương quyết trong việc thu hồi, tiêu hủy và có sự cảnh báo tới các tổ chức kinh tế, du lịch cần thực hiện đúng các quy định của VN.
Tôi nghĩ chúng ta đã làm, nhưng tất nhiên để làm triệt để không còn hiện tượng đó thì rất khó. Vì trong quan hệ giữa TQ và VN có nhiều lĩnh vực mà không thể kiểm soát hết một lúc được.
Hãng tin AFP từng nhận định VN là quốc gia thường xuyên lên tiếng phản đối nhất các động thái bành trướng của TQ. Tuy nhiên, với nhiều người dân trong nước, đặc biệt là giới hoạt động chống sự xâm lấn của Bắc Kinh, thì sự phản đối của VN chỉ dừng lại ở tính hình thức.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho biết:
Phía chính quyền đã có những động thái như đưa thông tin lên báo chí, khánh thành những tượng đài liên quan đến chủ quyền và có cả những bảo tàng về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, tôi thấy những việc họ làm chẳng qua là đối phó với dư luận.
Bởi vì vấn đề chủ quyền biển đảo không phải chỉ có Nhà nước, mà quan trọng là phải có sự phản đối của người dân. Nhưng bao lâu nay ở VN, bất cứ ai hay nhóm hội nào biểu tình phản đối đường lưỡi bò của TQ đều bị đàn áp rất dã man.
Anh Thắng cho biết chính quyền VN rất khôn khéo ở chỗ họ không bao giờ bắt người dân vì phản đối TQ xâm chiếm Biển Đông mà họ tìm cách quy chụp vào các tội danh như quấy rối trật tự công cộng, tuyên truyền chống phá nhà nước hay thậm chí lật đổ chính quyền nhân dân. Anh cho rằng hành động và lời nói của nhà cầm quyền không đi đôi với nhau, dần dần làm mất lòng tin từ phía người dân.
Đội bóng No-U phản đối sự xâm lấn của TQ mà anh Thắng tham gia thường xuyên bị gây khó dễ trong quá trình tập luyện, thậm chí bị đánh đập, lột mất áo đồng phục có phản đối đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Một số thành viên bị bỏ tù với lý do chống phá nhà nước.
Một sự kiện khác gần đây khiến dư luận bất bình, đó là khi TQ triển khai máy bay ném bom ra biển Đông, trong khi Mỹ lên tiếng phản đối thì VN lại hoàn toàn im lặng.
Anh Nguyễn Lân Thắng đã yêu cầu phía chính quyền phải có trách nhiệm phản kháng, đáp trả hành động xâm lấn của TQ ở biển Đông một cách chính đáng. Đồng thời cho phép người dân được lên tiếng phản đối TQ bởi vì theo anh chỉ có sức mạnh số đông mới có thể thay đổi tình hình. Nhà hoạt động này cũng cảnh tỉnh rằng nếu chính quyền không thuận lòng dân thì sẽ dần mất tín nhiệm từ họ và hậu quả có thể nhìn thấy được.
Đây cũng là quan điểm của nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn:
Việc Bộ Ngoại giao VN lên tiếng tôi thấy như một hình thức vậy. VN phải có động thái khác cứng rắn hơn, hiệu quả hơn. Chứ không thể cứ có chuyện là lên tiếng như vậy. Tôi thấy nó vô thưởng vô phạt quá!
Còn TS. Trần Công Trục lại có quan điểm khác, ông cho rằng nhiệm vụ của Nhà nước VN phải đảm bảo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là lấy nguyên tắc độc lập chủ quyền làm trên hết nhưng phải có sách lược mềm dẻo thế nào đó để tránh xung đột xảy ra. Bởi vì theo ông, chiến tranh mới thực sự nguy hiểm, sẽ đẩy nhân loại vào cuộc thảm khốc không ai tồn tại được.
Leave a Comment