Thu phí, thu giá – Từ điển tra ngược: Cướp có tổ chức.

Trạm thu phí BOT Bến Lức nay trở thành Trạm
Trạm thu phí BOT Bến Lức nay trở thành Trạm "thu giá" Bến Lức.
- Quảng Cáo -

Nguyễn Hữu Vinh – RFA

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao việc chỉ qua một đêm, các trạm BOT bị người dân phản đối dữ dội lâu nay, làm cho nhà cầm quyền lúng túng đối phó, loay hoay tìm mọi cách để dẹp bỏ sự phản ứng tập thể của người dân với những trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” nhằm cướp tiền dân được thay bằng “Trạm Thu Giá BOT”.

Người dân đã phản ứng BOT bằng nhiều cách khác nhau, từ việc dùng tiền lẻ để trả phí gây ách tắc giao thông cho đến việc yêu cầu di chuyển các trạm BOT về đúng vị trí và minh bạch việc đầu tư, xây dựng cũng như chi phí mà họ phải trả.

Cơ quan nhà nước có nhiệm vụ chăm lo cho việc lưu thông, đi lại của người dân là Bộ Giao thông Vận tải đã làm ngược lại những chức năng của họ mà lại đi lấp liếm, bao biện, dọa dẫm người dân nhằm bảo vệ kẻ đã cướp không tiền của và ngăn cản sự đi lại của người dân.

- Quảng Cáo -

Nhiều biện pháp được đưa ra để đối phó từ thấp đến cao như dùng côn đồ trấn áp, dùng công an giả dạng côn đồ, công an có sắc phục kết hợp với trạm thu phí BOT hù dọa người dân, cho đến việc dựng biển cấm dừng quá 5 phút, dùng công an, Cảnh sát các loại, triệu tập hăm dọa… Nhưng tất cả đều bị vô hiệu hóa bởi sự kiên trì, thông minh và đoàn kết của người dân.

Bởi điều duy nhất nhà nước thiếu là: Lẽ phải.

Và sự lỳ lợm, bất chấp của nhà nước đối với nhu cầu tối thiểu của người dân là hãy trả BOT về những vị trí của nó, không được tự dưng chặn đường cướp tiền dân và ngăn cản người dân đi lại, người dân không thể trả tiền cho những cái họ không hưởng, không mua, không bán…

Thế rồi, chỉ trong một đêm, trạm thu phí BOT bỗng nhiêu hóa thân thành một từ lạ hoắc: Trạm thu giá BOT.

Người dân cũng như mạng xã hội lập tức nóng lên với chiêu trò mới của những kẻ núp đằng sau những trò này. Sự xôn xao bàn tán đó không phải không có lý.

Thực chất, đây chỉ là trò xảo ngôn, đánh lận con đen vốn có và được hành xử xưa nay khi nhà cầm quyền Cộng sản bí lối trước những sự thật, lẽ phải không thể chối cãi mà họ thất lý.

Có lẽ cũng cần nhắc lại đôi điều về BOT.

Chúng tôi đã nói rõ về BOT và vì sao nhà nước này, chế độ này lại ra sức bảo vệ nhà thầu BOT như vậy. Trong bài viết: “Chế độ BOT bảo vệ nhà thầu BOT” chúng tôi cũng đã phân tích về các nhà đầu tư BOT là ai.

Các “nhà đầu tư BOT” chính là các sân sau của đám quan chức Cộng sản và để thỏa mãn cơn khát giàu có một cách bất chính, thì người ta đã nghĩ ra đủ những chiêu trò cướp.

Đỗ Thị Huyền Tâm

Đó là “nhà đầu tư BOT” Pháp Vân – Cầu Giẽ, Đỗ Thị Huyền Tâm, theo dư luận thì bồ của con trai và giờ là vợ của Nông Đức Mạnh. Được Đinh La Thăng ưu ái nịnh lãnh đạo, cho cái BOT này nhằm cứu vãn sự sụp đổ của Tập đoàn Minh Tâm trước nguy cơ tù tội. Thế rồi sau khi nhận được dự án, bán sang tay cho đám người khác và hàng ngàn tỷ đồng chạy vào túi như chuyện lấy kẹo ra ăn.

Đó là nhà đầu tư BOT Cai Lậy được dư luận vạch rõ là của con trai Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN.

Và hàng loạt BOT, dự án khác cũng tương tự.

Các đại gia ở Việt Nam, hầu hết là “sân sau” và được sự bảo kê chia chác của quan chức cộng sản. Chính vì vậy, việc các “chính trị gia” các lãnh đạo bao che, lấp liếm và che chắn nhằm chia phần cho nhau trong cac dự án bòn rút tiền dân và tài nguyên đất nước làm giàu bất chính là điều dễ hiểu.

Cướp có bảo kê

Chỉ có thể vậy thì cả hệ thống công quyền mới bỏ công sức, tiền của lực lượng công an và cả hệ thống đi bảo vệ chứ đâu có đơn giản.

Vì bản chất những BOT này là cướp có bảo kê. Điều này bắt nguồn sâu xa từ bản chất chế độ.

Ngay từ đầu khi chính quyền Cộng sản lên cầm quyền tại Việt Nam, cũng bằng việc “Cướp chính quyền” ở miền Bắc. Rồi việc dùng bom đạn, bạo lực để “thống nhất” thì thực chất cũng là việc “Cướp chính quyền” ở Miền Nam.

Thế rồi cái chiêu “cướp” được diễn đi diễn lại trong suốt quá trình tồn tại của thể chế chính trị này mấy chục năm qua. Tất nhiên nó được che đậy dưới nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau.

Đó là “Cách mạng tháng 8”, đó là “Cải cách ruộng đất”, “Giải phóng miền Nam”, “Cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh”, “Đánh tư sản mại bản”…

Rồi những cuộc “cướp chính quyền” bằng cách tinh vi và thậm chí trắng trợn hơn là những cuộc “bầu cử, đảng cử dân bầu”… và cho đến nay thì là “thu hồi đất đai”, BOT, độc quyền các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của đời sống người dân như năng lượng, xăng dầu, điện nước và mặc sức tăng giá, dân chỉ có kêu trời không thấu…

Bởi thực chất, chế độ này cũng là một chế độ BOT được Quốc tế Cộng sản đưa vào Việt Nam cướp đoạt những điều cơ bản của người dân Việt Nam.

Vì thế sẽ không khó hiểu vì sao quan chức, chính quyền, các cơ quan “của dân, do dân, vì dân” ở Việt Nam lại luôn rắp tâm hùa vào che đậy, bảo vệ và lấp liếm cho các “nhà đầu tư” cướp của dân hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đem tai họa đến cho đất nước như Formosa.

Bởi bản chất của toán cướp vẫn là sự cạnh tranh trong mỗi cá nhân trong phe nhóm, nhưng vẫn là sự “đoàn kết nhất trí” khi thực hiện các vụ cướp bóc bên ngoài của dân lành.

Cũng chính vì thế, việc người dân yêu cầu minh bạch các khoản thu chi, hao phí, lãi lỗ trong các dự án BOT là chuyện không tưởng. Bởi, chỉ kiểm tra sơ sơ, người ta đã thấy cả hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng của dân đã bị biển thủ bằng các sai phạm ở 7 dự án BOT được kiểm tra gần đây.

Trí trá và xảo ngôn, đánh tráo khái niệm

Xưa nay, món tuyên truyền của cộng sản vốn là một thứ mà thế giới phải kinh sợ. Họ học tập xuất sắc Adolf Hitler – Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa – dạy rằng: “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực”.

Ngoài việc nói dối triền miên, có hệ thống, bền bỉ và bất chấp thái độ thiên hạ, người Cộng sản Việt Nam còn “Vận dụng vào tình hình thực tiễn Việt Nam” bằng việc sáng tác ngôn ngữ mới để che đậy bản chất sự việc.

Chúng tôi đã có bài viết trước đây: “Đại dự án Từ điển Công an: Một yêu cầu khẩn cấp”.Để nêu rõ trước tình hình khi mà nhà nước ngày càng thất lý, hệ thống công quyền mục ruỗng hết chỗ che đậy, thì cần một Từ điển tra ngược dành cho ngành công an. Chẳng hạn:

Một số ví dụ:
– CSGT bắt tay lái xe lấy tiền rồi cho đi: Hành động hữu nghị, thân mật giữa CSGT và lái xe.
– CSGT nhận tiền mãi lộ: “CS nhận dăm ba chục ngoài đường, không thể gọi là tham nhũng”. Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên.
– Công an dùng côn đồ bắt người về đồn công an: “mời” về làm việc”. – Tác giả: Nhiều đồn Công an.
– Công an dùng tay tát vào mặt công dân chảy máu: “Gạt tay trúng má”. Tác giả: Đại tá Nguyễn Duy Ngọc
– Công an dùng chân đá, đạp vào người dân: “Giơ chân hơi cao”. Tác giả: Đại tá Nguyễn Duy Ngọc
– Công an đánh nghi can trong khi hỏi cung: “Biện pháp nghiệp vụ”- Tác giả: Công an Việt Nam
– Công an đập dân đến chết: “Chưa rõ nguyên nhân” hoặc “không có chức năng trả lời”… Tác giả: Công an Việt Nam.
– Trẻ em bị Công an bắt vào đồn rồi bị đánh đến chết: Do rửa bát bẩn. Tác giả: Công an Hà Nội
– Công an không can thiệp đánh luật sư: “Do ô tô chạy nhanh là bụi bẩn”. Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung.
– Công an định nghĩa về tự do: “Tự do là cái con c…” – Trung ta Vũ Văn Hiến, CA Sài Gòn.
– Công an đến đánh dân, cướp đất của dân: “Hỗ trợ cưỡng chế”. Tác giả: Ngành Công an
– Công an bắn phá nhà dân nhằm cưỡng chế: “Đó là cái Boongke” . Tác giả: Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca
– Công an phá nhà dân sai pháp luật bị chỉ mặt: “Đó chỉ là cái chòi canh vịt” Tác giả: Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca
– Công an và quân đội vô cớ đến bắn phá nhà dân cướp đất: “Trận đánh đẹp”. Tác giả: Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca.
– Con gái giơ tay tát vào CSGT do bức xúc: “Chống người thi hành công vụ” – CATpHCM.
….

Thế rồi giờ đây, cả hệ thống có cụm từ mới “Trạm Thu giá BOT” để thay thế cho Trạm thu phí BOT bị phản đối dữ dội bấy lâu nay.

Dân tình náo loạn không hiểu từ “Thu Giá” có ý nghĩa gì vì nó là từ vô nghĩa trong ngôn ngữ Việt Nam. Chắc rằng sẽ có ngày có những trạm tương tự như ” Trạm Thu Tự do”, ” Trạm Thu Độc lập”, ” Trạm Thu Hạnh phúc”…

Người ta cũng không ngạc nhiên với cách dùng từ ngữ tương tự của nhà cầm quyền Việt Nam trong các hoạt động đối nội và đối ngoại xưa nay. Ngoài những từ ngữ được dùng để thay từ “Cướp” đã nói ở trên đây của thể chế chính trị này, xin liệt kê vài ví dụ:

– Cướp đất của dân vào tay đảng: “Đất đai sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện sở hữu và quản lý”. – Luật đất đai.
– Cướp đất đai và tài sản của dân chia chác để bán: Thu hồi đất.
– Kẻ thù của dân tộc, kẻ đang xâm lược, lấn chiếm lãnh thổ của Tổ Quốc: Láng giềng hữu nghị, bạn vàng 4 tốt và 16 chữ vàng.
– Tàu của kẻ thù đâm chết ngư dân: Tàu lạ.
– Nhà nước tổ chức côn đồ tấn công nhà thờ, người lương thiện: Quần chúng tự phát.
– Người yêu nước, chống lại sự xâm lăng của Trung Cộng bành trướng: Phản động.
– Thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra: Sự cố môi trường.

Thế nên, giờ đây không chỉ ngành công an cần “Từ điển tra ngược” mà cả hệ thống chính phủ, đảng và nhà nước cũng cần những cuốn Đại từ điển như vậy.

Bởi có như vậy, người ta mới có định nghĩa mới cho từ “Trạm thu giá” – một từ hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt, nay được dùng để che đậy từ “Cướp đường” của nhóm lợi ích đảng.

Bởi có như vậy, thì hệ thống tuyên truyền mới có cái để mà tuyên truyền “đúng đường lối” của đảng, của nhà nước. Chỉ có điều, nó đi ngược lại lợi quyền của người lao động, của nhân dân và Tổ quốc, dân tộc.

Và đi kèm với những cuốn từ điển như vậy, nhà nước cần kèm theo cho hệ thống quan chức và đám tuyên giáo một hệ thống mặt nạ thật dày, thật bền.

Bởi tất cả ý nghĩa của cuốn “Từ điển tra ngược” này, chỉ có một chữ có ý nghĩa đúng đắn và thực chất nhất: Cướp.

Ngày 22/5/2018

J.B Nguyễn Hữu Vinh

- Quảng Cáo -

15 CÁC GÓP Ý

  1. LẦN CUỐI VỀ “THU GIÁ” ( nguồn : copy)

    1- “Thu giá” là sự ngu độn về ngôn ngữ. Nhưng đây chẳng phải sự ngu độn thật thà. Ngu cái này nhưng cáo già trong cái khác. Bởi vì:
    2- ‘Thu giá” là sự trí trá về lập luận. Đường BOT không phải là “sản phẩm của doanh nghiệp”. Nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất, làm đường riêng không dính gì vào các tuyến đường của nhà nước, thì đó mới là sản phẩm doanh nghiệp, họ định giá vé thế nào, có ai đi là việc của họ. Còn BOT là sản phẩm của hợp tác công tư. Doanh nghiệp làm đường trên đất nhà nước cho, cải tạo đường vốn có của xã hội, được khai thác trong thời hạn nhất định để hoàn vốn và có lãi trong khuôn khổ được định ra qua phương án tài chính. Hiện nay đa số các dự án đó ký với nhà nước là hợp đồng “mở”. Nghĩa là thời gian họ được thu tiền căn cứ vào lưu lượng xe đi qua và mức phí xe đi qua phải trả. Cho nên họ mới được kêu ca là thu thấp thì phải thu lâu hơn. Bây giờ nói là sản phẩm của họ tức là phủi cái phần của dân của nước trong BOT đó.Thử hỏi nếu nó là sản phẩm của doanh nghiệp sao lại phải kiểm soát xác minh số tiền thực đầu tư, số tiền thực mỗi ngày thu vào như vừa qua đã buộc phải làm?
    3- “Thu giá” là sự xảo quyệt về ý đồ. Việc thu tiền vé đi đường BOT theo cách thực hiện ở Việt Nam thời gian qua xung đột với quy định về phí theo pháp luật. Tách nó ra khỏi phí là để hợp pháp hoá việc thu tiền lần thứ hai đối với người dân trên nhiều đoạn đường BOT, đánh bật khỏi tay người dân vũ khí pháp lý hợp pháp để phản đối sự bất công thiếu minh bạch.
    4- “Thu giá” là sự lỳ lợm và trắng trợn trong thái độ đối với người dân. Dân không phản đối BOT, dân không phản đối chuyện đi đường BOT tốt hơn thì phải nộp tiền. Cũng không phải BOT ở chỗ nào cũng không hợp lý. Có những đường, cầu BOT làm cả vùng xưa nay thiếu đường,thiếu cầu nay đi lại giao thương thuận lợi hơn. Cái đó dân ủng hộ. Dân phản đối cái gì?. Dân phản đối chuyện đường quốc lộ số 1 của đất nước tráng lên một lớp rồi thu như thể đường đó họ làm ra từ đầu. Dân phản đối chuyện không có lựa chọn, đi đường nào cũng phải nộp BOT. Dân phản đối chuyện khai khống giá trị đầu tư BOT rồi từ đó định ra giá vé và thời hạn thu. Dân phản đối chuyện cầu nhà nước làm vẫn đi được bị ngăn lại lùa xe sang bắt đi cầu mới phải trả tiền BOT. Dân phản đối chuyện cho thu BOT cả đường mới lẫn đường cũ để lùa dân sang đường mới BOT. Dân phản đối chuyện không dùng đường BOT nhưng buộc phải đi qua trạm và phải mất tiền. Dân phản đối chuyện ém giảm số lưu lượng xe qua trạm BOT để thu lời tối đa. Dân phản đối chuyện chẳng có cuộc đấu thầu nào cả mà chỉ số quan chức cùng doanh nghiệp ký với nhau làm BOT chỗ này, chỗ kia. Dân phản đối chuyện làm BOT có thể “tay không bắt..vàng”. Dân phản đối vì đóng thuế, đóng phí đường bộ và đóng góp suốt bao năm bây giờ đất nước đến con đường xuyên Việt đầu tiên cũng chi chít trạm thu tiền. Dân phản đối vì tiền nộp BOT nhiều hơn chi cho xăng dầu, mọi hoạt động kinh tế hay dân sinh đều bị thêm gánh nặng.
    Những cái đó có không? Dân phản đối có sai không?
    Đành là có những cái sai đã xảy ra nhưng khó xoá đi làm lại được, mà phải chấp nhận hậu quả, thì cách làm vẫn là phải nhìn vào bản chất sự thật mà nói với dân.
    Thay vì thẳng thắn rành mạch với dân, cùng dân tìm giải pháp khắc phục, thì lấy chữ mà che đậy bản chất vấn đề, nặn ra cái cơ sở lý cùn để ép dân phải theo. Đó là cái cách mà ngài Thể chọn.
    5- Do vậy, “thu giá” chỉ xuẩn về chữ, chứ rất gian về tâm, về trí. Khi sự gian xảo xuất phát từ một quan chức cấp Bộ và những cố vấn của ông ta, nó là sự phá hoại tính công chính của Nhà nước. Tôi sẽ rất thất vọng nếu cái cách cư xử này được Nhà nước cho qua.

  2. CHẲNG LẼ THỦ TƯỚNG PHẢI ĐI SỬA LỖI NGU TIẾNG VIỆT CHO ÔNG BỘ TRƯỞNG ?

    Tôi vẫn nhớ một chuyện hồi mới biết nói. Hồi đó nhà tôi ở giữa làng, nhà ông cậu họ ở đầu làng. Có lần mẹ tôi bảo đi với mẹ lên nhà cậu chơi, tôi nói “đường cao quá không đi”. Cả nhà cười vui vẻ, ai cũng biết tôi chưa có đủ tiếng để nói, chứ ai cũng hiểu tôi muốn nói “xa” chứ không phải “cao”.

    Nếu như tất cả các vị Bộ trưởng đều có trình độ thực học ngang với lớp 3 phổ thông thì không có câu chuyện chuyển cái “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” làm trò cười cho thiên hạ trong những ngày qua. Là trò cười, nhưng không thể “cười vui vẻ”. Ông Bộ trưởng Giao thông và cấp dưới của ông ấy không phải không đủ chữ để viết, mà do cố tình lách luật nên đã bộc lộ sự u mê của đầu óc khi biến một từ tiếng Việt thành tối nghĩa. Mà không cần phải học tới lớp 3, chỉ cần biết nói và không điếc thì nghe cái chữ “thu giá” đã thấy vô nghĩa rồi.

    Dù có biết chữ hay không, một người bình thường khi nghe tiếng “phí”, ai cũng hiểu đó là khoản tiền phải trả khi sử dụng một dịch vụ (ngoài cái nghĩa của từ phí tổn, chi phí, lãng phí không nằm trong ngữ cảnh này). Khi nghe tiếng “giá”, ai cũng hiểu đó là biểu hiện được tính bằng tiền của một vật hay một thành quả của lao động (ngoài những nghĩa khác không nằm trong ngữ cảnh này : là mầm chưa thành lá của hạt đậu, dụng cụ để treo hay đỡ đồ vật, hoặc là người ở vậy không lấy vợ lấy chồng…). “Thu phí” là thu một khoản tiền, còn “thu giá” chỉ có thể thu … giá đậu hay cái giá đỡ treo trên tường mà thôi. Người ta vẫn dùng được chữ “trả giá” nhưng “giá” ở đây có hàm nghĩa rất mắc, không chỉ bằng tiền mà còn bằng danh dự, sự nghiệp, tánh mạng.

    Sự u mê về tiếng mẹ đẻ của một vị Bộ trưởng lại được treo khắp nơi cho toàn dân nhìn thấy, đã biến thành trò cười. Sau khi công luận góp ý rồi mà vẫn không chịu sửa thì không dừng lại ở trò cười nữa. Nó trở thành uy tín của Chính phủ. Chúng ta sẽ giải thích như thế nào khi trẻ con hỏi chúng ta : “Thu giá” là thu cái gì ? Chúng ta sẽ bảo với chúng nó rằng ông Bộ trưởng Giao thông ngu. Chúng hỏi : Có ai không ngu để sửa chữ đó không ? Đến nước này chắc Thủ tướng phải mở miệng lệnh cho ông Bộ trưởng Giao thông sửa ngay cái chữ tối nghĩa đó đi, nếu không thì toàn dân làm sao giải thích cho con cái ho để giữ uy tín cho Chính phủ ?

  3. lúc trước chưa giải phóng miếng đất cắm dùi không có họ còn ở trong rừng , trong hang , dưới địa đạo , muốn thu phí xe qua lại ban đêm họ ra đắp mô , để chặn xe lại mà thu phí , bây giờ nhờ sự che trở giúp của người dân , cách mạng thành công , họ phải hiên ngang xây trạm thu phí bất cứ chỗ nào họ muốn thu phí chứ sao ,

  4. ông thể này ông có thay đổi được cái gì cho dân nó nhớ đến ông đàng này ông chỉ có đối một chữ từ phí sang giá ông cứ nghĩ là mình giỏi lắm rồi làm BT GTVT đổi chi có một chữ để mạng xã hội nó chửi tùm lum ông kg biết nhục à

  5. Nữ p.v ” Dạ,anh cho biết nghị định nào?” Xếp biết mình nói hớ nên chỉ ” vỗ vai nữ p.v và cười trừ.”Nghị định ấy được ký bằng MIỆNG.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here