Trúc Giang (VNTB)
Người dân Thủ Thiêm có quyền đòi hỏi chính quyền TP.HCM phải minh bạch toàn bộ hồ sơ liên quan đến quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm để người dân biết tường tận, kể cả việc cung cấp cho người dân toàn bộ bản sao chụp số hồ sơ này.
Minh bạch mọi thông tin
Hiện nay, trên mạng xã hội đang tiếp tục lấy chữ ký cho một bản kiến nghị yêu cầu nhà chức trách phải trả lại những diện tích đất đai tại bán đảo Thủ Thiêm đã thu hồi nhưng không nằm trong quy hoạch phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên chứng cứ cụ thể về văn bản pháp lý liên quan cho kiến nghị thì gần như những nhóm xã hội dân sự khởi xướng mới viện dẫn qua chứng cứ từ báo chí.
Có lẽ mọi việc phải chờ đợi đến ngày 1-7-2018, khi Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành. Theo đó sẽ có 15 loại thông tin bắt buộc phải được công khai rộng rãi.
Trong đó, đáng chú ý là các thông tin sau: Nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; Dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; Kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động; Thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân. [tải về tại http://bit.ly/2LlksrQ]
Và mọi việc không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận thông tin của công dân như trên.
Từ quy định tại Điều 4 của Luật Báo chí 2016 [tải về tại http://bit.ly/2s1977t], đến lượt mình, báo chí với sứ mệnh kèm “đòn bẩy pháp lý” vững chắc là Luật tiếp cận thông tin 2016 có thể tiếp cận, thu thập thông tin, phân tích, bình luận, đánh giá và đưa tin một cách dễ hiểu nhất để người dân biết và bảo vệ quyền lợi của mình.
Có nghĩa vào đầu tháng bảy tới đây, báo chí không chỉ dừng lại câu chuyện tìm ra người đang giữ bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm do Thủ tướng phê duyệt, mà từ tấm bản đồ đó, báo chí có thể nêu chi tiết những diện tích đất đai nào nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền thu hồi. Chẳng hạn, báo chí không chỉ tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ về việc khu Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không hề nằm trong diện phải di dời khi quy hoạch, mà báo chí còn có thể giúp Hòa thượng Thích Không Tánh, Viện chủ chùa Liên Trì chứng minh được rằng trong hồ sơ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ không hề có chuyện thu hồi phần diện tích đất đai nơi chùa Liên Trì tọa lạc, và chính quyền cần phải khắc phục hậu quả bằng việc hoàn trả lại phần diện tích đã thu hồi trái quy hoạch này.
Tuy nhiên dư luận vẫn lo ngại điều mà sinh thời luật sư Ngô Bá Thành (nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội các khoá VI, VII, VIII và X, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) từng cay đắng nhận xét: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”.
Cần có tổ chức trọng tài vể thông tin quốc gia
Theo phương pháp đánh giá quyền tiếp cận thông tin – Right to Information Rating, gọi tắt là phương pháp đánh giá RTI – một phương pháp được thế giới công nhận (RTI chỉ đánh giá khung pháp lý, không đánh giá hiệu quả của việc thực thi luật về tiếp cận thông tin; mục đích của việc đánh giá là để chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu trong văn bản luật, từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể để cải thiện luật về tiếp cận thông tin), thì Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam được 68 trên 150 điểm. Việt Nam xếp hạng 86 trên tổng số 112 quốc gia có đạo luật về tiếp cận thông tin được đánh giá, thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng. [http://bit.ly/2x5P4ee]
“Chúng tôi vui mừng chào đón Việt Nam tham gia vào nhóm các nước có luật về quyền tiếp cận thông tin”, ông Toby Mendel, Giám đốc điều hành của Trung tâm Pháp luật và Dân chủ (CLD) có trụ sở tại Canada phát biểu. “Đây là điểm khởi đầu tốt đẹp và chúng tôi hy vọng người dân trong nước sẽ áp dụng luật để tiếp tục cải thiện làm cho luật tốt hơn” – Ông Toby Mendel nói rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, điều quan trọng lúc này là để người dân bắt đầu sử dụng Luật và kiểm nghiệm những điểm hạn chế của Luật. Bằng cách đó, Luật có thể được cải thiện theo thời gian.
Tổ chức CLD kêu gọi, ngay khi Luật có hiệu lực vào tháng 7 năm 2018, các tổ chức và cá nhân trong nước nên thực hiện yêu cầu tiếp cận thông tin để kiểm chứng những thông tin gì người dân có thể được tiếp nhận.
Như vậy người dân Thủ Thiêm và báo chí liệu được sở hữu những sự thật nào trong vụ quy hoạch Thủ Thiêm vào tháng 7 tới đây, sẽ là câu trả lời cho việc ở Việt Nam minh bạch thông tin đến đâu? Bởi hiện tại dù nhiều thông tin công khai theo quy định pháp luật, nhưng người dân vẫn khó, thậm chí không thể tiếp cận được.
“Có trường hợp những thông tin công khai nhưng lại dán ở những vị trí khó thấy hoặc được dán vào những ngày nghỉ trong thời gian quá ngắn mà người dân chưa kịp tiếp cận đã bị tháo dỡ. Còn đối với những thông tin đưa lên trang thông tin điện tử thì lại quá chậm chạp, nghèo nàn…”. Bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nhận xét.
Từ lo lắng đó cho thấy để có thể đảm bảo các quyền hiến định về thông tin của người dân, theo nhiều luật sư ở Sài Gòn, đang rất cần xây dựng một tổ chức trọng tài về thông tin quốc gia. Đó là hội đồng các chuyên gia độc lập, có hiểu biết sâu rộng và uy tín cao trong lĩnh vực báo chí – thông tin, pháp luật và các lĩnh vực liên quan, do Quốc hội quản lý theo hình thức nhiệm kỳ, hoạt động bằng ngân sách nhà nước.
Các thành viên tổ chức trọng tài về thông tin quốc gia sẽ là những người chịu trách nhiệm thụ lý các khiếu kiện, tố cáo của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo thủ tục tố tụng dân sự nhằm mang tới sự công khai, minh bạch thông tin cho công dân.
Leave a Comment