Phạm Nhật Bình – Việt Tân |
Đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản đã trở thành chỗ dựa cho nhiều quốc gia thuộc địa để mong thoát khỏi vòng thống trị của chủ nghĩa thực dân Phương Tây. Từ năm 1930, đảng cộng sản hợp nhất xuất hiện tại Việt Nam và lần đầu tiên người dân nghe nói đến một thứ lý tưởng cách mạng có thể mang lại độc lập và công bằng, công lý cho toàn dân.
Hơn thế nữa, những người cộng sản Việt Nam trung thành với đường lối Liên Xô còn tuyên truyền đường lối hướng tới một thế giới đại đồng, một giấc mơ theo họ là vô cùng tốt đẹp và vĩ đại sau khi giải phóng cả thế giới. Nhưng thực tế lần lượt diễn ra khắp nơi không đúng như điều họ mơ ước. Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã lần lượt sụp đổ. Đầu thập niên 90, nước Nga từ bỏ chủ nghĩa cộng sản sau khi tận dụng nó trong một thời gian dài mà không đạt được những mục tiêu đề ra.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, cái gọi là thế giới đại đồng hiện chỉ là cái bánh vẽ mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam cố bắt người dân Việt phải ăn nhưng không bao giờ hết. Cho đến những ngày gần đây, chủ nghĩa Mác vẫn là ngọn đuốc soi đường cho đảng chi phối hệ thống cai trị.
Từ lớp hào quang giả tạo, họ sáng chế ra những khẩu hiệu rất kêu để hô hào, thúc đẩy cả nước tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa. Những lời đường mật về đấu tranh giai cấp, xóa bỏ bóc lột, bình đẳng xã hội, dân giàu nước mạnh vẫn được sử dụng để đánh lừa người dân và ngay chính đảng viên cộng sản. Mục đích của những người cộng sản không phải đem lại hạnh phúc cho người dân mà chỉ để dễ bề cai trị nhằm duy trì một chế độ độc tài phản dân chủ lâu dài.
Đối với đảng, dù biết những gì mình hô hào thực ra chỉ là bánh vẽ, nhưng nó lại chính là cái phao quan trọng cho lãnh đạo đảng bám vào đó để duy trì quyền lực độc tôn. Bề ngoài, bộ máy cai trị cộng sản được hình thành như một quốc gia dân chủ “ưu việt”, cũng tam quyền phân lập, cũng bầu cử quốc hội dân chủ nhưng lại che giấu khéo léo bằng hình thức đảng cử dân bầu. Bánh vẽ ấy còn được tô điểm với nền tự do báo chí gấp triệu lần các quốc gia khác nhưng chỉ tự do với cây gậy tuyên giáo chỉ đường để khống chế tư tưởng người dân.
Suốt một thời gian dài, thất bại của nền kinh tế chỉ huy yếu kém khiến đời sống xã hội ngày càng sa sút mọi mặt, nhưng ngược lại đã tạo nên một giai cấp đảng viên mới, những cán bộ đại gia mà tài sản được tính bằng đơn vị triệu đô-la. Tầng lớp cán bộ mới này xuất hiện với nếp sống xa hoa, dinh thự lộng lẫy nhờ tiền kiếm được từ sau khi Việt Nam bước vào cuộc đổi mới mà lý tưởng cách mạng chỉ còn là tìm kiếm cơ hội làm giàu bằng bất cứ giá nào. Đó là một trong nhiều lý do khiến chủ nghĩa cộng sản trở thành vật trang trí ngay trong hàng ngũ đảng viên.
Chuyện lý tưởng phai nhạt cũng không khó hiểu khi con đường phục hồi chủ nghĩa tư bản làm nổi bật tính chất hoang tưởng của ý thức hệ cộng sản, dù nó được gán cho những lớp áo mỹ miều. Đảng của liên minh trí thức – công nông, của giai cấp vô sản trước mắt mọi người trở thành đảng của giai cấp tư bản đỏ trong khi nông dân và công nhân là tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội.
Sự thừa nhận của Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đã nói lên đầy đủ tình trạng mất niềm tin cách mạng ngay trong hàng ngũ cán bộ cao cấp: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng.”
Với những mơ tưởng viễn vông, những cây bút mang học vị tiến sĩ, giáo sư đua nhau lặp đi lặp lại những lập luận vòng vo vô bổ, ca ngợi hào quang thành công do tính ưu việt của đảng. Và nhất là dựng ra những sáo ngữ để gán ghép đó là lời dạy của họ Hồ mà toàn dân phải học tập noi theo. Đám lý thuyết gia này chưa hề dám động đến những khái niệm tiêu biểu nhất ngày nay đã trở nên sai lầm và bị vượt qua của chủ nghĩa Marx mà họ vừa long trọng làm lễ tưởng nhớ 200 năm ngày Marx ra đời.
Trong tình trạng cán bộ coi lý tưởng cộng sản là chuyện mơ hồ dùng để lừa bịp người dân và chuyên tâm vào phương cách làm giàu sao cho nhanh chóng, các lý thuyết gia của tuyên giáo không khác một phường chèo trên sân khấu về khuya. Các vai chèo cứ an tâm tô son điểm phấn hát tuồng cũ để nung nấu ý chí cách mạng chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, thiên đường cộng sản và thế giới cộng đồng. Dù có cố gắng nhưng họ vẫn bất lực không làm sao xốc lên nổi tâm trạng nghi ngờ của đa số đảng viên. Bởi phường chèo chỉ có khả năng giúp mua vui cho những kẻ bàng quan sự đời vài giây đồng hồ chứ không làm xã hội thay đổi để đất nước khá hơn. Và đó là lý do vì sao đảng viên chán chường, không còn tin vào cái gọi là lý tưởng cách mạng cộng sản hào nhoáng đang bị chôn vùi.
Cũng không khác Hội nghị Trung ương 7 vừa qua, CSVN đã bàn thảo về việc xây dựng đội ngũ 600 cán bộ chiến lược có tầm vóc là những chính trị gia để lãnh đạo đất nước trong tương lai. Nhưng người dân đã nhìn ra đây chính là 600 con robot đỏ được đảng sản xuất để phục vụ cho một đế chế ở giai đoạn cáo chung. Vì chế độ này đã không còn hướng đi và mất cả định hướng khi cứ bám lấy bánh vẽ xã hội chủ nghĩa. Khi kiên định vào một chủ nghĩa không còn sức sống, đảng CSVN cũng đồng thời kiên định vào ngày tan rã của chính mình.
Cho nên dù có băn khoăn, trăn trở việc đa số đảng viên mất niềm tin vào lý tưởng cách mạng như Phó GS, TS Nguyễn Trọng Phúc nói trong một cuộc hội thảo về tư tưởng xây dựng đảng, đó cũng chỉ là lời than thở cuối mùa để tiễn đưa một lý tưởng đã đến lúc suy tàn.
Leave a Comment