Ngô Đồng – Việt Tân
Vụ cà phê trộn pin đã tạo sự chú ý của dư luận cách nay hơn hai tháng, nhưng do nhiều sự kiện nóng khác như vụ tham ô đất ở Thủ Thiêm, vụ hai Hiệp sĩ đường phố bị đâm chết xảy ra gần đây, khiến cho vụ cà phê trộn pin bị che khuất.
Tuy nhiên nếu chúng ta so sánh về sự tác hại của vụ cà phê trộn pin với những biến cố xã hội khác cho thấy là vụ cà phê trộn pin vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ làm hại đến sinh mệnh của người tiêu thụ mà còn phản ảnh sự suy đồi và thoái hóa cùng cực của giá trị đạo đức xã hội ngày nay.
Nói cách khác, vụ cà phê trộn pin đã nói lên hiện tượng rằng con người ngày nay chỉ nghĩ đến cái lợi riêng và không quan tâm gì đến sự sống của kẻ khác. Tại sao con người lại xuống cấp như vậy?
Theo tin tức thì do tình cờ người ta phát giác ra cơ sở chế biến cà phê của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan ở Đắk Nông đã dùng dung dịch bao gồm nước và bột pin con ó ngâm tẩm với tạp chất cà phê, bột đá sau đó sấy khô, phối trộn với hồ tiêu. Sự việc bị phát giác và đang gây phẫn nộ dư luận.
Ai cũng biết bột pin được làm từ muội than và hóa chất như kẽm, chì, mangan, thủy ngân… đều là chất cực kỳ độc hại đối với sức khỏe con người. Ngay cả việc tiếp xúc với các loại pin này cũng được khuyến cáo hạn chế, chứ đừng nói là trộn với cà phê để uống vào cơ thể.
Nếu chất mangan dioxit đi vào người sẽ tác động rất xấu đến hệ thần kinh, có thể gây ngộ độc cấp tính dẫn tới tử vong hoặc ngộ độc mãn tính nguy hiểm cho não, gan, thận, tim… và khả năng sinh sản của con người. Không chỉ thế, nó còn gây mất trí nhớ, rối loại nội tiết, tổn thương gan, thận, phổi và là tác nhân hình thành ung thư…
Ngoài ra, bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân, có biểu hiện vị kim loại nặng trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bị kích động, tăng huyết áp, sau 2-3 ngày chết vì suy thận…
Trước đây, việc luộc bánh chưng cho pin vào đã bị lên án vì nó gây hại cho sức khỏe con người, thì nay người ta lại pha vào cà phê để tạo màu. Quả thật, nếu không bắt quả tang thì khó ai tin là có hành vi này, bởi nó quá nhẫn tâm, ác độc nên ít ai có thể hình dung và ngờ tới.
Phải chăng, vì tiền, vì lòng tham lợi nhuận mà người ta ngang nhiên làm điều ác không run tay, hại một người chưa đủ, họ còn đầu độc hàng ngàn, hàng triệu người, hủy hoại sức khỏe của cả một thế hệ? Tại sao người Việt lại thản nhiên “kiếm lời” bằng cách đầu độc đồng loại mà không chút ăn năn, suy nghĩ? Sau vụ việc này câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta đang đứng ở đáy của những giá trị đạo đức?
Điều đáng nói, đây không phải là vụ việc mới hay cá biệt. Vì hám lợi, nhiều tư thương Việt Nam không ngần ngại sử dụng chất phế thải, chất bẩn, thậm chí độc hại, có nguy cơ giết chết trực tiếp người tiêu dùng. Có thể nói, cả nước hôm nay tràn ngập hóa chất. Rau trước khi mang ra chợ còn tưới đẫm thuốc trừ sâu, kích lá, trái cây xanh được nhúng hóa chất, củ cải được tắm trắng, hải sản tẩm ướp muối diêm giữ tươi, thuốc xịt kiến để chống lại quá trình phân hủy, than tro của tre làm thuốc chữa ung thư… và giờ thì đến cà phê trộn pin.
Hậu quả của những hành vi vô đạo đức trên là hàng loạt những vụ ngộ độc tập thể, thậm chí tử vong hàng loạt. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Việt Nam lọt vào top các nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất thế giới. Và hậu quả là dự báo chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có đại dịch ung thư trong khi hiện nay, mỗi năm đang có trên 100 ngàn người chết vì căn bệnh này.
Nếu nhìn vào thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm thì đập vào mắt người tiêu dùng chỉ là một bức tranh đen kịt. Ai bảo vệ người tiêu dùng hay người tiêu dùng chỉ nhận được một lời khuyên: “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái” và tự tìm cách mà bảo vệ lấy mình? Liệu chúng ta có thể bảo vệ chính mình, gia đình, người thân, con cái của mình được không khi mà thị trường tràn lan những sản phẩm độc hại, tẩm đầy hóa chất như vậy? Còn các cơ quan thuộc chính quyền họ đã làm gì?
Thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay công tác quản lý an toàn thực phẩm của chính quyền Việt Nam còn quá yếu kém. Trong đó cơ chế phối hợp quản lý còn trong cảnh “cha chung không ai khóc”. Một cái bánh bao vẫn 3 bộ cùng quản và tiếp tục đổ lỗi cho nhau mỗi khi có sự vụ. Một cục nước đá gần 10 ban, bộ, ngành quản lý, nhưng nước đá vẫn không an toàn. Người ta cho hóa chất vào để nước mau thành đá, tốn ít điện, bán lời hơn…
Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm còn thụ động. Đặc biệt việc xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm chưa kiên quyết nên không bảo đảm tính răn đe. Bao nhiêu vụ sản xuất thực phẩm bẩn đã xảy ra, nhưng mức xử phạt quá nhẹ, đến mức nực cười, chỉ phạt tiền vài triệu đến vài chục triệu là xong. Đâu lại vào đấy, chẳng ai thấy sợ hãi chứ đừng nói gì đến day dứt, ăn năn. Đồng thời, tất cả những hành động đều mới chỉ dừng lại ở giải quyết hậu quả khi vụ việc đã xảy, chứ chưa có giải pháp ngăn chặn.
Những vụ thực phẩm bẩn, những hành vi tàn độc, những biểu hiện vô đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thương mại ngày càng xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Có lẽ chưa bao giờ tính mạng người Việt lại mong manh như bây giờ, “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế.”
Có thể thấy, chưa khi nào người tiêu dùng Việt lại cảm thấy hoang mang như hiện nay. Nhưng chẳng mấy ai cảm thấy mình có trách nhiệm bồi đắp hay bảo vệ niềm tin. Và chúng ta, trong nhiều trường hợp, vẫn chỉ khoanh tay chứng kiến người Việt đầu độc người Việt để kiếm lời. Mỗi lần xảy ra một câu chuyện như thế này chúng ta chỉ biết phẫn nộ và để nguyên đó, rồi chúng ta lại tìm cách mua riêng những bịch cà phê sạch. Chỉ cho mình và người thân thôi, còn những người khác thì không quan tâm lắm. Chính sự thờ ơ một cách vô tình này đã tạo nên đất sống cho những người như bà Loan. Và rồi sang năm, nhiều năm sau nữa, chúng ta sẽ lại phải tiếp tục phẫn nộ vì những chuyện tương tự như cà phê trộn pin bây giờ.