Phạm Chí Dũng – Người Việt
30 Tháng Tư đầu tiên được ‘tự do
Ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong một con hẻm ở quận 5, Sài Gòn của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế chợt như rộng mở hơn vào ngày 30 Tháng Tư, 2018: Đã chẳng có một bóng công an nào theo dõi hoặc ngăn chặn vị bác sĩ đáng kính này bước chân khỏi nhà.
Với người chủ xướng thành lập Cao Trào Nhân Bản, một tiếng nói đối lập với chính quyền cộng sản và đã phải chịu hai chục năm tù ngục của chế độ này, đó là một ngạc nhiên.
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 mà đã quyết định ở lại Việt Nam chứ không đi di tản, Bác Sĩ Quế luôn bị công an giám sát chặt chẽ vào nhiều khoảng thời gian, đặc biệt vào những thời điểm có sự kiện như 30 Tháng Tư. Có lần, thậm chí một nữ phóng viên nước ngoài tìm đến nhà ông, chỉ còn cách ông có nửa thước nhưng đã không thể bước chân qua cánh cửa nhỏ vì bị hai nhân viên công an xô ngược trở ra.
Nhưng vào ngày 30 Tháng Tư năm nay, hình ảnh đàn đàn những kẻ mặc thường phục vây hãm nhà giới hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn và Hà Nội đã biến đâu mất, dù chỉ mới vào đầu năm nay giới công an trị còn hung hãn đẩy đuổi, hành hung và bắt bớ những công dân tổ chức kỷ niệm ngày chiến tranh biên giới Việt-Trung và tưởng niệm các liệt sĩ của quân đội Cộng Sản lẫn Việt Nam Cộng Hòa hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma và Hoàng Sa.
Giải thích cho hiện tượng biến mất lạ lùng trên là một bản đồng ca đang len lén bốc lên từ dàn hợp xướng báo đảng: một lần nữa trong nhiều năm và đặc biệt kể từ năm 2017, luận thuyết “hòa hợp hòa giải” lại được giới tuyên giáo hô hào và bắn ý về phía “khúc ruột ngàn dặm” – hơn 4 triệu người Việt đang sinh sống ở Mỹ và các nước trên thế giới mà hàng năm đã góp phần cống hiến bằng số kiều hối gần một chục tỷ đô la gửi về cho thân nhân và để đầu tư, mà vô hình trung đã kéo dài hơi thở của chế độ trong nước.
Vào năm ngoái, với một cử chỉ chưa từng có khi cho Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức một hội nghị về “hòa hợp dân tộc về văn học” với cả hai lần đều thất bại bởi chẳng một nhà văn hải ngoại nào hồi đáp lời mời hội thảo này, đảng Cộng Sản đã gián tiếp thừa nhận một thực tế là giá trị kiều hối mà “khúc ruột ngàn dặm” gửi về đã bị giảm sút chóng mặt từ năm 2016 – từ $13.5 tỷ xuống còn $9 tỷ, thậm chí Tổng Cục Thống Kê Việt Nam còn không dám công bố số liệu kiều hối của năm 2017.
Còn vào mùa hè năm nay, tình hình kinh tế, ngân sách và vay mượn quốc tế còn khốn khó hơn năm ngoái và khốn quẫn hơn nhiều năm trước đã khiến đảng đang một lần nữa phải nhìn chằm chặp vào túi tiền của “kiều bào ta.”
Nhưng câu chuyện về những mầm mống tràn đầy làm nhú lên cơn khủng hoảng kinh tế thật ra chỉ là một phần trong thiên truyện nhiều tập về buổi hoàng hôn chợ chiều chính thể.
Tương lai… Bắc Triều Tiên
Một sắc thái hoàng hôn khác, không kém sẫm màu, là cơn khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt mà bất thần nổ tung vào giữa năm 2017, đang phủ bóng đe dọa sẽ lan tỏa khắp các nước Tây Âu, Bắc Âu và một phần khu vực Đông Âu trong thái độ cực kỳ cảnh giác với hoạt động của mật vụ Việt Nam tại Lục Địa Già.
Mùa Hè này, trong lúc toàn bộ giới quan chức Việt đang lên cơn sốt bởi sức nóng như thiêu đốt từ cái “lò” nung quan tham của Nguyễn Phú Trọng, một cái lò khác cũng đang hừng hực ở Berlin mà đã thu hút mối quan tâm của báo chí và dư luận ở Châu Âu: Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Một thông tin bùng phát liên đới một cấp cao hơn rất nhiều: Slovakia đang hợp tác với Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi Tháng Bảy, 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.
Trong lúc khủng hoảng Đức-Việt chưa kết thúc và có thể còn lâu nữa mới chấm dứt, hơi thở nóng rẫy của cơn khủng hoảng mới mang tên Slovakia – Việt Nam đang phả vào gáy chính thể và giới mật vụ Hà Nội.
Cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam nếu xảy ra sẽ chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng Hòa Séc với Việt Nam.
Tức trên con đường chông gai dẫn đến EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) chưa biết chừng nào mới kết thúc, ngay trước mắt Việt Nam rất có thể đã mất đến 3 phiếu từ Đức, Slovakia và Séc.
Nhưng không chỉ có thế, và EVFTA cũng chưa phải là hậu quả lớn cuối cùng. Nếu phần lớn Châu Âu quay lưng với Việt Nam bởi vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và thái độ chây ì không chịu xin lỗi của Hà Nội, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất mát một phần lớn thị trường mà đã giúp cho Việt Nam xuất siêu đến $25 tỷ mỗi năm và mang lại một số lợi nhuận đáng kể để đút vào miệng ngân sách nhằm nuôi bộ máy đảng.
Và cuối cùng, tương lai của chính thể độc đảng và độc trị ở Việt Nam rất có thể sẽ là… Bắc Triều Tiên.
Lẽ nào Việt Nam lại muốn trở thành quốc gia toàn trị bị cô lập trên toàn thế giới?
Lại ‘nhân quyền đổi thương mại’
Sau hai Tháng Ba và Tư của nửa đầu năm 2018 le lói một chút tin tức về “Bộ Công An trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh cho người hoạt động nhân quyền,” mới đây đã có những xác nhận trong giới đấu tranh nhân quyền về vấn đề nhạy cảm này.
Đã từ nhiều năm qua, cấm xuất cảnh hoặc tịch thu hộ chiếu, hoặc cả hai động tác này, là một biện pháp rất được Bộ Công An và công an các tỉnh thành dùng để đối phó với tiếng nói bất đồng của nhiều người hoạt động dân chủ và nhân quyền. Rất nhiều người hoạt động này đã bị cấm xuất cảnh, theo một danh sách được cho là có đến hàng vài ngàn người bị cấm xuất cảnh, trong đó có giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Từ đầu năm 2014, ở Việt Nam đã ra đời “Hội những người bị cấm xuất cảnh,” bao gồm hàng trăm cái tên của những người hoạt động nhân quyền. Nhiều người đã làm đơn khiếu nại đòi công an phải trả lại hộ chiếu và quyền xuất cảnh, nhưng Bộ Công An và công an các tỉnh thành chỉ viện dẫn lý do “xâm phạm an ninh quốc gia” hết sức mơ hồ mà không trưng dẫn ra được bất kỳ bằng chứng nào về sự xâm phạm ấy, để không trả lời các đơn thư khiếu nại.
Cho tới gần cuối năm 2017, là năm mà chiến dịch bắt bớ nhân quyền đã lên đến cao điểm với gần ba chục người bị tống giam, vẫn không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền và công an nhượng bộ những yêu sách về cải thiện nhân quyền của cộng đồng quốc tế, trong đó có đòi hỏi về trả hộ chiếu và quyền xuất cảnh.
Vào tháng cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhà cầm quyền Việt Nam đã lặng lẽ trả hộ chiếu và cho xuất cảnh một ít trường hợp là cựu tù nhân lương tâm – những nhà hoạt động là Nguyễn Phương Uyên, Trương Minh Tam, Việt Khang, Mục Sư Nguyễn Công Chính.
Bầu không khí “cải thiện nhân quyền” đang có nét trở về 5 năm trước.
Vào Tháng Tư, 2013 và ngay trước cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Việt-Mỹ sau một thời gian bị ngưng trệ, công an Việt Nam đã trả lại hộ chiếu cho blogger Người Buôn Gió để người này được xuất cảnh sang Đức.
Vào đầu tháng Năm năm nay, cũng có một cựu tù nhân lương tâm được trả lại hộ chiếu và đi Đức, theo yêu cầu của Đại sứ quan Đức tại Việt Nam.
Nhưng trong các nhà tù của đảng vẫn còn đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm – những người đã dám đứng lên phản bác lại vô số bất công của chế độ.
Còn lịch sử của những cuộc mặc cả “nhân quyền đổi thương mại” của chính thể Việt Nam thì lại chẳng mang lại một kết quả sáng sủa nào. Tất cả những gì được xem là “Việt Nam luôn quan tâm và bảo vệ quyền con người,” thả một ít tù nhân lương tâm trong khi bắt nhiều hơn hẳn người bất đồng để trám vào chỗ trống đã thả, đã chỉ khiến cộng đồng quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nhìn thấy rõ hơn hẳn về “bản chất Cộng Sản. “
Để từ đó họ dịch chuyển quan điểm từ “ưu tiên thương mại” với Việt Nam sang “nhân quyền hàng đầu,” và “nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền một cách mạnh mẽ và có thể chứng minh được, sẽ không có thương mại và viện trợ không hoàn lại.”