Nguyễn Tuấn – RFA |
Lý do chưa thuyết phục
Vào trung tuần tháng 5, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Tài Chính vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó thuế xăng dầu sẽ tăng lên mức kịch khung, tức từ 3000 đồng lên 4000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và lên mức 2000 đồng/lít đối với dầu, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7.
Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho rằng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu thì ước tính số thu ngân sách của Việt Nam mỗi năm sẽ tăng khoảng hơn 14.000 tỷ đồng.
Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, túi nylon… cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng giá vì cho rằng trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng giá kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, đề xuất này cũng như những lần trước, đều vấp phải phản ứng và ý kiến trái chiều của các chuyên gia kinh tế và người dân.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, từ trước đến nay nhà nước và hai bộ này không thể xác minh được thuế môi trường thu trên xăng dầu đã được dùng vào việc gì và việc cải thiện môi trường đến đâu, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng tồi tệ, trở thành vấn đề nhức nhói trong xã hội.
“Thuế danh nghĩa là bảo vệ môi trường đã được sử dụng như thế nào mà không khắc phục được các vấn đề môi trường như thế. Nếu chưa chứng minh được là sử dụng tốt thuế môi trường thì không có lý do gì mà thu thêm của người dân, bởi vì thu thêm mà vẫn như vậy thì không ai sẵn sàng đóng thuế cả.”
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức mà bộ này cho là phù hợp. Lý do là giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam thấp hơn so với 120 nước, trong đó có một số nước thuộc khu vực ASEAN và Châu Á.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, bà không đồng tình về lập luận này. Bà cho biết:
“Tôi nghĩ lập luận này tức cuời lắm bởi vì khi muốn tăng họ thường hay nói thế, họ chỉ so sánh với bên ngoài, lấy điều gì có lợi cho họ thôi, so sánh một cách rất là một chiều. Ví dụ như các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan, Malaysia thì mức thu nhập của người dân cao hơn ở Việt Nam biết bao nhiều lần mà kể, mà lại đi so sánh. Thế thì so sánh chi phí xăng dầu Việt Nam rẻ hơn một chút mà lại quên đi các yếu tố là thu nhập của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác, cái đó không thể được. Cách người ta so sánh như vậy là không sòng phẳng.”
Trả lời báo chí trong nước, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu chỉ nên dùng để chi cho môi trường chứ không nên dùng để bù đắp vào khoản ngân sách thiếu hụt. Thay vì tập trung tăng thuế xăng dầu thì nên có biện pháp tái cơ cấu thu chi xăng dầu, bởi vì trong tái cơ cấu không chỉ có tăng thu mà còn giảm chi nhiều khoản.
Đồng quan điểm với việc giảm chi nhiều khoản, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng:
“Việt Nam bây giờ không những là chi thường xuyên tăng lên cao như thế, mà chi cho đầu tư công mà cũng gây lên cái tệ nạn về dàn trãi thất thoát, lãng phí tham nhũng rất nhiều, nhũng chuyện này ngay cả trong các diễn đàn quốc hội người ta cũng thường xuyên nói đến. Vì vậy việc bội chi ngân sách điều đầu tiên là nhà nước phải giảm chi chứ không phải tăng thuế lên, mà tăng lên mà không chứng minh được về đề án thì hoàn toàn không thuyết phục được người dân.”
Bộ Tài chính cũng thừa nhận tăng thuế bảo vệ môi trường có thể bù đắp ngân sách khi đang giảm nguồn thu. Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường mà đánh tới 95% vào xăng dầu thì điều này hoàn toàn không thể thuyết phục.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng gánh chịu
Đối với các doanh nghiệp, nếu đề xuất này được thông qua, việc tăng thuế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tạo thêm gánh nặng cho cách doanh nghiệp khi phải tăng mọi chi phí cũng như sản phẩm và điều đó sẽ gây nên tình trạng nhiều doanh nghiệp không chịu nổi chi phí đầu vào trong khi đầu ra bị sức ép cạnh tranh quá lớn thì sẽ không hoạt động nổi. Bà Phạm Chi Lan cho biết thêm:
“Tình trạng các doanh nghiệp đóng cửa với tỉ lệ 70 – 80 ngàn một năm đấy, các đó nó gây rất nhiều tổn thất cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế, mất mát công ăn việc làm của người dân thì những hệ quả đó cũng phải tính tới. Mất đi lượng lớn người đóng thuế thì ngân sách làm như thế nào rồi lại bắt những người còn lại đóng thêm thuế, cách đó không thể được, thu cái gì thì phải tính đến chuyện nuôi dưỡng nguồn thu nữa, chứ không thể theo nhu cầu chỉ nhà nước thôi không được.”
Một số người dân cho rằng, việc tăng giá xăng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ nhưng vì không có tiếng nói nên đành phải chấp nhận.
“Giờ nhà nước tăng thì dân phải chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ, mình có nói được gì đâu. Giờ xăng tăng giá thì chạy xe cũng phải tăng giá theo thôi chứ biết sao bây giờ.”
“Đương nhiên rồi xăng tăng thì tất cả mọi thứ cũng tăng, nhất là thương gia cứ xăng tăng thì tăng theo xăng thôi. Cái này nhà nước đã tính toán rồi, nó hợp lý rồi thì mình đâu có ý kiến gì, mình là người dân thì chỉ biết chấp hành quy định của nhà nước thôi.”
Một anh tài xế xe tải cho chúng tôi biết thêm về ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng: “Có ảnh hưởng chứ, nếu mà xăng dầu mà lên thì cước vận chuyển người ta cũng sẽ tăng lên, mà tăng lên thì các mặt hàng cũng phải tăng theo, mà người dân mà lương không lên thì cũng mệt mỏi lắm.”
Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường như xăng dầu sinh học và túi nylon thân thiện với môi trường. Từ đó sẽ giảm thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế như đã cam kết với quốc tế về bảo vệ môi trường.
Trước đó, tại buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, về mặt ô nhiễm thì than đá là sản phẩm ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Vì vậy nên cân nhắc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng than thay vì xăng dầu.
Leave a Comment