Kính Hoà – RFA
An ninh nhân dân là gì?
Tính chất pháp lý của các tổ chức bán chính thức, hoặc hoàn toàn không chính thức như dân phòng, bảo vệ dân phố, hiệp sĩ đường phố cũng đã được nêu lên từ khá lâu. Vào năm 2010, trên trang mạng Boxit Việt Nam do một số nhân sĩ trí thức chủ trương, có bài viết nhan đề Cơ sở pháp lý nào cho các lực lượng dân phòng trong các đô thị hiện nay? Tác giả Hà Đình Sơn, sau khi tìm hiểu các bộ luật về quốc phòng của Việt Nam đã thấy rằng lực lượng dân phòng không nằm trong bất cứ biên chế của lực lượng vũ trang, lực lượng công an của quốc gia, ngoài ra tác giả còn thấy rằng do thiếu những kiến thức về luật pháp, đã có chuyện lực lượng dân phòng phạm phải những hành động phi pháp đối với dân chúng.
Trả lời chúng tôi từ Bình Dương, một người tên Hải, thuộc đội “hiệp sĩ Bình Dương” nói rằng về mặt pháp luật thì không có biên chế nào cho đội này cả, nhưng đội được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ sở đảng cộng sản tại địa phương.
Luật sư Lê Công Định giải thích cho chúng tôi nguyên nhân của việc hình thành các lực lượng không chính thức trong lĩnh vực thực thi pháp luật tại Việt Nam dưới chế độ của những người cộng sản:
“Đó là do suy nghĩ từ thời xa xưa của họ, cái khái niệm về an ninh nhân dân. Từ rất lâu, kể cả trong thời kỳ mà họ còn kháng chiến chống người Pháp, người Mỹ, thì họ đã xây dựng một mạng lưới gọi là an ninh nhân dân, tức là những người tự nguyện làm những công việc có tính cách bảo vệ trật tự công cộng, hoặc làm theo chỉ thị của chính họ, trong việc bảo vệ sự an toàn của một cơ sở đảng chẳng hạn.”
Theo Luật sư Định, mạng lưới an ninh nhân dân này giúp cho nhà cầm quyền thu thập thông tin trong dân chúng. Cũng như tác giả Hà Đình Sơn, ông Lê Công Định cho rằng những tổ chức không chính thức như vậy thiếu những kiến thức về pháp luật, sẽ dẫn tới việc vi phạm quyền tự do của người khác, và điều quan trọng hơn, theo ông là sẽ làm xã hội đi thụt lùi trên phương diện pháp luật:
“Những hiệp sĩ đường phố cũng chỉ là những công dân bình thường, họ hoàn toàn không có tư cách công chức hay viên chức trong bộ máy chính quyền, vậy họ lấy cơ sở nào để cho phép mình được tự vệ theo cái hướng là tấn công những người mà họ đang nhận định là vi phạm pháp luật?
Nếu chúng ta duy trì một cái não trạng như vậy thì có thể kéo xã hội Việt Nam trở lại vào một thời kỳ xa xôi trong lịch sử, trong đó là một xã hội vô chính phủ, vô luật pháp, thì người ta tha hồ trả đũa những hành vi mà người ta cho rằng đang xâm phạm lợi ích cá nhân của mình một cách bất chấp là nhà cầm quyền có tồn tại hay không?”
Sau khi sự việc hai thành viên của hội “hiệp sĩ đường phố” tại Sài Gòn bị giết chết, đã có rất đông ý kiến phản đối sự tồn tại của những tổ chức phi chính thức này, vì nó không phải là sự thể hiện của một nhà nước pháp quyền.
Trên báo mạng Tuần Việt Nam có bài Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật chứ không phải bằng nghĩa khí của tác giả Nguyễn Anh Thi. Tác giả có trích lời ông Đinh Thế Hưng của Viện Nhà nước và pháp luật, cho rằng việc cổ vũ các “hiệp sĩ” rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng và rất gần với cách hành xử theo kiểu tự xử hoang dã.
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng nên giúp đỡ và hỗ trợ cho các nhóm “hiệp sĩ đường phố”, như ý kiến của đại biểu quốc hội Đặng Thành Phong trả lời cho báo mạng Một Thế giới. Trong đó có sự thiết lập điều mà ông gọi là hành lang pháp lý cho các nhóm này. Tương tự như vậy Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói với đài RFA rằng cần một thiết chế pháp luật cho những hội nhóm này.
Hai ý kiến tạo nhiều phản ứng nhất là của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần trang bị áo giáp cho các “hiệp sĩ đường phố”, còn ông Nguyễn Thành Phong cho rằng công an cần đi bảo vệ những “hiệp sĩ” này.
Luật sư Lê Công Định nhận xét:
“Cả hai ông này đều thể hiện một kiến thức tôi tạm gọi rất là thấp, bởi vì họ không hiểu được rằng hiệp sĩ đường phố chỉ là một tổ chức tự phát, duy trì nó có nghĩa là chúng ta đang chống lại nền tảng pháp luật của xã hội này.”
Lạm dụng quyền lực và quan niệm về luật pháp
Ngoài chuyện lạm dụng quyền lực do không hiểu biết, như tác giả Hà Đình Sơn và Luật sư Lê Công Định đã nêu ra, blogger Huỳnh Công Thuận tại Sài Gòn còn cho chúng tôi biết rằng việc gia nhập các đội “hiệp sĩ” đối với nhiều người là để được có quan hệ với lực lượng công an, từ đó có thể có được những ưu đãi, đặc biệt là việc gia nhập hộ khẩu ở các thành phố lớn.
Một số người đã tìm thấy trên mạng xã hội mối liên hệ giữa nhóm “hiệp sĩ đường phố” tại Sài Gòn và nhóm một số người đã hành hung bà Lê Mỹ Hạnh, một người hoạt động xã hội, vào tháng 5/2017. Từ đó đưa đến những lời đồn đoán rằng cơ quan công an, an ninh có thể sử dụng các nhóm “hiệp sĩ đường phố” vào mục đích trấn áp những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi đặt vấn đề này với Luật sư Lê Công Định:
“Điều đó là quá tệ, nhưng nếu có điều đó thì tôi cũng không ngạc nhiên lắm là bởi vì trước sau gì họ cũng sử dụng đến biện pháp đó thôi, vì chúng ta thấy rằng bây giờ cái việc tấn công vào những người bất đồng chính kiến, tấn công vào nhà thờ, chùa chiền, công an đều sử dụng những tổ chức côn đồ, tất nhiên hiệp sĩ đường phố không phải là côn đồ, nhưng rõ ràng bây giờ công an đang sử dụng côn đồ để tấn công những người bất đồng chính kiến, điều đó đã xảy ra rồi, đang xảy ra và ngày càng gia tăng.”
Hình ảnh những cuộc đàn áp biểu tình chống Trung Quốc, hay vì môi trường trong những năm gần đây cho thấy bên phía lực lượng đàn áp có nhiều sắc phục khác nhau, trong đó có lực lượng dân phòng, bảo vệ khu phố, và cả lực lượng thanh niên xung phong, một tổ chức chủ yếu lo về hoạt động sản xuất. Trong văn liệu của Đảng Cộng sản từ khi bắt đầu nắm chính quyền đến nay, người ta cũng thường thấy cụm từ “lực lượng quần chúng” trong nhũng vụ bắt bớ thời cải cách ruộng đất 1955, hay trong những vụ xung đột với giáo dân Công giáo miền Trung mới đây.
Bình luận về quan điểm luật pháp của Đảng Cộng sản, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà bất đồng chính kiến hiện sống tại Đà Lạt nói với chúng tôi:
“Cái suy nghĩ nguyên thủy của người cộng sản xuất phát từ cái lý thuyết đó, cái thể chế đó, mà tôi nghĩ cái câu của ông Phạm Văn Đồng là điển hình nhất. Khi ông Nguyễn Mạnh Tường nói với ông ấy rằng thưa Thủ tướng, chỉ huy cơ quan hành pháp thì điều chính yếu phải nghĩ tới một bộ luật văn minh, thì ông ấy trả lời rằng luật để làm gì, để nó trói tay mình à.”
Ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng của chính quyền cộng sản từ năm 1947 đến 1987. Ông Nguyễn Mạnh Tường là một luật sư tham gia kháng chiến chống Pháp, sau 1954 từng làm hiệu trường Đại học luật Hà Nội, nhưng sau đó bị loại ra khỏi guồng máy nhà nước miền Bắc Việt Nam, sống nghèo khổ cho đến cuối đời.
Hiện nay Bộ Công An Việt Nam đang tiến hành cải cách bộ máy, được cho là để có hiệu quả hơn. Chúng tôi đặt câu hỏi với Luật sư Lê Công Định rằng liệu điều đó sẽ tăng tính chất pháp quyền của việc thi hành pháp luật tại Việt Nam hay không, ông trả lời rằng không chắc điều đó vì việc cải tổ là nhằm mục đích chính trị phe nhóm, và vì ngân sách cạn kiệt.
Trả lời báo chí ngay sau sự việc hai “hiệp sĩ đường phố” bị tử nạn, Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá Phan Anh Minh nói rằng cơ quan công an không quán xuyến hết việc trấn áp tội phạm và sẽ gặp khó khăn vì bị giảm biên chế tới đây.
Leave a Comment