FB Ba Hai Pham (Phạm Bá Hải) |
Trong bối cảnh Hiệp định Tự do Mậu dịch FTA giữa VN và EU đang bước vào giai đoạn phê chuẩn, và trước thềm cuộc Đối thoại Nhân quyền VN – Hoa Kỳ tại Washington, ngày 15/5 đoàn các nhà ngoại giao đã gặp gỡ trao đổi với Ls.Lê Công Định, Ts.Phạm Chí Dũng và Ths.Phạm Bá Hải tại Nguyen Du Park Villas, Sài Gòn.
Phái đoàn các nhà ngoại giao Châu Âu bao gồm Miguel Moro Aguila (ĐSQ Tây Ban Nha), Catherine Welter (Tham tán Chính trị EU tại Hà Nội), Nicolo Costantini (ĐSQ Italia), Fabienne Runyo (ĐSQ Pháp), Tim Krap (ĐSQ Hà Lan), Graham (ĐSQ Anh), Victoria Rhodin Sandstrom (ĐSQ Thụy Điển), Konrad Lax (Đại sứ quán Đức). Phía Hoa Kỳ là ông Justin Brown và bà Pontius Pamela, thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn.
Cuộc trao đổi kéo dài hai tiếng, xoay quanh các chủ đề nóng về vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền như vài điều khoản của Luật an ninh mạng, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật đất đai liên quan đến vấn đề Thủ Thiêm và Đồng Tâm; nguyên nhân gia tăng đánh đập, bắt bớ, giam cầm, án tù nặng nề người bất đồng chính kiến. Đặc biệt, cuộc trao đổi dành nhiều thời gian để phân tích mục tiêu của Hiệp định Tự do Mậu dịch VN – Châu Âu (EVFTA) mà VN đang cố gắng vận động các quốc gia thành viên EU phê chuẩn.
FTA VN – Châu Âu được xem như một hiệp định thương mại phủ một lượng hàng hóa khổng lồ chưa từng có giữa VN và EU. Nó không chỉ xóa bỏ 99% thuế quan trên tất cả hàng hóa mà còn mở cửa thị trường dịch vụ VN ra cho các công ty EU. FTA đẩy nền kinh tế VN tăng 15% GDP, hàng hóa xuất khẩu sang EU tăng một phần ba. Dự đoán GDP tăng 3,2 tỷ đô la vào năm 2020, 6,7 tỷ năm 2025 và 7,2 tỷ năm 2030. Mặc dù nội dung FTA đã thông qua năm 2015, nhưng phê chuẩn nó còn cần có chữ ký của 28 nước thành viên EU. Hiện tại các nhà hoạch định hiệp ước của EU đang xem xét tách riêng các phần thuộc quyền quyết định của các nước thành viên để tiến độ hoàn tất phê chuẩn nhanh hơn, dự tính là trong năm 2018.
Tuy nhiên, EVFTA ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức nhân quyền trên thế giới. Tính con số chính thức tối thiểu bị bắt, năm 2015 có 9 người bất đồng chính kiến bị an ninh VN bắt giam. Các năm 2016, 2017 lần lượt tăng dần đàn áp với số lượng 11 và 43. Riêng năm 2018, có ít nhất bốn người đã bị truy tố hình sự chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận của họ. Các vụ tấn công bạo lực của công an an ninh cũng trở nên công khai và thách thức tiêu chuẩn nhân quyền mà VN cam kết.
Nghị quyết 2013/2989(RSP) của Nghị viện Châu Âu ngày 17/04/2014 đặt ra cách tiếp cận FTA có điều kiện trên nền tảng có tiến bộ về nhân quyền và các quyền tự do căn bản khác. Nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận của công dân, tự do báo chí và tự do tôn giáo. Đoạn 21 cũng ghi rõ khả năng ngừng ký duyệt FTA trong trường hợp có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Trong khuôn khổ Hiệp ước Hợp tác và Đối tác Toàn diện (FACP) với VN, Nghị viện EU ban hành Nghị quyết 2015/2096 (INI) ngày 17/12/2015 kêu gọi chính quyền VN chấm dứt đàn áp người dân thực hiện quyền tự do bày tỏ ôn hòa, quyền hội họp và lập hội. Theo đó, xem xét sửa đổi Điều 79, 87, 88 và 258 trong Bộ luật Hình sự. EU quan tâm đến 60 TNLT xuất thân từ blogger, phóng viên, người bảo vệ nhân quyền, dân oan, công nhân. Khuyến nghị cải tổ hệ thống pháp luật hình sự, đặc biệt là thành lập hệ thống tòa án độc lập.
Nghị quyết 2016/2755 (RSP) ngày 09/06/2016 liệt kê một loạt các nhà đấu tranh nhân quyền VN bị giam cầm. Yêu cầu EU tăng cường đối thoại chính trị với VN về nhân quyền trong khuôn khổ FACP. Kêu gọi Phái bộ EU tại Hà Nội dùng các biện pháp thích hợp cùng với chính quyền VN từng bước bảo vệ người bảo vệ nhân quyền. Đối thoại nhân quyền phải có kết quả cụ thể.
Tuy nhiên, năm 2017 là năm điểm đỉnh của trấn áp nhân quyền. Các bản án nặng nề được tuyên bất chấp dư luận EU. Nghị quyết 2017/3001 (RSP) thông qua ngày 14/12/2017 lên án nhà nước VN dùng các biện pháp khủng bố tinh thần, tấn công thể xác, quản chế tại gia tùy tiện, áp lực luật sư, chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ và gia đình của các nhà hoạt động, ngăn cản tự do đi lại của công dân đi đến các sự kiện công cộng hay các phiên tòa.
Bốn nghị quyết trên của Nghị viện EU đủ thấy mối quan tâm sâu sát về vi phạm nhân quyền tại VN.
Bên cạnh đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng lo ngại việc các công ty khổng lồ EU sẽ dùng VN như một nhà máy sản xuất giá rẻ, với tiêu chuẩn môi trường thấp. Chủ tịch UB Thương mại thuộc Nghị viện EU, ông Bernd Lange nói: “Công nhân được thuê và bị sa thải mà không có bảo đảm nào, tăng ca tùy tiện, và công nhân nào đấu tranh cho điều kiện lao động công bằng hơn sẽ bị đuổi việc. Rõ ràng là không thể nào bỏ hết mọi thuế suất và làm cho nó thành rẻ ở đây mà không có bất kỳ tiến bộ nào cho công nhân bên đó”. Và ông kết luận: “Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt là quyền của người lao động, thì Nghị viện không thể phê chuẩn Hiệp ước FTA”
Hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị đọa đày trong các nhà tù khắp nước, hàng ngàn người dân bị đánh đập công khai vì bày tỏ ôn hòa, và hàng triệu công nhân lao động không có quyền tự bảo vệ mình trong các “nhà máy mồ hôi”. Mồ hôi và nước mắt của họ không thể dùng để làm cho sản phẩm trở nên rẻ. Tất cả họ không thể bị ngạt bỏ ra ngoài vì cái gọi là sự phát triển đất nước và thịnh vượng.
Ngày 15/05/2018
Phạm Bá Hải
Điều phối viên Hội CTNLT.
Leave a Comment