Hôm 9.5, có lẽ mọi quan tâm đều đổ dồn về TP.Hồ Chí Minh, khi hàng trăm người dân Thủ Thiêm, với tư cách là cử tri, đã mang hết bao nước mắt, đau khổ, tủi hờn của mình đến gặp bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh với hy vọng cuối cùng là đươc trở về ở trên mảnh đất thuộc về mình.
Tôi không có mặt ở đấy ngày hôm qua, nhưng lặng lẽ dõi theo những hình ảnh mà đồng nghiệp đăng tải trên báo hay gửi về cho riêng mình.
Rất khuya, một cậu em của tôi làm báo trong ấy, kể rằng đó là một hành trình chỉ có nước mắt, nỗi đau và tủi hổ của người dân Thủ Thiêm. Cậu gửi cho tôi 2 tấm hình, 1 tấm chụp năm 2009 (do cậu ấy sưu tầm) và 1 tấm chụp vừa chụp hôm qua, tức là năm 2018. Nhân vật trong tấm ảnh là bà Nguyễn Ngọc Mỹ, là một trong số hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm 10 năm sống trong mỏi mòn đầy nước mắt.
Bà Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng, 22 năm trước quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mang tính nhân văn, phân rõ khu vực trung tâm và tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, chứ không phải lấy thêm đất của dân ngoài ranh, còn khu tái định cư thì phân bổ rải rác nhiều nơi.
Bà Mỹ rất tâm đắc ý kiến của cựu Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh: “đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm”.
“Tôi đồng ý với ý kiến này. Bởi từ khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm đến nay còn dở dang, đất được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, bán hàng trăm triệu/m2. Trong khi nhà tôi bị thu hồi, được bồi thường chỉ 200.000 đồng/m2”, bà Mỹ bức xúc nói.
Trở lại buổi họp cử tri hôm qua, cậu em tôi nói rằng dân Thủ Thiêm đến gặp bà Quyết Tâm trong lúc cơn uất nghẹn tưởng chừng như lên đỉnh.
Họ nói rằng họ sẽ sẵn sàng cởi áo, tự dằn vặt mình tại hội trường khi chưa hoặc sợ không đến lượt mình bày tỏ. Và có ít nhất là 1 phụ nữ đã làm như vậy theo góc quan sát của cậu em tôi.
Phần lớn những người có đơn kiện, mà chủ yếu là mất đất tức tưởi như thế, là những người tay lấm chân trần. Có những người họ cầm tờ giấy đọc không rõ chữ, nhưng họ vẫn ráng bày bỏ bức xúc bấy lâu nay bởi hơn 10 năm kiện cáo mà vẫn không có kết quả gì.
Trong số nhân vật của mình mà cậu em tôi gặp hôm qua, còn có 1 người đàn ông khoảng 47 tuổi. Hơn 10 năm kiện cáo, cha của người đàn ông này tới lúc chết vẫn còn hỏi “nhà mình đâu rồi con”.
Bà Quyết Tâm đã từng nói, đại ý, mỗi người dân phải hy sinh một ít vì sự phát chung. Hu hu. Phát triển chung đâu không thấy, chỉ toàn thấy phát triển… riêng. Và bà Tâm ơi, hôm qua, trên cương vị của mình, bà nhìn những người phụ nữ với những khuôn mặt đầy cay đắng, liệu rằng bà có đủ quyết tâm để xóa hết đau khổ mà dặm dài 10 năm trường dân Thủ Thiêm chịu đựng không?
Leave a Comment