Đến chiều nhân chứng Vũ Đinh Duy xuất hiện tại phiên tòa, Duy mặc chiếc áo sơ mi dài tay mầu sẫm, quần âu.
Tòa hỏi những câu hỏi thủ tục với các nhân chứng như thường lệ, đến phần hỏi Duy có quen biết Đào Quốc Oai không , Duy khẳng định có.
Theo những lời Duy trần tình tại tòa, Duy là hàng xóm với Oai, chơi thân với cả gia đình Oai từ nhỏ. Lúc công tác tại Hải Phòng, những lần Oai về nước đều qua lại thăm nhau. Cũng như Duy sang Châu Âu đều ghé thăm Oai.
Sau khi rời Việt Nam vào tháng 10 năm 2016, Vũ Đình Duy sinh sống giữa Ba Lan và Đức, trong quãng thời gian này Duy gặp gỡ với Đào Quốc Oai rất nhiều lần.
Ngày 13 và 14 tháng 7 Vũ Đình Duy sang Praha chơi có gặp Đào Quốc Oai. Trong lúc ăn sáng có Lê Anh Tú, Nguyễn Hải Long, Đào Quốc Oai và trung tướng Đường Minh Hưng.
Đây là thời điểm thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rời Đức trở về Việt Nam, tức đã có câu trả lời từ phía Đức với ông Phúc về yêu cầu dẫn độ Trịnh Xuân Thanh của ông không được đáp ứng. Có lẽ quyết định bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã được tính sẵn trong trường hợp nếu phía Đức không đáp ứng, lực lượng an ninh Việt Nam sẽ ra tay đạt được mục đích của mình bằng cách khác.
Trước tòa Duy xác nhận biết Nguyễn Hải Long qua nhiều lần gặp gỡ và coi như người anh em bạn hữu thân thiết. Về phía Lê Anh Tú thì Duy mới biết khi Đào Quốc Oai giới thiệu là người lái xe của Oai.
Quãng ngày 17 hoặc 18 Duy có nhận được điện thoại của Oai, nói rằng Oai đang từ Hamburg về qua Berlin, muốn chơi với Duy một trận golf. Duy đặt sân và gọi điện cho Trịnh Xuân Thanh cùng chơi, nhưng Trịnh Xuân Thanh nghe thấy có Oai, Thanh đã từ chối. Rất nhiều lần Duy muốn giới thiệu Thanh gặp Oai để tạo mối quan hệ, nhưng Thanh đều từ chối với lý do không muốn gặp người Việt.
Duy khai biết rõ Oai có mối quan hệ mật thiết với bộ trưởng công an Tô Lâm.
Tại sao Duy biết Oai có quan hệ mật thiết với Tô Lâm, mà Duy vẫn muốn Thanh gặp Oai để kết giao. Tại sao Duy vẫn duy trì quan hệ với Oai, gặp gỡ thường xuyên trong khi Bộ công an Việt Nam đã thông báo truy nã quốc tế với Duy cũng như với Thanh?
Có lẽ Duy khá chủ quan, thứ nhất Duy nghĩ mối quan hệ với Oai là mối quan hệ có từ trước kia rất lâu, khi mà số phận chưa đưa đẩy anh em nhà Duy, Thanh phải biệt xứ tránh án tù. Thứ hai Duy cảm thấy Tô Lâm không phải là mối lo với anh em nhà mình. Quả thực giữa Trịnh Xuân Thanh và Tô Lâm không phải xa lạ gì nhau, trong chuyến đi của bộ công thương thời Vũ Huy Hoàng còn đương chức đến Đức , người ta có thể còn tìm thấy những tấm ảnh có Thanh, Tô Lâm, Vũ Huy Hoàng cùng đi với nhau khá gắn bó.
Mối lo của Thanh thường dồn về phía tổng cục 2 quân đội, lo lắng đó có cơ sở, nhiều lần người của tổng cục 2 đã xuất hiện từng nhóm ở Berlin để mật phục tính chuyện đưa Thanh về.
Người ta thường chết vì sự cả tin như vậy, và cộng sản là bậc thầy việc khai thác những niềm tin của người khác như vậy.
Ở Berlin cơ quan tình báo quân đội Việt Nam và cơ quan tình báo của công an Việt Nam đều có mạng lưới khá tốt để nắm bắt thông tin trong cộng đồng người Việt. Những cộng tác viên là những người đi lao dộng, học tập từ thời Đông Đức có gốc là quân đội, công an là những tai mắt của chế độ CSVN tại Châu Âu. Gần đây để chuẩn bị cho lực lượng kế thừa, tình báo Việt Nam đang tìm đến những con em của những người Việt năm 1990 để tuyển mộ lứa trẻ phục vụ cho công việc của mình. Phần lớn những gia đình này đều từ chối vì họ nghĩ không muốn phiền phức cho con cái họ sau này, cơ quan tình báo Việt Nam chuyển sang những thanh niên đi học, định cư theo kiểu việc làm. Mạng lưới chân rết của tình báo Việt Nam khá rộng , có mặt mọi nơi trên thế giới, nhất là nơi có nhiều người Việt sinh sống, Úc , Mỹ, Ca Na Đa đều có như vậy.
Nhân đây cũng có đôi lời chia sẻ với những nhóm đấu tranh trong nước, rất nhiều thông tin về hoạt động của các nhóm bị lộ từ nước ngoài chứ không phải từ trong nước. Hãy hiểu cho đây là lời góp ý chân thành, không phải gây hoài nghi và chia rẽ. Ví dụ một nhóm A có quan hệ với nhóm B bên ngoài, vì mong muốn được hỗ trợ về vật chất cũng như phương tiện, nhóm A trình bày với nhóm B về kế hoạch và dự định của mình để mong được hỗ trợ. Trong nhóm B đó nhiều thành phần, chỉ cần một người trong nhóm B đi vận động bạn bè mình đóng góp và để tăng phần thuyết phục, họ kể luôn cả nhân sự lẫn kế hoạch của nhóm trong nước cho người mình muốn vận động. Đấy là chưa kể chuyện ghét nhau rồi mang chuyện đấu tranh trong nước ra đấu tố, dèm pha mọi chỗ trong cộng đồng hải ngoại, quán xá, nhà hàng. Còn chính người của cộng sản VN đóng vai người đấu tranh ở hải ngoại liên hệ với người đấu tranh trong nước nữa thì thiệt hại không cần phải nói. Thêm nữa là loại ở hải ngoại muốn tỏ vẻ quan trọng với cộng đồng bên ngoài rằng mình có ảnh hưởng, có nhiều chuyện quan trọng với anh em trong nước, biết nhiều thông tin về anh em trong nước.
Thế nên tôi tránh xa những người đấu tranh dân chủ trong nước, tôi không quan tâm họ đang làm gì, thậm chí có người muốn tâm sự tôi cũng không nghe. Đừng nghĩ tôi vô tâm, tôi vẫn dành những đồng tiền của mình kiếm được để giúp đỡ những người đấu tranh, nhưng là lúc họ ở trong tù rồi. Những người đang đấu tranh hiện nay dường như đa số họ không ưa tôi, vì thấy tôi xa cách họ, thậm chí là còn chặn cả Faebook của họ. Nhưng họ không hiểu rằng ở bên ngoài phức tạp như vậy. Ngay cả chị Bùi Thị Minh Hằng là người thân thiết, khi chị ở trong tù tôi rất quan tâm đến chị. Nhưng khi chị ra tù, tôi không hề hỏi han đến việc chị làm, chị cãi nhau với ai, chị làm gì tôi đều không quan tâm. Thậm chí có lần chị muốn tâm sự về chuyện của chị với người này, người kia mâu thuẫn ra sao, tôi cũng quát lớn rằng đừng nói với tôi những chuyện đó, tôi không muốn nghe.
Đừng trả cái giá rẻ mạt chỉ vì vài trăm U mà phải kể chi tiết dự định hay nhân sự trong nhóm mình. Người hảo tâm tốt bụng, họ giúp bạn tiền, họ sẽ không bắt bạn phải trình bày nhiều vè việc bạn đang làm. Đừng nghĩ rằng tâm sự với người hải ngoại sẽ là bí mật, là an toàn. Người như bác sĩ Hà ở Houston, anh ấy giúp đỡ rất nhiều người đấu tranh trong nước và không bao giờ anh ấy hỏi người đó sẽ làm gì, đang làm gì, sắp làm gì.?
Câu chuyện quan hệ giữa Vũ Đình Duy và Đào Quốc Oai là bài học xương máu không phải chỉ cho những người cộng sản thất thế, mà chính những người đấu tranh dân chủ đang ở Việt Nam cần ngẫm kỹ bài học đó hơn ai hết. Cộng sản Việt Nam cài người từ nhiều năm trước, dưới nhiều vỏ bọc, sống cuộc sống như một doanh nhân, một công chức hàng ngày như bao nhiêu người bình thường vô hại, rồi đến một ngày một chỉ thị đưa xuống để thực thi.
Trở lại phiên toà xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Rõ ràng Vũ Đình Duy đã an ninh Việt Nam lợi dụng niềm tin để thực hiện mưu đồ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Với sự tin cậy Đào Quốc Oai đến mức muốn giới thiệu Trịnh Xuân Thanh gặp Oai, thì dù Duy có giữ bí mật về nơi ở của Thanh đến mấy, an ninh Việt Nam cũng xác định được Thanh còn đang ở Berlin. Duy là một kỹ sư và một sếp bự, loại người như Duy đâu thể có những cảm giác đề phòng và kỹ năng kiểm soát mình không để sơ hở lộ thông tin.
Vũ Đình Duy tiếp xúc thường xuyên với nhóm bắt cóc, thậm chí nhóm Đào Quốc Oai còn ăn ngủ tại nhà Duy đang ở. Nhưng Duy không bị bắt cóc, dù cơ hội rất tốt.
Không phải Duy là tay trong của Oai, Duy không thể bán anh họ mình.
Duy không bị bắt, bởi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ thị bắt Trịnh Xuân Thanh bằng mọi giá, không chỉ thị bắt Duy.
Còn nữa…
Có lẽ lại sắp sửa có một vụ bắt cóc nữa thôi mà không có thì ông cũng đi bộ trong tòa nhà Quốc hội Đức cho mà xem