Thiền Lâm – Cali Today |
Có một điểm đồng dạng giữa hai Hội nghị trung ương 7, đều diễn ra vào tháng Năm, của hai năm 2013 và 2018: bổ sung 2 thành viên vào Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, sự biến dạng cơ bản được nhìn thấy rất rõ là so với Hội nghị trung ương 7 năm 2013, 5 năm sau đó Tổng bí thư Trọng đã tiến một bước dài khi dàn nhân sự dự kiến bổ sung vào Bộ Chính trị chỉ toàn ‘quân ta’.
Một số dự đoán trong và ngoài nước cho rằng hai thành viên mới dự kiến bổ sung trên là Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Ngoài ra còn hai người đã được bổ sung vào Ban Bí thư là Trần Cẩm Tú – Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phan Đình Trạc không chỉ là Trưởng ban Nội chính Trung ương mà còn kiêm thêm chức Phó ban Thưởng trực Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, với trưởng ban chính là Nguyễn Phú Trọng. Nói cách khác, Phan Đình Trạc có thể được hiểu là một trong những ngón tay chỉ đạo của ông Trọng.
Cho tới nay, ý đồ bổ sung hai nhân vật Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng có vẻ thuận buồm xuôi gió mà chưa gặp phải sức cản đáng kể nào.
5 năm trước, bầu không khí tháng Năm của Hội nghị trung ương 7 mang tính ganh đua và quyết liệt hơn nhiều. Khi đó, có tin Nguyễn Phú Trọng đã sắp xếp hai nhân vật là Nguyễn Bá Thanh – từ bí thư Đà Nẵng được rút ra trung ương làm trưởng ban nội chính trung ương, và Vương Đình Huệ – trưởng ban kinh tế trung ương. Tuy vậy hai nhân sự này đã gặp phải một lực cản lớn mà nhiều khả năng đến từ nhóm quyền lực đang phất lên của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng. Rốt cuộc kế hoạch bổ sung Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ của ông Trọng phải hủy bỏ, mà thay vào đó là hai nhân sự khác mang tính ‘chiết trung’ hơn: Nguyễn Thị Kim Ngân – sau đó được ‘đặt’ và ghế chủ tịch quốc hội, và Nguyễn Thiện Nhân – sau đó được xếp vào ghế phó thủ tướng.
Đặc biệt, vụ Nguyễn Bá Thanh “bị loại từ vòng gửi xe” tại Hội nghị trung ương 7 năm 2013 có lẽ vẫn là nỗi hận chưa nguôi của Tổng bí thư Trọng. Khi đó, ông Trọng đã manh nha ý đồ loại Nguyễn Tấn Dũng bằng chủ trương “chống tham nhũng”, với Nguyễn Bá Thanh được xem là thanh bảo kiếm xung sát.
Thế nhưng “thần khẩu hại xác phàm”, trong khi mới chân ướt chân ráo ra đất Bắc Hà và chưa làm được gì mà đã vội xông pha nơi cửa miệng “hốt liền bắt liền”, chẳng bao lâu sau phát ngôn ấy Nguyễn Bá Thanh đã bị cô lập thấy rõ.
Cũng mới ngồi ghế trưởng ban nội chính trung ương được khoảng nửa năm, Nguyễn Bá Thanh đã mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ mà sau này mới biết là ung thư – có thể do bị đầu độc. Vào cuối năm 2014, Nguyễn Bá Thanh được đưa từ một bệnh viện ở Hoa Kỳ về Đà Nẵng trong tình trạng thập tử nhân sinh, bất chấp các bác sĩ vẫn truyền đạt ra ngoài lời thều thào bất hủ của ông Thanh “Tau khỏe mà có chi mô”. Sang đầu năm 2015, nhân sự cưng của Nguyễn Phú Trọng đã “đi” hẳn.
Còn vào Hội nghị trung ương 7 năm nay, ông Trọng đã không gặp phải một cản trở nào từ Nguyễn Tấn Dũng, đơn giản vì ông Dũng đã bị chính ông Trọng loại tại Đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Thậm chí tại Hội nghị trung ương 7 năm nay, ông Trọng cũng không gặp phải sức cản từ bất cứ lực lượng chính trị nào.
Trong thực tế, chính trường Việt Nam từ sau đại hội 12 đã tuôn theo thế một mình một ngựa của Nguyễn Phú Trọng.
Thế “vua” của ông Trọng đã được khẳng định một cách nổi trội không bàn cãi kể từ tháng Mười Hai năm 2017 khi ông Trọng hạ lệnh bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng – một nhân vật được cho là “người của anh Ba X”.
Nếu vào cuối Hội nghị trung ương 7 này, Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng được bổ sung vào Bộ Chính trị, tổ chức này sẽ mang dấu ấn quyền lực “độc tôn” của Nguyễn Phú Trọng rõ hơn nữa, thay cho hai nhân sự bị loại ra là Đinh La Thăng phải đi tù và Đinh Thế Huynh bị bệnh mãi không được cho khỏi.
Một khi đã lọt vào Bộ Chính trị, Trưởng ban nội chính trung ương Phan Đình Trạc sẽ không chỉ là “ngón tay chỉ đạo” của ông Trọng như trước đây, mà có thể sẽ ngang ngửa vai trò của một bàn tay, và cách nào đó sẽ thay thế vai trò của cố trưởng ban Nguyễn Bá Thanh.
Một khi đã nắm trong tay hai ủy viên bộ chính trị phụ trách Ủy ban Kiểm tra trung ương và khối nội chính trung ương, Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào Bộ Công an và cơ quan điều tra (an ninh và cảnh sát) của bộ này.
Hai cơ quan đảng Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ban Nội chính trung ương sẽ giúp ông Trọng gom củi và thổi lửa để đốt lò trong những năm tháng tới.
Leave a Comment