Mỹ Lan – RFA |
Trưa ngày 2/3/2018, 70 học sinh trường tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn mửa ngay sau khi uống sữa tươi đóng hộp trong chương trình Sữa học đường do công ty Nutifood phân phối.
Sau đó, có thêm 3 trẻ mầm non của trường mầm non Phú Lộc tiếp tục nhập viện trong tình trạng tương tự sau khi uống loại sữa này. Chiều tối cùng ngày, hầu hết số học sinh trên đều được cho xuất viện về nhà tự theo dõi, điều trị.
Tuy nhiên, 2 tháng sau khi xảy ra vụ việc trên, 9 em học sinh vẫn còn các triệu chứng chung như đau bụng, nôn ói, đau nhức cơ, khớp, mờ mắt, suy nhược cơ thể… do phải chịu đựng những cơn đau liên tục kéo dài. Các em hbạọc sinh cũng đã được đưa lên bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh để thăm khám và điều trị, song cho tới thời điểm hiện tại các chuyên gia y tế vẫn chưa thể đưa ra kết luận cụ thể liên quan đến những biểu hiện mà các bé đang mắc phải.
Trong khi đó, đơn vị cung cấp sữa trong chương trình Sữa học đường là công ty NutiFood cũng như đại diện Sở giáo dục tỉnh Đồng Nai đều tuyên bố chất lượng sữa cung cấp cho học sinh hoàn toàn đạt Quy chuẩn quốc gia đối với sữa dạng lỏng.
Trả lời đài RFA, bà Nguyễn Thị Hằng, hiệu trưởng trường tiểu học Phạm Văn Đồng, nơi xảy ra vụ ngộ độc sữa tập thể cho biết việc nhận sữa để cung cấp cho học sinh và tình hình của các cháu sau vụ ngộ độc vừa qua:
“Hai năm đầu là Vinamilk, năm 2017 thì là Nutifood, năm nay cũng là Nutifood. Nói chung là về vấn đề sữa thì đã có cơ quan chức năng quyết định, là sữa thì không có vấn đề gì rồi. Cũng chẳng biết là nguyên nhân vì sao nhưng dần dần thì các cháu cũng có đỡ hơn, cũng có ổn định. Mà lúc trước uống thì các cháu cũng vẫn bình thường, có vấn đề gì đâu. Có thể là do như cơ quan chức năng xác định thì nó là loại sữa mới – sữa tươi – nên một số cháu chưa thích ứng.”
Trong khi đó thì anh Nguyễn Huỳnh Thuật, đại diện phụ huynh có con em bị ngộ độc tỏ ra bức xúc trước tình trạng sức khoẻ ngày càng xấu đi của con mình:
“Mình nghĩ là lô sữa đó bị nhiễm khuẩn hoặc là nhiễm chất độc như thế nào đó mà nó làm bào mòn đường ruột bên trong và gây viêm màng ruột. Các bé nó có những triệu chứng rất giống nhau, ví dụ như nó bị yếu gan thận như thế nào đó, nó bị đau các khớp, mình bóp các khớp ngón tay ngón chân nó kêu đau quá, rồi con mình nó bị đau đầu, đau bụng, mờ mắt rồi nó bị quỵ xuống, đi không có được nữa như kiểu muốn đột quỵ vậy.”
Vào cuối năm 2017 xảy ra vụ hơn 80 học sinh bị ngộ độc do ăn bánh bông lan và sữa hộp đậu nành Fami được phát miễn phí trong một chương trình từ thiện tại thị trấn Sa Thầy, tỉnh KonTum. Còn tại Hậu Giang, khoảng 500 em học sinh trên địa bàn tỉnh cũng đã phải nhập viện do ngộ độc sau khi uống hỗn hợp sữa pha sẵn từ sữa Milo và sữa đặc Ngôi sao phương Nam. Cùng với đó là hàng loạt những trường hợp người tiêu dùng phát hiện trong các các hộp sữa có dị vật hoặc bị nhiễm khuẩn ngay khi vừa mở nắp.
Thực tế khiến dư luận đặt nghi vấn về chất lượng sữa nước đóng hộp hiện nay ở Việt Nam; liệu sản phẩm này có thật sự an toàn đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, sữa nước lại được coi là nguồn cung cấp khoáng chất và canxi chính cho trẻ nhỏ với số lượng tiêu thụ bình quân hàng năm từ 7-8 tỷ hộp sữa.
Chị Huyền Trang, một bà mẹ có 2 con nhỏ bày tỏ sự lo lắng:
“Thật ra tâm lý của bố mẹ thì ai cũng mong muốn con mình được phát triển toàn diện, ăn uống thì vẫn còn thiếu chất nên tâm lý đều muốn phải bổ sung thêm sữa tươi hoặc sữa bột. Không riêng gì vụ ở Đồng Nai mới đây mà trước đây cũng đã có nhiều hãng sữa đã dính nghi án về không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rồi. Trước tình trạng như bây giờ thì thật ra cũng không biết phải nên làm thế nào.”
Hiện nay ở Việt Nam, ngoài các thương hiệu lớn như Vinamilk, Dutch Lady, Neste, Hanoimilk, TH… thì còn khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng khác nhau. Phần lớn trong số các sản phẩm này là sữa nước dạng lỏng với các tên gọi khác nhau như sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua uống, sữa hoa quả, sữa đậu nành… với mức tăng trưởng liên tục tăng khoảng 17% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này cũng đặt ra nhiều vấn đề. Trước thắc mắc của người tiêu dùng xung quanh vấn đề này, trả lời báo Dân trí, PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục VSATTP (Vệ sinh an toàn thực phẩm) – Bộ Y tế cho rằng quá trình vận chuyển, bốc xếp, phân phối tại đại lý cũng như công tác bảo quản tại kho bãi, cửa hàng là nguyên nhân chính dẫn đến việc hộp sữa bị móp méo, rò rỉ và khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào.
Ông Trung khẳng định quy trình chế biến và đóng gói tại các nhà máy đều rất nghiêm ngặt và các sản phẩm chỉ được bán ra khi các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn như đã công bố với cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, vì sao những sản phẩm sữa trong chương trình Sữa học đường do công ty Nutifood cung cấp, mặc dù đã được kiểm định và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm lại khiến cho gần 80 trẻ ngộ độc và hơn một chục em đến giờ vẫn bị những cơn đau đớn hành hạ kéo dài mà không xác định được nguyên nhân cũng như không có biện pháp điều trị tích cực từ phía cơ quan chức năng?
Liệu những sản phẩm sữa đóng hộp dạng lỏng có hoàn toàn an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng hay không và các cơ quan chức năng cần phải làm gì để xiết chặt hoạt động quản lý chất lượng mặt hàng thực phẩm này?
Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Hùng Long, phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để hỏi về vấn đề này nhưng ông này chỉ đồng ý trả lời khi có sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục VSATTP.
Đài RFA cũng đã liên lạc nhiều lần với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục VSATTP – Bộ Y tế, tuy nhiên ông này đã không bắt máy.
RFA
*****
Vài nét về chương trình “Sữa học đường” của Chính phủ và chương trình nầy tại Tỉnh Đồng Nai, trích từ báo Nhân đạo và Đời sống của Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam:
“Sữa học đường” là một chương trình lớn, là nỗ lực của Chính phủ nhằm cải tạo nòi giống, tầm vóc người Việt. Mục tiêu lớn nhất của Chương trình là đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa.
Đồng thời cũng nhấn mạnh giải pháp ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình “Sữa học đường”; Nêu rõ các quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; đưa ra các giải pháp huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng…
Tại tỉnh Đồng Nai, Đề án “Sữa học đường” được triển khai từ năm 2014. Đối tượng được uống là trẻ từ mẫu giáo, mầm non tới học sinh tiểu học. Giá mỗi hộp sữa được tỉnh dùng ngân sách để hỗ trợ là 35%, công ty trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ 15%, 50% còn lại do phụ huynh đóng góp hàng tháng. Học sinh được uống sữa vào các ngày từ thứ hai tới thứ năm hàng tuần.
Được biết, Công ty Nutifood trúng thầu Đề án “Sữa học đường” tại Đồng Nai từ năm 2017. Thời gian trước học sinh được uống loại sữa khác, còn sữa khiến học sinh bị ngộ độc hàng loạt vừa qua là sữa tươi, loại hộp giấy.
Leave a Comment