Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Ngày 3/5/2018 vừa qua, bà con trên mạng thật bất ngờ với bài “Việt Nam đã tự chế tạo được máy tính từ 30 năm trước” được đăng trên trang điện tử VietTimes do Hội Truyền thông số Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội làm chủ quản. Theo đó “30 năm trước các chuyên gia trẻ Việt Nam đã làm ra chiếc máy tính đầu tiên. Nhưng rồi cơn hỏa hoạn tai nghiệt ập đến đã cướp đi của chúng ta cơ hội sánh ngang với các nước phát triển cao về khoa học kỹ thuật trên thế giới”. Hai ngày sau, tôi đếm được khoảng 200 lời bình của độc giả. Chỉ có 1 lời bình độc nhất dành cho bài báo một thiện cảm, phần còn lại đều tỏ vẻ nghi ngờ tính xác thực của nó.
Trước khi bình luận, tôi nhận thấy bài báo này cũng mang màu sắc chung của báo lề phải, đó là ỡm ờ, không rõ ràng. Tựa là “Việt Nam đã tự chế tạo được máy tính từ 30 năm trước”, làm cho mọi người có thể nghĩ rẳng: Việt Nam đã tự chế tạo máy tính từ 30 năm trước và vẫn còn (sản xuất) cho đến ngày nay. Mà điều này thì ai cũng thấy rõ ràng là không. Chi tiết thứ hai cũng được nhiều người chú ý là tại sao sau vụ hỏa hoạn, nhà nước không cho phục hoạt hoặc xây dựng lại? Chẳng lẽ một “đề án bảo mật cấp nhà nước về nghiên cứu” lại không được quan tâm để tiếp tục phát triển? Một chi tiết cũng đáng để ý là bài này thực ra đã được đăng từ tháng 4/2007 trên tờ Tia Sáng! Làm cái quái gì lại phải lôi ra để “tự sướng” 11 năm sau?
Cá nhân tôi nghĩ rằng đề án này có thể có thực nhưng không “rực rỡ” như nội dung bài báo mô tả, theo đó (xin trích), “không thể phủ định rằng trình độ sản xuất của Việt Nam thời điểm ấy là tương đương với các nước phát triển trên thế giới”, và “Nếu không có vụ cháy đó thì năm 1989, Việt Nam đã có máy tính đầu tiên, ngang ngửa với thế giới”. Trên tờ Tia Sáng cách đây 11 năm, báo chí đã mạnh miệng rằng: “Việt Nam đã chế tạo thành công VT80 – chiếc máy vi tính đầu tiên và đã trở thành nước thứ ba, chỉ sau hai cường quốc là Mỹ và Pháp…”. Tôi nghĩ nếu có ai trong chúng ta đã nghe nói (chỉ nghe thôi) đến chiếc VT80 thì tôi đi bằng đầu. Đó là chưa kể những chi tiết kỹ thuật như sử dụng CPU 12bit (quái đản) của Hitachi, RAM Dynamic, có bản mạch chính, ổ đĩa 1.44″, bàn phím, hệ phát triển EPROM… nghĩa là tất cả đều là hàng ngoại.
Điều tôi muốn nói ở đây là thói quen “nổ” bung trời của một số nhà sản xuất được hỗ trợ bởi đám lều báo. Chắc mọi người còn nhớ những lời tuyên bố đanh thép của ông Nguyễn Tử Quảng khi cho ra mắt Bphone năm 2017. Ông ta nói: “Với năng lực hiện nay của Bkav, công ty không hề e ngại trước một hãng công nghệ nào trên thế giới (ý nói Samsung và Iphone) , cả về phần cứng lẫn phần mềm”; hoặc lời tuyên bố đầy kiêu ngạo của ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Giám đốc Công ty VTC Intercom, đơn vị trực tiếp xây dựng, triển khai và vận hành mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 5/2010, nghĩa là cách đây đúng 8 năm, ông Thanh đã phán: “Go.vn sẽ đánh bại Facebook chỉ trong 6 tháng”. Có lẽ chúng ta khỏi bình luận gì thêm.
Quảng cáo sản phẩm là chuyện bắt buộc trong thời đại cạnh tranh, nhưng nó phải được thực hiện trong những điều kiện khả tín và có cơ sở. Trong một cái máy tính mà CPU, RAM, Bo mạch, ổ đĩa 1.44″, bàn phím và hệ phát triển EPROM đều của nước ngoài thì khẳng định “trình độ sản xuất của Việt Nam thời điểm ấy là tương đương với các nước phát triển trên thế giới” có dị hợm quá chăng? Rồi quảng cáo cho Bphone thì mắc mớ gì phải lôi Samsung và Iphone vào để thách thức? Rồi có ai còn nghe nói đến mạng xã hội Go.vn chưa?
Gần đây, người ta nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp “bốn chấm không” (4.0) và thế là vô số “bom” lại phát nổ. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho cho rằng nếu làm thành công cuộc cách mạng này, đất nước hoàn toàn có thể “nhảy vọt” trên bản đồ phát triển thế giới (có điều ông không nói rõ nhảy như thế nào và nhảy đến đâu). Còn tướng Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Viettel lạc quan hơi khó hiểu: “Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam – một đất nước chưa có gì trong cuộc cách mạng này, trong khi các nước khác đã rất khó để bỏ đi hàng triệu tỷ USD đã đầu tư”. Kinh hãi! Người ta bỏ ra cả triệu tỷ USD cũng chưa thấm vào đâu với “cơ hội” của Việt Nam.
Cũng trong năm 2017, trong ngày khánh thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, tờ VietnamNet đã chạy tít “Việt Nam đã và đang từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ vũ trụ nói chung và công nghệ vệ tinh nói riêng”. Cách đây đúng 10 năm, hỏa tiễn Ariane đã đưa vệ tinh Vinasat-1 lên không gian và báo chí đã chạy tít “Việt Nam phóng thành công vệ tinh đầu tiên Việt Nam”. Lại trò chơi chữ ! Ariane có phải của Việt Nam đâu mà nói Việt Nam phóng? Rồi gọi là “vệ tinh của Việt Nam” dễ tạo hiểu lầm là chúng ta đã chế tạo ra nó. Ừ thì cứ cho là Việt Nam mua thì đó là “của” Việt Nam, nhưng như vậy thì “làm chủ công nghệ vũ trụ” ở chỗ nào?! Tuy nhiên cái nực cười lớn nhất là ông Nguyễn Tấn Dũng (lúc ấy là thủ tướng) đã nổ tung trời khi nói “Việt Nam đã thể hiện chủ quyền quốc gia trên không gian” – Nói đến đây tôi nghĩ là mọi người, trong đó có cả LL47 và những người “cuồng đảng” đang nghĩ ngay đến Hoàng Sa, Trường Sa và cái giàn khoan HD-981.
Không lẽ các kỹ nghệ gia Việt Nam lại nhiễm cái thói “nổ bung trời” của nhà nước cộng sản, những người đã một thời vỗ ngực tự xưng “đỉnh cao trí tuệ” và xỉ vả cái đám “tư bản giãy chết”? Sở dĩ tôi tự hỏi như thế khi vào dịp cuối năm 2016 mạng xã hội lại một phen nhốn nháo khi ông Nguyễn Xuân Phúc, không biết vô tình hay cố ý, đã nhấn mạnh cụm từ rằng TP. HCM, Hà Nội cùng nhiều địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Long An thậm chí là Lào Cai phải “trở thành những đầu tàu kinh tế cho cả nước”. Một đoàn xe có tới 10 đầu thì chẳng biết nói sẽ chuyển động như thế nào?!
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến nước Đức, cường quốc kinh tế thứ 3 của thế giới, đất nước có 70 ngàn bằng sáng chế mỗi năm và “Made in Germany” đã trở thành một chuẩn mực hàng đầu về chất lượng. Khi được phỏng vấn, các ông chủ của Mercedes, Siemen, Leica, Bosch, Adidas… đều trả lời rằng họ đặt chỉ tiêu phục vụ khách hàng những sản phẩm tốt nhất, cho dù giá thành hơi cao, và rất ít khi có những tuyên bố cao ngạo cho dù họ có đủ điều kiện làm chuyện ấy. Và tôi cũng nhớ đến nước Nhật nhưng trong lãnh vực thể thao. Cách đây nửa thế kỷ, nhân chuyến viếng thăm Liên đoàn Túc cầu VN (trước 1975 gọi là túc cầu thay vì bóng đá), vị trưởng đoàn Nhật đã tặng chúng ta chiếc giày nhỏ xíu với lời nhắn chân tình: ”So với Việt Nam, trình độ bóng đá Nhật nhỏ xíu như chiếc giày này.” Một nhận xét thật khiêm tốn, và rồi tôi tự hỏi nếu sang thăm Việt Nam bây giờ thì họ sẽ tặng cho mình cái gì?
Tôi không nhớ một danh nhân nào đã nói câu “nếu bạn biết giới hạn của mình, bạn sẽ vượt qua nó”. Dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của đảng cộng sản, người ta thực sự đã vượt qua giới hạn hiểu biết của mình và có lẽ đang tiến về thiên đàng mà Karl Marx đã nằm mơ cách đây 200 năm.
Leave a Comment