Ngô Đồng – Web Việt Tân
Việc Bộ Tài Chính Việt Nam đề xuất Luật thuế tài sản đang bị dư luận chống đối mạnh mẽ. Đa số đã cho đây là cách tận thu, vì sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”, tạo gánh nặng cho người nghèo, người thu nhập thấp. Đồng thời, việc đánh thuế nhà như vậy, chẳng khác nào bắt người dân phải thuê lại nhà của chính họ.
Bộ Tài Chính lấy mốc 700 triệu đồng trở lên để tính thuế tài sản đối với nhà là hết sức xa rời thực tế. Ai cũng biết giá bất động sản ở Hà Nội và Sài Gòn vô cùng đắt đỏ. Một căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp giá trên dưới 1 tỷ đồng và ở rất xa trung tâm, số lượng hạn chế.
Bên cạnh đó, không phải tất cả người có nhà đều giàu. Có người đang sở hữu nhà nhưng đó là truyền từ đời này sang đời khác, và rất nhiều người phải đi vay, mượn tiền để mua nhà. Nhưng theo dự thảo luật này, người thất nghiệp, người về hưu, dân nghèo hay người đi vay… đều phải nộp thuế nếu nhà có giá trị trên 700 triệu đồng. Như vậy, người dân chịu sao thấu khi vừa lo đóng thuế vừa lo trả lãi vay? Cách thu thuế như vậy khiến cơ hội có một căn nhà để an cư lạc nghiệp với nhiều người ngày càng trở nên xa vời.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, mỗi hộ gia đình đang nộp thuế đất hằng năm với mức thuế suất từ 0,03 – 0,15% tùy diện tích. Có nghĩa là nếu luật Thuế tài sản có hiệu lực, người dân sẽ phải chịu 2 lần thuế, vừa phải nộp tiền sử dụng đất vừa phải nộp thuế tài sản.
Chưa kể đến việc để có một căn nhà 700 triệu đồng trở lên, nó đã được cấu thành bởi bao nhiêu loại thuế, phí. Từ vật liệu xây dựng là xi măng, sắt, thép, gạch đá, rồi đến công lao động, khâu vận chuyển… tất cả đều đã phải gánh chịu thuế hết. Nghĩa là, để hình thành nên ngôi nhà ấy, đã bao gồm rất nhiều loại thuế, phí. Vậy tại sao lại phải gộp thêm thứ thuế này thu theo hàng năm nữa? Cơ sở nào để loại thuế nhà này chụp lên các loại thuế khác?
Theo giải thích của Bộ Tài Chính thì đánh thuế nhà ở là để phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế là ở Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có loại thuế này, nhưng chỉ đánh thuế đối với nhà ở thứ 2 hoặc nhà có mức giá trị cao để tránh đánh vào những người có thu nhập trung bình trở xuống. Có thể thấy, dù mức thu nhập cao nhưng người ta cũng chỉ đóng thuế ở căn nhà thứ 2, còn Việt Nam thu nhập thấp hơn 10 lần nhưng lại đóng thuế căn nhà thứ nhất.
Vì sao lại có nghịch lý như thế? Chính quyền liên tục hô hào thu thuế theo thông lệ quốc tế, nhưng vì sao không áp dụng giống họ, mà lại sao chép lệch lạc rồi mang ra áp dụng chỉ làm tăng gánh nặng cho người dân?
Cũng liên quan đến vấn đề thuế phí, thời gian qua, để móc túi người dân không bỏ sót bất kỳ một ai, Bộ Tài Chính liên tục tăng thuế cho các mặt hàng thiết yếu như thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, xây hàng loạt trạm thu phí, tăng phí giữ xe, thuế sở hữu ô tô…
Bộ Tài Chính gần như chỉ có một mục tiêu là tăng thuế, tăng thuế và tăng nhiều loại thuế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tư duy đánh thuế “không chừa thứ gì” đang tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dân chúng.
Với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp như ở Việt Nam, Ngân Hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Nhưng hiện nay Việt Nam đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP, ở hàng cao nhất thế giới, cao hơn ba nước giàu hơn Việt Nam nhiều lần trong khu vực là Thái Lan (16,1%), Indonesia (13,5%) và Malaysia (14,3%).
Ở các nước như Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Hà Lan v.v… người dân tuy đóng thuế nhưng đổi lại họ được hưởng chế độ giáo dục, y tế miễn phí cũng như các phúc lợi xã hội tốt bảo đảm cuộc sống. Nhưng ở Việt Nam, người dân bệnh không có tiền thì bác sĩ không chữa trị đành ôm xác về mai táng. Giường bệnh chỉ vỏn vẹn 1m50 mà đến tận 2, 3 người. Người dân thì phải ở nhà rách nát, thu nhập 30-40 năm cũng chưa mua được cái nhà. Bên cạnh đó, dân nghèo phải tiêu thụ thực phẩm bẩn, chứa đầy hóa chất Trung Quốc độc hại, để rồi có hàng trăm ngàn người chết vì ung thư…
Điều khiến dư luận lo lắng hơn cả là câu chuyện tăng thu sẽ không bao giờ có hồi kết nếu như việc chi tiêu không hiệu quả. Chuyện các dự án đội vốn gấp nhiều lần không phải là hiếm, điển hình như hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Nội bị đội vốn nhiều lần và cho đến nay vẫn chưa hoàn tất. Những tiêu cực trong các vụ án PMU18, Vinashin, Vinalines, tập đoàn dầu khí, tập đoàn than khoáng sản, tập đoàn điện lực đã làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ. Không những thế, các công trình xây xong bỏ hoang, dự án đắp chiếu, đường xá, cầu cống mới khánh thành đã xuống cấp.
Chỉ vài ví dụ nhỏ thôi đã thấy ngân sách thất thoát, lãng phí vô cùng. Và khi ngân sách thâm hụt, thay vì tiết giảm chi, ngăn chặn thất thoát, lãng phí thì nhà nước lại chọn tăng thuế, phí, lệ phí để tăng thu ngân sách. Khó khăn được đẩy về phía người dân. Thật không có cách kiếm tiền nào dễ hơn thế. Nhưng đây cũng chính là mầm móng tạo ra những cuộc phản kháng của người dân bùng nổ lớn khi mà sự tận thu của nhà nước vượt khỏi sức chịu đựng của người dân trong nay mai.
Leave a Comment