Thảo Vy (VNTB)
Theo nội dung thể hiện trong Quyết định số 437/QĐ-TTg được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 21-4-2018, thì trong năm nay, Chính phủ Việt Nam phải trả nợ gốc do Chính phủ vay từ nước ngoài là tương đương với 146.770 tỷ đồng Việt Nam; trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 256.769 tỷ đồng.
So với năm 2017, thì các con số nợ đều tăng. Năm 2017, nợ gốc phải trả cho nước ngoài của Chính phủ Việt Nam là 144.000 tỷ đồng; Trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 242.900 tỷ đồng.
Có hai chỉ tiêu được yêu cầu phải giảm so với năm trước: Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả là tối đa là 5.000 triệu USD (năm 2017 là 5.500 triệu USD); Hạn mức vay của chính quyền địa phương tối đa là 21.514 tỷ đồng (năm 2017 là 23.857 tỷ đồng).
Ngân sách Nhà nước mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chịu thâm thủng trong năm nay cao hơn so với năm ngoái, khi năm 2017 chỉ ‘thủng’ có 172.300 tỷ đồng, thì năm 2018 bội chi lên tới 195.000 tỷ đồng.
Đáng lo là trong kế hoạch tìm kiếm nguồn tiền trả nợ gốc cho nước ngoài, Chính phủ Việt Nam buộc phải thực hiện gói vay mới của nước ngoài tương đương với 108.030 tỷ đồng, sau đó bù đắp thêm vào phần xoay xở trong nước để trả phần nợ gốc đến hạn từ nước ngoài là 146.770 tỷ đồng. Nôm na, khoản vay mới vẫn không đủ để giật gấu vá vai cho nợ gốc cũ phải trả.
Một báo cáo của WB (Ngân hàng Thế giới) nhấn mạnh Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), cho dù có thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại về bền vững tài khoá. WB nhận định, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay.
Từ các con số thể hiện trong Quyết định số 437/QĐ-TTg mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành, cho thấy dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Nói theo ngôn ngữ tài chính thì nghĩa vụ nợ dự phòng nếu được hiện thực hoá, có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được cẩn trọng.
Tháng trước, Kiểm toán Nhà nước đã công bố, tính đến 31-12-2016, dư nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam là 947.494 tỷ đồng, tức khoảng 42.938 triệu USD, tăng so với năm 2015, chiếm 39,8% nợ Chính phủ. Có 60 dự án chuyển thành nợ quá hạn gồm cả gốc, lãi, phí, tương đương với 10.556 tỷ đồng (hơn 479 triệu USD), chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại. Trong đó, dự án Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng, gồm nợ từ nguồn trái phiếu quốc tế 6.563 tỷ đồng, nợ từ nguồn vay Chính phủ Ba Lan là 1.617 tỷ đồng. Số nợ quá hạn của các dự án còn lại là 2.376 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1.769 tỷ đồng, lãi và phí 607 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, có tình trạng dự án không được tính toán kỹ về tiến độ triển khai, dẫn đến dự án được ký hiệp định vay với chính phủ nước ngoài nhưng không thực hiện giải ngân, mà vẫn phải trả khoản phí cam kết cho nhà tài trợ.
Hầu hết các dự án kể trên được thực hiện trước năm 2010, do sử dụng vốn không hiệu quả, gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ. Người đứng đầu Chính phủ lúc ấy là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phó thủ tướng đặc trách kinh tế là cựu bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng. Người đứng đầu Bộ Chính trị thời gian đó là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.
Tuy nhiên đến nhiệm kỳ Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dường như vẫn đi lại vết trượt như thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bàn luận quanh vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói rằng cần phải thực sự chấm dứt được sự tùy tiện, lỏng lẻo và các sơ hở để gây nên núi nợ công như lâu nay.
“Thực tế, về chính sách thu, khi tăng sắc thuế này, thuế kia, phía Bộ Tài chính thường hay lý giải tăng theo thông lệ quốc tế. Nhưng thông lệ quốc tế về chi thì ít ai nói đến. Các nước quy định về chi hết sức chặt chẽ, chặt chẽ đến mức tàn nhẫn”, ông Doanh nhận định. Do đó, theo ông Doanh, Việt Nam cần phải có tham khảo thông lệ quốc tế về chi ngân sách vì thực tế trong nhiều năm bội chi tăng cao, dẫn đến phải đi vay nợ để chi cho đầu tư phát triển. “Chi thường xuyên lên đến 71%, chi trả nợ bằng 24,5% tổng chi ngân sách. Cộng hai khoản này lại thì chi đầu tư còn rất ít ỏi. Và chi đầu tư hoàn toàn dựa vào khoản vay, có lúc chi thường xuyên cũng phải đi vay. Đây là điều hết sức lo ngại”, ông Doanh cảnh báo.
Những tham vấn của ông Lê Đăng Doanh, theo một số luật sư chuyên trách tư vấn đầu tư ở Sài Gòn, thì Việt Nam chỉ có thể học tập mỗi Trung Quốc; vì trên thế giới ngân sách quốc gia chỉ dùng để quản trị đất nước, chứ không phải dành trích khoản nào để ‘nuôi’ bộ máy hành chính của các đảng phái chính trị như Việt Nam.
Leave a Comment