Ngày thứ hai xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

- Quảng Cáo -

Blogger Người Buôn Gió|

Ngày thứ hai, toà rời đến một địa điểm khác thoáng đãng hơn. Lần này việc khám xét vẫn nghiêm ngặt còn hơn trước, một lần qua máy soi và một cửa thứ hai khám xét bằng tay. Có cảnh sát nữ và cảnh sát nam để tiện việc khám xét. Một người đàn ông Việt Nam phải trình bày với chiếc đồng hồ kết nối với iPhone. Cuối cùng anh ta cũng không được cảnh sát chấp nhận cho mang đồng hồ này theo vào phiên toà.

Phiên toà không thể diễn ra theo đúng lịch, bởi người phiên dịch cho một nhân chứng Pháp đến trễ. Mọi người tụ tập ở hành lang trước cửa phòng xét xử và nói chuyện.

Có đủ các loại người mang đủ các quan điểm chính trị và cái nhìn vụ án này khác nhau đứng trò chuyện trong khoảng không gian khá hẹp. Có nhân viên sứ quán đến dự phiên toà, nhưng theo đường dân thường vào xem, mặc dù toà án có ghế riêng và lối đi riêng dành cho cơ quan ngoại giao Việt Nam, nhưng người của đại sứ Việt Nam không muốn đến dự chính thức, họ đi với tư cách dân thường.

- Quảng Cáo -

Berlin có hấp dẫn riêng của nó đối với giới báo chí và chính trị người Việt, ở nơi đây có một sắc thái mà không cộng đồng người Việt nào ở đâu trên thế giới có được. Chẳng hạn như hôm nay ở khoảng trống hẹp trong hành lang phòng xử này, những người có thể gọi là kẻ thù của nhau giáp mặt và nói chuyện , không có thái độ thù địch nào ở đây cả. Bởi đây là toàn án nước Đức và sâu xa hơn nữa là đa phần những người được nhà nước Việt Nam gọi là ”phản động” có mặt tại đây và những người đảng viên cộng sản hay cảm tình với cộng sản đều hiểu rằng họ đang đứng ở một nơi đại diện cho văn minh và dân chủ.

Phóng viên TXT VN đứng trò chuyện cùng Lê Trung Khoa, cậu cán bộ sứ quán nhiệt tình chỉ cho tôi lối đi tìm phòng vệ sinh. Một người miền Nam đi từ thời VNCH đang nói chuyện với một người miền Bắc đi học thời XHCN, một người ghét chế độ CSVN nói chuyện với người yêu mến chế độ CSVN. Họ nói ý kiến, họ đưa ra bình luận trái chiều nhau, nhưng không gay gắt như thù nghịch.

Ngoài lề

Tôi yêu Berlin này, bởi ở đây, tôi cảm thấy sự nguy hiểm của mât vụ cộng sản giăng hàng ngày. Tôi thấy sống được những cảm giác đề phòng, luôn phải tránh bẫy, luôn phải cảnh giác. Sống giữa những kẻ thù có cảm giác khoái lạ làm tôi một phần đỡ nhớ Hà Nội, nơi mà mà sự nguy hiểm từng ngày.

Ở đây tôi có thể đến quán Thành Koch ăn bát phở một cách tự nhiên, mặc dù ông chủ là người thân của đại sứ quán và mới hôm trước vừa viết bài trên báo chửi tôi là phản động. Ăn xong bát phở, tối về tôi có thể viết nói Thành Kock tiếp tay cho bọn tư bản đỏ như nhà Toàn Liên (bảo hiểm AAA). Rồi sáng sau lại đến quán gọi Thành Kock rõ to, mặc dù nhân viên bồi bàn đứng ngay cạnh.

– Chủ quán, cho bát chín nạm gầu.

– Hôm qua mày chửi tao, hôm nay lại mò đến đây ăn à?

– Chuyện nào ra chuyện đấy nhé ông Thành, hôm qua tôi chửi phở ông không ra gì, hôm nay tôi đến ăn, thì ông hẵng hỏi câu đấy. Ông bán phở tôi ăn trả tiền, ông đừng nhập nhèm chuyện quan điểm chính trị vào đây.

– Ở được, ăn ngon lấy sức mà lên mạng chửi, đây là xứ tự do ngôn luận, sợ đéo có sức mà chửi thôi.

Chủ quán Thành Kock, một người từng nấu phở cho chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang và được đại sứ Đoàn Xuân Hưng trao tặng bằng khen treo giữa quán vì có công đóng góp cho cộng đồng. Khi tôi ăn, anh ta thường ngồi cạnh để nói kháy, nói đểu tôi và tôi đáp trả lại. Người bên ngoài tưởng chúng tôi là bạn thân, kỳ thực chúng tôi là những kẻ hai bên chiến tuyền.

Berlin là vậy, bạn đừng nghĩ những người đi bên cạnh tôi, ăn uống hay làm gì đó với tôi là bạn thân tôi, có thể anh ta, ông ta, chị ta là người của mật vụ cộng sản đang theo dõi xem tôi sắp làm gì. Chỉ khi nào tôi nói với bạn rằng, đây là người cùng chí hướng với tôi, lúc đó mới là lời xác nhận của tôi.

———————————–

Ngày thứ hai của phiên toà.

Phải đến 10 giờ 30 phiên toà mới được diễn ra, nhân chứng người Pháp nói rằng hôm đó anh ta cùng con trai đi lễ nhà thờ, thấy một nhóm người xô một người đàn ông và một phụ nữ lên chiếc xe ô tô.

Tòa hỏi anh ta về những chi tiết không giống lời khai trước cảnh sát, như việc thời gian diễn ra là 25 giây hay 5 giây.

Hình như hai câu hỏi khác nhau, anh ta nghĩ toà hỏi việc đẩy người lên xe mất bao thời gian. Còn cảnh sát hỏi anh ta nhìn toàn bộ sự việc bao thời gian. Mất mấy phút để hỏi rõ việc chênh lệch thời gian này.

Nhân chứng khá trẻ và đẹp trai, anh ta ăn mặc lịch lãm với chiếc áo vét xanh đen thẫm và chiếc khăn kẻ caro quấn cổ của hãng thời trang nổi tiếng gì đó tôi quên bẵng mất. Người châu Âu có trách nhiệm với việc làm nhân chứng và với những việc xảy ra, ví dụ khi nhìn thấy vụ việc này, anh ta đã chụp ảnh lại chiếc xe và gọi cảnh sát Đức để báo nhìn thấy có vụ xô đẩy người vào một chiếc xe như thế. Anh ta đến phiên toà với thái độ rất trách nhiệm.

Nguyễn Hải Long & Luật sư biện hộ

Tòa gọi anh ta và Nguyễn Hải Long đến bàn chủ toạ để nhân chứng người Pháp chỉ chiếc xe trong ảnh, mấy tấm ảnh được bày ra, mọi người xúm vào xem, từ công tố viên, luật sư, thẩm phán, nhân chứng và bị cáo cùng phiên dịch.

Nguyễn Hải Long ở trong phòng cách ly, có kính chống đạn và lối đi thẳng vào phòng từ đường hầm. Long bước ra ngoài đến bàn chủ toạ chứng kiến nhân chứng chỉ ảnh ô tô, mái tóc của anh ta có nhiều sợi bạc và nét mặt chịu đựng, ông luật sư nói nhỏ gì đó vào tai Long, nhưng Long có vẻ bất cần để ý.

Lúc xem ảnh xong, ông luật sư bên bị cáo có vẻ tức tối, ông ta hỏi chủ tọa rằng sao lại trình bày ảnh kiểu như mớm cung vậy. Phía công tố viên nói đại ý rằng xếp từ 1 đến 5 thứ tự ông nói vậy, xếp từ 5 đến 1 ông cũng sẽ nói vậy, cãi như thế là cãi vô lý. Ông luật sư không nói gì.

Nhân chứng thứ hai là một người đi xe đạp, cách 100 mét ông ta nhìn thấy vụ xô đẩy, ông ta đạp xe đi thể thao nên không mang điện thoại, thấy vụ việc ông đã mượn điện thoại để báo cảnh sát, lúc đến chỗ xảy ra vụ việc ông thấy điện thoại rơi ra, đó là điện thoại của Trịnh Xuân Thanh.

…phần các nhân chứng khai trước tòa xin xem ở thoibao.de hay BBC.

Nhân chứng đặc biệt là một người Việt Nam tên là Ph.

Trước đây Lê Trung Khoa có gọi điện cho tôi hỏi về việc có người VN gặp Khoa và nói ông ta có dính đến vụ bắt cóc, ông ta không biết việc này, chỉ vì sứ quán nhờ ông đi nhận đồ, ông ta đi, sau đọc báo mới biết.

Tôi khuyên Lê Trung Khoa bảo ông ta gặp ngay cảnh sát trình báo, như thế chứng tỏ ông ta là người bị lợi dụng và không biết gì. Lê Trung Khoa đã giới thiệu (hoặc dẫn ông ta đi thì phải) đến chỗ cơ quan cảnh sát Đức thụ lý việc này để trình báo.

Ông Lê Đức Trung, Bí thư thứ nhất ĐSQ Việt Nam tại Đức, bị nhân chứng tố cáo trước Tòa Thượng thẩm Berlin hôm 25.4.2018

Vì thế hôm nay, ông ta đến toà với tư cách là nhân chứng, ông ta khai nhân viên an ninh sứ quán tên Trung (Lê Đức Trung) đã nhờ ông ta đến khách sạn lấy đồ của Đỗ Minh Phương với tờ giấy giới thiệu của sứ quán Việt Nam.

…xem phần này trên BBC của nhà báo Lê Mạnh Hùng (người tham dự phiên toà).

Bình luận.

Như vậy chiều hướng như luật sư bên bị cáo đòi hỏi chuyển phiên tòa sang chính trị mời bà Merkel đến làm rõ về yêu cầu đề nghị của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không được chấp nhận. Ông luật sư được chỉ định do nhà nước Đức trả tiền, trong vụ án này bị hại là nhà nước Đức và bị cáo là nhóm bắt cóc do trung tướng an ninh Việt Nam Đường Minh Hưng phối hợp với cán bộ sứ quán Việt Nam tại Đức thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ CHLB Đức.

Là một công dân Đức được nuôi dưỡng và học hành ở nước Đức, ông luật sư đã hết mình bảo vệ quyền lợi cho những kẻ xâm hại an ninh tổ quốc ông, nơi mà gia đình ông sinh sống từ bao đời nay.

Nhìn như thế , chúng ta mới thấy rõ sự văn minh trong ứng xử , sự công bằng của pháp luật Đức. Ông luật sư cho nhóm bắt cóc Việt Nam đã bảo vệ cho nhóm này hết lòng. Không ai có thái độ hoặc lời nói cho rằng ông đã phản bội tổ quốc ông, bởi họ hiểu rằng ông đang hết lòng trách nhiệm với công việc ông được giao. Ông ta có quyền nói ngang chừng không phải xin phép, ông ta ngồi tại chỗ chất vấn thẳng ai đó mà không cần thưa gửi xin phép chủ tọa câu nào. Ông ta phê phán nhà nước Đức đã sai khi bao che cho TXT, không chịu dẫn độ về theo đề nghị ”chính đáng” (ý của ông) của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông ta nói bà thủ tướng Đức đã sai nọ kia.

Ông ta không bị hạn chế, không bị tước thẻ, không bị báo chí Đức lên án lợi dụng phiên toà để bôi xấu nhà nước CHLB Đức.

Nếu bạn nhìn thấy những chiếc bàn chủ toạ không cao hơn bàn luật sư là mấy, khi có việc như xem chứng cứ, mọi người quây lại xem bình đẳng thì sẽ thấy cảm giác đây là một cuộc họp để bàn bạc hơn là một phiên toà như ở Việt Nam.

Khả năng bác bỏ được cáo buộc tội danh bắt cóc trong vụ án này chỉ chiếm chưa đầy 4% cho đến giờ phút này. Những chứng cứ mà công tố viên đưa ra quá nhiều và rõ ràng. Nếu phiên toà kết luận tội danh bắt cóc khủng bố, đương nhiên trung tướng Đoàn Minh Hưng sẽ bị truy nã quốc tế vì là kẻ chủ mưu. Đây sẽ là vết ô nhục cho bộ công an Việt Nam, có thể vì vụ án này mà cuộc họp Interpol vừa qua tại Hoa Kỳ bộ trưởng Tô Lâm đã không dám đến dự. Đặc biệt vai trò của sứ quán Việt Nam tham gia quá nhiều và rõ ràng, thậm chí là tích cực trong vụ bắt cóc khủng bố này sẽ đem lại những hệ lụy không lường được cho Việt Nam, hiện nay phiên toà đang diễn ra, chưa rõ những nhân viên viên, cán bộ sứ quán tham gia sẽ bị xử lý hoặc được quyền miễn trừ do tính chất ngoại giao.

Phiên toà sẽ còn diễn ra 19 phiên xử nữa, chế độ CSVN đang tìm mọi cách để thông tin về phiên toà không đến với dư luận nhân dân Việt Nam. Họ dường như chọn thái độ mặc kệ phía Đức muốn xử sao, làm gì cũng được kể cả cắt hẳn quan hệ ngoại giao.

Một thái độ rất Chí Phèo, một thái độ rất đặc trưng của chế độ cộng sản Việt Nam khi làm sai bị quốc tế lên án.

Suy cho cùng thì dẫu có cắt đứt quan hệ ngoại giao Việt – Đức, thì Nguyễn Phú Trọng vẫn là tổng bí thư quyền lực nhất Việt Nam. Như thế tội gì ông ta phải xuống thang với Đức để mất oai phong của mình. Ông ta chả thiệt hại gì cả, mặc kệ nước Đức muốn sao thì dân Việt chịu, ông ta không hề chi.

Nếu tính chịu trách nhiệm thì Nguyễn Phú Trong càng thoát tội, vì người ta nếu xét tội thì xét tội của Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc trên vai trò chủ tịch nước, thủ tướng. Chứ chức vụ tổng bí thư của đảng không có giá trị pháp luật với nước văn minh, nên không thể truy tố hay kết tội Nguyễn Phú Trọng được.

Trước tình thế như vậy, sẽ khó có khả năng cải thiện quan hệ Việt Đức. Trừ khi Nguyễn Phú Trọng về hưu hay đột tử./.

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

  1. Qua phiên Toà này, có lẽ người dân trên thế giới sẽ biết rõ hơn về VN – một đất nước anh hùng. “Kẻ thù nào cũng đánh thắng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành…”

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here