Ngân sách Việt Nam – được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp vào nhóm cuối về mức độ minh bạch – vừa phát lộ thêm những dấu hiệu của tình trạng cạn kiệt.
Báo Người Lao Động cho biết cán bộ, nhân viên của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đang “dài cổ” chờ lương, gần đây, cán bộ, nhân viên của ban này lãnh lương 2 tháng/lần. Đến ngày 31-3 vừa qua, họ mới nhận được lương của tháng 2 và tháng 3, còn lương tháng 4 tới nay vẫn chưa ai nhận.
Cùng với các ban chỉ đạo Tây Bắc và Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là cơ quan phải giải thể tại hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền tổ chức vào tháng 10/2017. Ngoài lý do chính được thông báo là “tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế”, còn một lý do khác đầy “tế nhị” mà không thể công bố: thông thường, việc “cải tổ” bộ máy, hoặc cho “nở thêm”, hoặc cho “lõm vào” là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để làm công tác nhân sự, mà cụ thể là “thay máu cán bộ lãnh đạo”.
Trong khi đó theo báo Pháp luật TP.HCM, tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, trưởng công an xã Thiên Lộc là ông Lê Anh Thắng đã làm đơn xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động. Ông Thắng tốt nghiệp trung cấp an ninh, được bổ nhiệm trưởng công an xã vào tháng 3-2017, vào biên chế hệ số lương chưa được 3 triệu đồng/tháng. Trong đơn, ông Thắng nêu lý do vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống gia đình cho nên xin nghỉ việc để đi làm ăn kinh tế, kiếm kế sinh nhai, đảm bảo cuộc sống.
Sẽ có nhiều công an của lực lượng “còn đảng còn mình” phải kiếm cách đi xuất khẩu lao động để “mở rộng tương lai”?
Hai câu chuyện mang tính vi mô trên lại xảy trong bối cảnh một câu chuyện vĩ mô đang gây phản ứng dữ dội trong dư luận xã hội:
Bộ Tài chính của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – một “đầu sai” của đảng dùng riêng cho nhiệm vụ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” – đang vội vã xây dựng Luật Thuế tài sản, dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Tiếp theo kế hoạch nâng thuế VAT (giá trị gia tăng) từ 10% lên 12% hiện ra vào năm 2017, âm mưu đánh thuế tài sản đã khiến lộ ra tình trạng ngân sách năm 2018 tiếp tục bội chi lớn, hụt thu đáng kể và chẳng biết tương lai đi về đâu.
Cần nhìn lại. 2017 là năm đầu tiên mà ngân sách bị hụt thu đến hơn 3% so với dự toán đầu năm, nếu không tính đến khoản “bán mình” – tức 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco (Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát).
Kết quả thu ngân sách chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 sẽ có thể còn tồi tệ hơn, nếu không tính tới phần “bán mình”.
Kết quả 96,8% thu ngân sách trên không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Hẳn đó là nguồn cơn sâu xa khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải hoảng hồn trước cơn ác mộng ngân sách cho đội ngũ “còn đảng còn mình”.
Trong khi đó, một cơn ác mộng khác đang xảy đến: một nguồn thu lớn của ngân sách Việt Nam là dầu khí thì lại bị “đồng chí tốt” Trung Quốc siết bức. Trong hai năm 2017 và 2018, lần lượt hai mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh đã bị Bắc Kinh gây sức ép khiến Bộ Chính trị Hà Nội phải “cắm mặt” rút giàn khoan thăm dò mà không dám có phản ứng gì.
Bi kịch ngân sách đã lan tới cả lực lượng “còn đảng còn mình”, hay “thanh kiếm và lá chắn” như ngành công an.
Vào năm 2017, có ít nhất 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình.
Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác.
Một con số từ công an Bà Rịa – Vũng tàu đã chứng thực cho tình trạng khốn khó của công an xã: mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống chỉ còn 1,6 – 1,7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những năm trước.
Nhưng đến lúc này, thân phận “ra đường” không chỉ là công an viên cấp phường xã, mà đã lên đến cấp tướng của các tổng cục và cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Đầu tháng Tư năm 2018, Đề án 106 của Đảng ủy Công an Trung ương về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chính thức được thông qua bởi một nghị quyết của Bộ Chính trị – cơ quan tối cao của đảng cầm quyền ở Việt Nam. Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa. Về bộ máy, từ 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập chỉ còn khoảng 60, tức giảm hơn phân nửa.
Ngay trước mắt, việc xóa bỏ các tổng cục sẽ làm mất ghế của rất nhiều tướng thuộc các cơ quan sau: Tổng cục An ninh (Tổng cục I), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).
Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân”, đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công chức, công an cấp quận huyện, cấp tỉnh thành và cả cấp bộ có thể rơi vào tình trạng “bán thất nghiệp”, “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, tương lai giới công an trị có thể được đi xuất khẩu lao động là khá ngặt nghèo. Trường hợp trưởng công an xã Thiên Lộc Lê Anh Thắng đi xuất khẩu lao động được cho là một may mắn hiếm có.
Bởi vào năm 2017, nhiều thị trường lao động truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia đã chính thức đóng cửa và trả lại lao động cho Việt Nam.
Con số lao động Việt Nam dôi dư hiện thời mà không thể xuất khẩu lao động lên đến hàng triệu người./.
Leave a Comment