Trung Điền – Web Việt Tân |
Tình trạng thâm thủng ngân sách từ 8 đến 10 tỷ Mỹ Kim mỗi năm kéo dài liên tục trong ba năm từ 2015 đến nay, đã khiến cho lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đang tất bật cứu nguy.
Theo Tổng Cục Thống Kê, ngân sách chi tiêu ở vào khoảng non 60 tỷ Mỹ Kim, nhưng tổng số thu hàng năm trồi sụt từ 50 đến khoảng 52 tỷ Mỹ Kim. Ngân sách phải trả nợ gốc lẫn tiền lãi do vay mượn trong 2 thập niên vừa qua là từ 11 đến 15 tỷ Mỹ Kim hàng năm. Khoản nợ tích lũy lớn nhất là trong giai đoạn xây dựng các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty (2005-2010) để tạo ra các “quả đấm thép,” mà phần lớn đã bị phá sản.
Trong khi đó nguồn thu lại bị giảm đáng kể. Thứ nhất là giá dầu thô giảm thê thảm từ 100 Mỹ Kim/thùng (2014) xuống chỉ còn 40 Mỹ Kim/thùng (2017). Thứ hai là thuế công ty và nhập khẩu giảm do nhu cầu kêu gọi đầu tư ngoại quốc bị cạnh tranh. Thứ ba thị trường bất động sản suy thoái.
Gần đây, nhà cầm quyền CSVN khoe rằng kinh tế đang tăng trưởng ở mức hiếm thấy. Tổng sản lượng nội địa (GDP) đã tăng 6,7% cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt GDP của quý I/2018 tăng 7,38%. Tuy nhiên con số GDP tăng trưởng này chủ yếu là dựa vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là do tiềm lực của Samsung, Formosa vân vân… Ví dụ công ty Samsung tại Việt Nam đã thu được 58 tỷ Mỹ Kim chiếm ¼ tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Theo ước tính thì các công ty FDI chiếm từ 20% đến 30% GDP của Việt Nam.
Nhưng điều nhức nhối mà Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nêu ra rằng tuy GDP có tăng, nhưng lại không giúp gì nhiều cho việc giải quyết thiếu hụt ngân sách vì các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng được miễn giảm thuế phí. Bao nhiêu gánh nặng thuế phí đều dồn vào phía các doanh nghiệp trong nước và người dân.
Để cứu nguy tình trạng thâm thụt ngân sách và nhất là giảm thiểu chi phí, nhà cầm quyền CSVN đã phải tung ra hàng loạt chính sách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, kể cả việc bán đi một số công ty nhà nước để có tiền trả nợ như trường hợp bán 343 triệu cổ phiếu (chiếm 53,59% vốn điều lệ) của công ty quốc doanh bia rượu (Sabeco) thu được 4,8 tỷ Mỹ Kim vào cuối năm 2017.
Về việc cắt giảm chi phí, nhà cầm quyền CSVN đang cố tinh giảm bộ máy chính phủ ở trung ương lẫn địa phương bằng cách sát nhập để cắt bỏ khoảng 90 cơ quan nhà nước và giải quyết việc “thừa” đến 57 ngàn nhân viên trong biên chế. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4 triệu công chức nhưng nhà nước lại phải nuôi thêm 4 triệu người khác vì từng có công đóng góp cho đảng trong quá khứ. Nuôi ăn 8 triệu người là một gánh nặng rất lớn, nhưng lãnh đạo CSVN không thể làm khác hơn vì cắt bỏ 4 triệu người “có công” sẽ dẫn đến nguy cơ bùng vỡ đảng từ bên trong.
Con đường cuối cùng phải làm của nhà cầm quyền CSVN là giao cho Bộ Tài Chánh nghiên cứu các biện pháp tăng thuế mà dư luận cho là “vặt lông vịt”.
Từ năm ngoái, Bộ Tài Chánh cho biết là sẽ đồng loạt tăng 6 loại thuế: Thuế thu nhập cá nhân, thuế đánh trên trị giá gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất – nhập khẩu, thuế tài nguyên. Các loại thuế này sẽ áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm nay.
Dư luận chưa qua cơn bàng hoàng về 6 loại thuế sẽ tăng đồng loạt này, Bộ Tài Chánh đã bồi thêm nhát dao thứ hai vào đầu tháng 2 năm nay về đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường, bằng cách tăng thuế xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; các loại xăng, dầu khác đều tăng từ 500 đồng tới 1.1000 đồng/lít.
Theo dự kiến, Bộ Tài Chánh sẽ thu vào cho ngân sách nhà nước khoảng 15.684 tỷ đồng/năm, tương đương với 0,67 tỷ Mỹ Kim/năm. Đề nghị này đã bị dư luận phản đối dữ dội, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chánh đã lên tiếng chỉ trích rằng Bộ Tài Chánh đã núp dưới chiêu bài bảo vệ môi trường chỉ để đánh vào nguồn di chuyển của người dân mong bù đắp sự thiếu hụt ngân sách.
Đến giữa tháng 4, Bộ Tài Chánh lại tung ra đòn tăng thuế mới. Đánh thuế nhà, đất và xe hơi, du thuyền có giá trị từ 750 triệu hay 1,5 tỷ đồng trở lên.
Đối với nhà ở, Bộ Tài Chánh đề xuất hai phương án đánh thuế bắt đầu từ mốc 700 triệu trở lên hoặc nhà ở từ 1 tỷ đồng trở lên với tỷ lệ từ 0,3% đến 0,4%.
Theo tính toán của Bộ Tài Chánh, nếu mức thuế tài sản là 0,3% thì dự kiến số tài sản thu về là khoảng 22.700 tỷ đồng đối với nhà ở trên 1 tỷ đồng hoặc là 23.300 tỷ đồng đối với nhà có trị giá trên 700 triệu đồng. Nếu mức thuế là 0,4% thì số thuế dự kiến thu về tương ứng sẽ là khoảng 30.300 tỷ đồng.
Việc đánh thuế nhà nói trên nếu áp dụng có thể mang lại cho nhà nước một ngân sách từ 10 tỷ đến 12 tỷ Mỹ Kim. Nhưng theo nhiều nhà chuyên gia nhận định thì đây là chính sách nguy hiểm vì sẽ dẫn đến những rối loạn trong xã hội.
Thứ nhất, việc đánh thuế vào những căn nhà từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, tức là đánh vào nguồn sống của phần lớn những người nghèo tại Việt Nam. Đa số người dân dành dụm cả đời mua được căn nhà, người mua vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa lại phải nộp thuế tài sản là sự bóc lột quá đáng. Ở các nước dân chủ, đất đai thuộc sở hữu tư nhân; không có khoản thu “tiền sử dụng đất” như ở Việt Nam nên việc nộp thuế nhà là đương nhiên. Trong khi tiền sử dụng đất ở Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành của nhà ở – từ 10% đến 50% tùy loại nhà, nay lại bắt nộp thêm thuế nhà sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn cho người mua nhà.
Thứ hai, không chỉ đóng thuế nhà, người dân Việt Nam hiện nay đóng đủ thứ thuế nào là thuế VAT, một sắc thuế ảnh hưởng lên 90 triệu người dân, thuế phân bón, thuế máy móc, thuế thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp, thuế tàu đánh xa bờ, thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt, thuế học đường, thuế sửa đường, thuế y tế, thuế nghe Loa phường… thậm chí còn nộp cả thuế chăn trâu bò ăn cỏ. Nghĩa là nhà cầm quyền hiện nay tìm mọi cách bắt dân phải nộp tiền dưới bất cứ hình thức nào để nuôi bộ máy nhà nước. Chính vì lý do này mà cứ mỗi lần đảng đưa ra chỉ thị chỉnh đốn bộ máy nhà nước, thì nó lại phình to ra thêm để có lý do… bắt dân đóng thuế.
Việc tăng thuế nói trên đang làm ảnh hưởng trầm trọng đến khu vực doanh nghiệp tư nhân vì sẽ tạo ra gánh nặng thuế phí của các doanh nghiệp. Sản xuất đình đọng vì hàng hóa khó bán, sức cạnh tranh suy thoái khiến cho nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Trong Quý I/2018 có đến 21.115 doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Ngân sách thiếu hụt dẫn đến nhiều hệ lụy như trên đã cho thấy là càng tăng thuế sẽ đẩy nhà cầm quyền CSVN vào ngõ cụt. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiểu đã ví von tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay chẳng khác nào người lái chiếc xe đi ngược chiều trên cầu Nhật Tân (Hà Nội), tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và hệ quả khôn lường.
Người lái xe này chính là ông Nguyễn Phú Trọng đang say mê chiến dịch “đốt lò” để thâu tóm quyền lực, bất cần những ta thán của người dân về tình hình khó khăn kinh tế hiện nay.
Leave a Comment