Quảng Cáo

Sài Gòn: Tất Thành Cang có ‘nhúng chàm’ vụ ‘bán như cho’ 30 ha đất?

Tất Thành Cang

Quảng Cáo

Thiền Lâm – Cali Today News|

Không còn nghi ngờ gì nữa, sau Đà Nẵng, “lò” của Nguyễn Phú Trọng đang lan cháy đến đất Sài Gòn.

Chỉ chưa đầy một ngày sau khi Người Tiêu Dùng – tờ báo của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – đăng bài “Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại TP.HCM ?”, vào ngày 18/4/2018 giới chóp bu của TP.HCM đã họp khẩn theo cách “Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe lãnh đạo Văn phòng Thành ủy báo cáo về vụ việc chuyển nhượng phần đất đã nêu trên”. Sau đó, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã vội phát đi thông tin “Nhận thấy việc chuyển nhượng này vi phạm Quy chế quản lý tài sản công, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng”.

Khu vực đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được đánh giá đắc địa nhờ sát sông, rạch (ảnh: Hiếu CT)

Đáng chú ý, Người Tiêu Dùng được xem là một tờ báo nhỏ trong hệ thống hơn 800 báo nhà nước. Vậy vì sao bài điều tra của một tờ báo nhỏ như thế lại khiến “Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM” phải họp gấp và quyết định hủy hợp đồng?

Trước hết, Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận là một doanh nghiệp 100% vốn của Ban Tài chính quản trị thành ủy TP.HCM (trước đây) và Văn phòng thành ủy TP.HCM (hiện nay) – tức thuộc dạng “doanh nghiệp đảng”.

Ban Tài chính quản trị thành ủy TP.HCM hay Văn phòng thành ủy TP.HCM lại là cơ quan đại diện phần vốn của Thành ủy TP.HCM tại một số “doanh nghiệp đảng”, mà bằng chứng lộ diện nhất là tỷ lệ sở hữu vốn lên đến hơn 7% và là phần sở hữu hữu vốn cao nhất tại Ngân hàng Đông Á so với các cổ đông khác.

Chỉ đến năm 2016 khi Ngân hàng Đông Á bị Ngân hàng nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, còn tổng giám đốc của ngân hàng này là Trần Phương Bình bị khởi tố và bắt giam vì tội làm thất thoát tài chính, lúc đó tỷ lệ hơn 7% “góp vốn” của Thành ủy TP.HCM mới được chính thức công khai cho báo chí và dư luận xã hội.

Vụ Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai hơn 30ha, với giá 1,29 triệu đồng/m2. lại khá giống với một vụ án vừa kinh tế vừa chính trị đang bùng nổ trong thương trường và chính trường Việt Nam: cả hai cựu chủ tịch Đà Nẵng là Văn Hữu Chiến và Trần Văn Minh đã ký phần lớn các quyết định bán “giá bèo” 9 dự án và 31 nhà, đất công sản của Đà Nẵng cho đại gia Vũ “Nhôm” – tức Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ.

Dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM có diện tích hơn 30 ha. Công ty Tân Thuận đã chuyển quyền chủ sở mảnh đất hơn 30ha này cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Tổng Giám đốc).

Điều đáng nói, phần đất công sản “siêu lớn” này có giá thị trường từ 2.400  – 3.000 tỷ đồng (giá đất tại khu vực xã Phước Kiển hiện nay dao động từ 8,5 – 11 triệu đồng/m2. ) nhưng lại được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai – một công ty tư nhân theo Hợp đồng Chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017 ký ngày 5/6/2017 với giá chỉ 1.290.000 đồng/m2.Sau thương vụ này, Công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng.

Tức từ 2.000 đến 2.500 tỷ đồng khác đã “bốc hơi’.

Vào tháng 12/2017, trong một văn bản gửi Thành ủy TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, dù tính toán trên mức giá đất nông nghiệp thấp nhất để bồi thường cho lô đất công sản diện tích 30ha thì mức giá đất này không thể dưới mức 1.768.000 đồng/m2. Tính ở mức giá Nhà nước quy định (không phải giá thị trường) thì giá trị mỗi m2 đất tại dự án Khu Dân cư Phước Kiển phải cao hơn 478.000 đồng/mso với giá mà Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai trước đó.

Do Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn của Thành ủy TP.HCM nên thương vụ bán 30 đất công sản trên đương nhiên phải được sự đồng ý bằng văn bản, hoặc phải lưu lại dấu vết bút phê, của một “lãnh đạo Thành ủy TP.HCM” nào đó.

Ai?

Vài tờ báo nhà nước cũng đặt dấu hỏi: “Đằng sau thương vụ này, liệu có cái bắt tay của nhóm lợi ích để “ăn chia tham nhũng” số tiền lên đến vài ngàn tỷ đồng hay không? Những lãnh đạo nào thuộc Thành ủy TP.HCM đã ngang nhiên bất chấp pháp luật, quyết định “số phận” của khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, biến công sản thành đất tư nhân ? Có hay không sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất công sản và trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo Thành ủy TP.HCM trong vụ việc siêu nghiêm trọng này?”

Một chi tiết cần mổ xẻ là vụ Công ty Tân Thuận bán 30 ha đất cho Quốc Cường Gia Lai theo Hợp đồng Chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017 ký ngày 5 tháng 6 năm 2017.

Khoảng thời gian tháng Sáu năm 2017 lại là giai đoạn “chuyển giao quyền lực” giữa nhân vật vừa bị loại khỏi Bộ Chính trị là cựu bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho bí thư mới là Nguyễn Thiện Nhân. Đây cũng có thể được xem là giai đoạn “tranh tối tranh sáng” để những âm mưu trục lợi dễ dàng được trót lọt.

Vào tháng Sáu năm 2017, Nguyễn Thiện Nhân mới chân ướt chân ráo từ Mặt trận Tổ quốc về Sài Gòn, lẽ đương nhiên đang phải “học việc”.

Còn Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM khi đó là Tất Thành Cang, người trực tiếp xử lý văn thư gửi đến hàng ngày.

Theo một facebooker là Nguyễn Hồng, phản ánh của cán bộ, nhân viên Công ty Tân Thuận cho thấy điểm bất thường nhất là việc chỉ trong vài ngày tháng 4/2017, không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã vội vã xử lý các vấn đề liên quan đến việc bán khu đất trị giá hàng ngàn tỷ đồng này vào lúc thành phố chưa có Bí Thư Thành ủy mới (khi đó ông Đinh La Thăng đã bị kỷ luật bãi nhiệm, bị rơi khỏi Bộ Chính Trị, còn ông Tất Thành Cang – Ủy viên Trung ương Đảng, người đang đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – là lãnh đạo cao cấp nhất của Thành ủy vào thời điểm đó).

Cụ thể:

– Ngày 19/4/2017, Công ty Tân Thuận tiến hành cuộc họp của Hội đồng Xây dựng giá bất động sản kinh doanh;

– Ngày 24/4/2017, Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai họp bàn phương án chuyển nhượng khu đất;

– Ngày 25/4/2017, Tổng Giám đốc Trần Công Thiện trình tờ trình số 354/TTr-TT lên Hội đồng Thành viên Công ty Tân Thuận;

– Ngày 26/4/2017, chính ông Trần Công Thiện thay mặt Hội đồng Thành viên tiếp tục trình lên lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Phòng Quản lý Đầu tư – Kinh doanh Vốn (thuộc Văn phòng Thành ủy) về phương án chuyển nhượng đất và hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Như vậy, chỉ trong vòng 7 ngày, Công ty Tân Thuận đã “chạy đua nước rút” hoàn tất quy trình chuyển nhượng lô công sản “siêu lớn” này…

Từ đầu năm 2018, Tất Thành Cang lại bị một số dư luận nghi ngờ có “dính” vụ bán 30 ha đất trên.

Tất Thành Cang “trưởng thành” từ cán bộ đoàn ở Thành đoàn TP.HCM được bí thư thành ủy TP.HCM thời đó là Lê Thanh Hải “đặt” vào ghế bí thư quận 2 – nơi có dự án Thủ Thiêm khổng lồ với 160 ha đất vàng, cũng là nơi đã phát sinh vô số vụ đền bù bất công, tạo chênh lệch đến vài chục lần giữa giá thị trường và giá đền bù cho người dân, cũng là nơi đã xảy ra không ít cái chết của dân oan đất đai do phẫn uất.

Rất nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy khi còn là bí thư quận 2, Tất Thành Cang đã đắc lực giúp cho “Anh Hai Nhựt” (bí danh của Lê Thanh Hải) nhằm ‘nuốt” đất Thủ Thiêm.

Mới đây, một facebooker là Trịnh Anh Tuấn mỉa mai: “160 ha=160 00 00m2 đất Thủ Thiêm. Giá đất Thủ Thiêm giờ rẻ cũng 3-40 triệu/m2. Tính ra mất 48 000 tỷ, tương đương 2,25 tỷ đô la. Lê Thanh Hải trốn đi đâu?”

Dưới thời bí thư Đinh La Thăng, vào tháng 8 năm 2016 Tất Thành Cang – khi đó là Phó bí thư thường trực thành ủy phụ trách công tác an ninh nội chính – còn góp phần mang tính quyết định trong vụ chính quyền TP.HCM dùng đến 400 công an và dân phòng cưỡng chế các sư sãi và ủi sạch chùa Liên Trì – một cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Đến cuối năm 2016, một thiền sư đã tiên đoán về số phận của Đinh La Thăng sẽ bị quả báo tù tội sau vụ phá chùa Liên Trì. Cuối năm 2017, ông Thăng bất ngờ phải tra tay vào còng và còn phải kêu rên “hãy đối xử với bị cáo như một con người”.

Còn giờ đây, có vẻ đến lượt Tất Thành Cang.

“Khúc nhạc dạo đầu” của báo chí nhà nước về hàng loạt và còn hơn thế nữa những vụ bê bối của những người trong “gia tộc Lê Thanh Hải”, cùng những vụ việc có dấu hiệu “ăn đậm” của giới quan chức, đang phát ra tín hiệu nóng rẫy về chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng đang cháy lan đến đất Sài Gòn.

Chỉ từ tháng Ba năm 2018 trở lại đây, đã có hai thành viên “gia tộc lê Thanh Hải” bị “lên thớt”: Lê Tấn Hùng , em ruột Lê Thanh Hải và từng chỉ huy Lực lượng thanh niên xung phong, và Lê Trương Hải Hiếu – con ruột Lê Thanh Hải và là Bí thư quận 12.

Cũng vào thời gian này, dư luận đang phong phanh tin về một đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm với trọng tâm là công tác đền bù giải tỏa.

Tất Thành Cang dường như đã “dự cảm” được thân phận của “dây Lê Thanh Hải”. Nếu trước đây ông Cang rất thường nhắc tới “anh Hai Nhựt” trong những cuộc họp và tiếp xúc với giới quan chức, thì thới gian gần đây đã bặt hẳn danh xưng đó. Có người cho biết Tất Thành Cang còn như cố ý ít lui tới thăm viếng gia đình “anh Hai Nhựt”.

Trong vài ngày qua, mạng xã hội chợt hiện lên một thông tin về “bệnh nhân Tất Thành Cang”. Tin tức này cho biết ông Tất Thành Cang đã vào Bệnh viện Chợ Rẫy nằm, thậm chí còn nêu rõ cả số giường và số phòng mà ông Cang đang nằm điều trị. Cùng thời gian, chính báo Tiền Phong của nhà nước cũng xác nhận ông Tất Thành Cang phải nhập viện, nhưng không bị “đột qụy” như đồn đoán.

Một hiện tượng chính trị – xã hội đáng chú ý và lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây là “cứ bị điều tra là vào nằm bệnh viện”, ám chỉ giới quan chức “nhúng chàm”.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng ‘nằm viện trót lọt”.

Vào năm 2015, Nguyễn Xuân Sơn là Tổng giám đốc Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GB), dù nằm viện nhưng vẫn bị cơ quan điều tra dẫn giải từ bệnh viện đến trại giam. Sau đó tại phiên tòa xử sơ thẩm, Nguyễn Xuân Sơn đã phải nhận án tử hình.

Còn với vụ “bán như cho” 30 ha đất Nhà Bè của Công ty Tân Thuận, cho dù Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu hủy hợp đồng mua bán này theo cách Bộ trưởng thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn đã “đạo diễn” cho Mobifone hủy hợp đồng mua AVG như một động tác “khắc phục hậu quả”, nhưng không vì thế mà những quan chức đã ký duyệt thông qua đề xuất mua bán 30 ha đất Nhà Bè thoát tội “cố ý làm trái…”.

Nếu sau “khúc nhạo dạo đầu” của báo chí nhà nước về vụ việc trên, cơ quan điều tra của Công an TP.HCM hay Bộ Công an bắt đầu “vào làm việc” với Công ty Tân Thuận và Thành ủy TP.HCM, có thể cho là quy trình tố tụng hình sự dành cho những quan chức “nhúng chàm” trong Thành ủy TP.HCM được khởi động.

Tròn một năm trước, cũng vào tháng Tư, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và là cấp trên của ông Tất Thành Cang đã bất ngờ “té giếng” khi phải nhận một bản kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương – về những sai phạm “rất nghiêm trọng” vào thời ông Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đến đầu năm 2018, Đinh La Thăng đã phải nhận đến hai mức án sơ thẩm với tổng cộng 31 năm tù giam./.

Page: 1 2

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux