Dư luận mấy ngày nay đặc biệt quan tâm đến đề xuất áp thuế nhà ở của Bộ Tài chính. Theo đó thì với những căn nhà có giá trị từ 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng trở lên, chủ sở hữu sẽ phải chịu thuế. Phần đánh thuế là khoản giá trị hơn 700 triệu đồng hoặc hơn 1 tỷ đồng đó, với mức thuế được áp dụng là 0,4%. Với mức thuế này, dự kiến ngân sách sẽ thu thêm được gần 1,5 tỷ USD.
“Tôi không hoàn toàn đồng ý với cả hai phương án. Thứ nhất, trước khi tăng thuế bất động sản, Bộ Tài chính cần có kế hoạch để cải thiện những vấn đề về thu thuế. Hiện tại còn rất nhiều lỗ hổng trong chính sách tài khóa, tài chính và chính sách thuế mà nhiều đối tượng có thể lẩn tránh thuế, trốn thuế và từ đó làm mất nguồn ngân sách quốc gia.”
Đó là nhận định của chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về đề xuất của Bộ Tài chính. Theo vị chuyên gia này, thì Bộ Tài chính không nên áp thuế bất động sản vào thời điểm này mà thay vào đó nên thay đổi chính sách thuế để ngăn chặn hiện tượng mất thuế, giảm thuế, trốn thuế của nhiều thành phần kinh tế. Sau đó, mới cân nhắc chuyện tăng thuế nếu cần.
Cũng theo quan điểm của ông, một chính sách thuế đưa ra cần phải đáp ứng được hai nguyên tắc. Thứ nhất là phải hỗ trợ chính phủ trong chủ trương giúp người dân có nhà ở. Thứ hai, chính sách thuế phải có tính công bằng, tức là người thu nhập cao phải trả thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp. Ông cho rằng đề xuất mới của bộ Tài chính không đáp ứng được cả hai nguyên tắc này.
Hiện tại theo luật thuế của Việt Nam thì chỉ đánh thuế trên phần đất, chứ không đánh thuế giá trị của căn nhà trên mảnh đất đó. Vì vậy, đề xuất của Bộ Tài chính được đánh giá là hoàn toàn mới mẻ và gây nhiều tranh cãi từ phía dư luận.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu giải thích lý do bộ phận đông dân chúng tỏ ra hoang mang trước thông tin này:
Dư luận họ phản ứng bởi vì rất nhiều người có thu nhập thấp đã khổ công mua được căn nhà, bây giờ mua được căn nhà lại bị đánh thuế với mức chắc chắn sẽ nặng hơn nhiều so với hiện hành.
Trước sức ép từ dư luận, ngày 17 tháng 4, đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải lên tiếng giải thích rằng đây chưa phải là kết luận cuối cùng, mà chỉ đưa ra đề xuất để lấy ý kiến từ người dân và giới chuyên môn.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính thì những đối tượng thu nhập thấp và trung bình sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế mới này. Bởi vì với mức thu nhập như vậy, thông thường nhà ở của họ có giá trị nhỏ hơn 700 triệu đồng, tức là thuộc loại không phải chịu thuế. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại nhìn nhận rằng hiện nay đa phần giới trung lưu ở VN có nhà đắt hơn 700 triệu đồng, vì vậy chính sách này có thể coi là nhắm trực tiếp vào họ. Trong khi đó giới thượng lưu vốn đã giàu có nên không bị ảnh hưởng bởi luật thuế này.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, thuộc Bộ Tài chính nói với báo chí trong nước rằng nguồn thu từ thuế tài sản này dự kiến sẽ để lại 100% cho địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần tăng giá trị của đất đai.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng không đồng tình với đề nghị của bộ Tài chính. Ông giải thích:
Nhà ở là cái không sinh ra lợi ích để mà phải đánh thuế. Đó là tài sản mình ở, mình dùng. Nếu tài sản là nhà cho thuê hay văn phòng cho thuê, có lợi ích thì mình mới đánh thuế. Còn cái này là nhà ở của người dân mà đánh thuế trên đó thì tôi thấy nguyên tắc đó chưa phù hợp đối với Việt Nam.
Chẳng những thế mà hiện giờ chính sách của Nhà nước là giúp người dân vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở. Bây giờ người dân chưa kịp mua nhà ở đã bị đánh thuế rồi.
Ông Bùi Kiến Thành cũng cho rằng mức thuế Bộ Tài chính gợi ý là 0.4% cũng chưa phù hợp bởi vì phần lớn dân Việt phải vay tiền bà con, ngân hàng để mua nhà và đã phải chịu phần tiền lãi khi đi vay. Đến khi mua được căn nhà lại phải nộp thuế lần nữa với mức không phải là thấp.
Về phía Quốc hội, đến ngày 17/4, Tổng thư ký Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nghị trình xây dựng luật của Quốc hội cho đến hết năm 2019 chưa có nội dung dự án Luật Thuế tài sản như, thông tin đánh thuế nhà từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỉ trở lên mới dừng ở cấp vụ của Bộ Tài chính.
Liên tục tăng thuế
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận bày tỏ bất bình với chính sách thuế ngành Tài chính đưa ra. Thời gian trước đó, Bộ Tài chính liên tục đòi tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 11-12%, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có xăng dầu.
Các lý do chủ yếu được bộ này đưa ra là vì thuế nhập khẩu giảm nên cần tăng thuế khác bù vào việc thu ngân sách giảm, nợ công cao.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, thì ngân sách có thể tăng thêm hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết quan điểm về tình trạng này:
Về căn bản tôi đồng ý với vấn đề thu thuế vì ngân sách quốc gia cần phải có thuế để chi trả cho tất cả các vấn đề, chi phí thường xuyên của chính phủ và chi phí đầu tư, bao gồm cả những chi phí về an sinh xã hội, quốc phòng. Thế nhưng nó phải ở trong một hoàn cảnh và mức độ hợp lý.
Đầu ra cũng phải cải thiện, tránh việc sử dụng ngân sách quốc gia cho những dự án đầu tư lãng phí và đặc biệt là vấn đề tham nhũng phải được tiêu trừ vì tham nhũng ngốn rất nhiều nguồn ngân sách của chính phủ.
Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách năm này qua năm khác. 15 ngày đầu năm 2018, ngân sách đã thâm hụt hơn 18.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng bội chi ngân sách, và thậm chí chi thường xuyên quá cao, không còn tiền để chi cho đầu tư phát triển. Nhiều ý kiến lên án tình trạng chi tiêu lãng phí của nhiều cơ quan Nhà nước, trong khi thiếu ngân sách thì lại đội thuế lên đầu người dân.
Điều này cũng được chuyên gia Bùi Kiến Thành phê bình:
Nhà nước đứng trước tình trạng không giảm cái chi mà cứ tìm cách tăng cái thu lên, tìm cách tận thu của nhân dân như vậy là một tư duy không phù hợp. Làm sao phải giúp cho nhân dân phát triển, giúp cho nền kinh tế phát triển, dân có nhà ở,… chứ không phải để tận thu, làm kiệt quệ tài chính của người dân là không nên.
Vừa qua, các chuyên gia trong nước trong đó có TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ trích chính sách tăng thuế bảo vệ môi trường của người dân nhưng lại bỏ vào ngân sách chung, trong khi dân chúng kêu than môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Họ đặt câu hỏi liệu tiền đó có thực sự được sử dụng cho môi trường?
Leave a Comment