Bức ảnh thứ nhất được chụp khi đoàn công tác của Sở Y Tế Hà Nội đến kiểm tra đột xuất công ty Vinaca. 10 công nhân của công ty vẫn đang ung dung băm chặt tre, đốt thành tro để SX thuốc trị ung thư.
Lúc kiểm tra, Vinaca có 3 cửa hàng tại huyện An Dương, Hải Phòng và có 10 cơ sở trên cả 3 miền toàn quốc. Thuốc giả này có gây chết người không chưa biết nhưng nó đã làm một tội lớn: hủy hoại uy tín của hàng Việt. Vậy mà, bạn tin nổi không, mới tháng 10/2017, công ty Vinaca được tôn vinh, chứng nhận đoạt giải thưởng “top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam”. Ai cấp chứng nhận? Lại càng éo le, khó tin nữa. Viện công nghệ chống hàng giả, con đẻ của HIỆP HỘI CHỐNG HÀNG GIẢ & BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM cấp. Bọn kinh doanh hàng giả, lừa đảo giết người này không háo danh suông. Chúng tìm mua, trả đúng giá để mua cái vỏ “chống hàng giả” và “thương hiệu hàng đầu”.
Bức ảnh thứ hai (của Tuổi Trẻ online) là ông David Littleproud, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và nguồn nước của Úc (đeo kính, mặc áo đầu bếp), vừa vào bếp nướng thịt bò, mang ra mời khách và cùng dùng bữa trưa tại một cửa hàng bán thịt bò Úc quận 2 TPHCM trưa ngày 13/4/2018. Cửa hàng hiện bán 60% thịt bò Úc, chủ là một Việt Kiều Úc. Gọi là đi ăn trưa, ông chăm chú thăm hỏi về nhận xét của khách hàng về thịt bò và thịt cừu Úc. Ở Hà Nội trước khi vào TP, ông đã bàn với Bộ trưởng tương nhiệm của VN là Úc sẽ mua tôm tươi nguyên con của Việt Nam. Ông David có cần vào bếp nướng món thịt bò Úc “thần thánh” để gây cảm tình với thực khách Việt? Tôi tin, không có nghị quyết nào giao nhiệm vụ cho ông mà tình cảm thật, tính mẫn cán đã xui ông làm vậy. Thực khách sẽ không chỉ có thiện cảm với ông mà sẽ chia sẻ sự ủng hộ món thịt bò Úc nhiều hơn.
2 bức ảnh tưởng chẳng liên quan nhưng ngược lại, có ý nghĩa gắn chặt với nhau và cũng gắn chặt luôn với câu chuyện đang nóng ran trên diễn đàn FB mấy hôm nay, câu chuyện 700 triệu và 1 tỷ rưỡi. Đó là điều anh Lương Hoài Nam và bạn Hoàng Tư Giang nói: “Để có ngân sách dồi dào, nhà nước cần phải xoá bỏ mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và cơ chế xin-cho, tạo tự do đầu tư, kinh doanh tối đa cho doanh nghiệp và người dân, để họ phấn khởi kinh doanh tẹt ga, lãi lớn. Nhà nước sẽ thu được nhiều tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Chứ cứ chăm chăm thêm thuế, tăng thuế như lâu nay là rất phản cảm, không bền” .
2 bức ảnh là 2 vế của mệnh đề: nền kinh tế cần triệt để loại bỏ bọn lừa đảo, làm hàng giả, làm mất niềm tin với hàng Việt và cần tập trung sức cải thiện môi trường kinh doanh, thực sự chăm lo cho doanh nghiệp mà bức bách nhất hiện nay là xúc tiến, tiêu thụ hàng Việt như nhu cầu sống còn.
Tỏ ra thông cảm với nhà nước, có bạn giải thích, nhà nước cần thu để bù khoản thu bị giảm mạnh vì thuế nhập khẩu hầu hết đều về 0, khi các HĐTM tự do được thực hiện.
Tôi phải bật dậy, hỏi ngay, hỏi cho ra lẽ: mình vẫn tự hào là nước đứng đầu, ký nhiều nhất các HĐTM tự do so với các nước Asean, sao bây giờ kêu ca “ngân sách thất thu” vì thuế nhập hàng các nước về 0?
Đương nhiên phải vậy mà, đặt bút ký thì biết rồi, sao kêu ca? Và sao họ tận dụng được thuế xuất qua mình bằng 0, mà mình chẳng tập trung chuẩn bị để đối đãi ngược lại, mà rồi lại tìm cách tận thu từ người dân trong nước? Lại nghe câu chuyện nền giáo dục VN mấy hôm nay. Có thể kết luận: vì bịnh thành tích mà thầy và trò, dạy và học đều như…khổ sai. Tôi bỗng ước, phải chi ngành công thương , các nhà quản lý các cơ quan liên quan cũng bị “bịnh thành tích” như vậy, mà tập trung hết sức cho việc sống còn hiện nay là “xúc tiến cho được thị trường, giúp tiêu thụ cho được sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp” , và coi rằng làm không tốt, không hiệu quả là…thiếu trách nhiệm nghiêm trọng, thay vì cứ lạnh tanh như tro than Vinaca ?
Tại hội nghị tổng kết 3 năm chương trình “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” của TPHCM, tôi có đề nghị, đừng cứ xem xét tiến bộ, thành tích tự mình so với mình mà hãy nhìn ra các nước Asean thôi. Mình còn đang “vận động” ưu tiên dùng hàng Việt thì chính phủ các nước (Thái, Mã, Sing, Phi…) đã “hành động” bài bản: ra luật, chính sách, cấp ngân sách hàng mấy trăm triệu, hàng tỉ USD, quyết thắng trong cuộc cạnh tranh khu vực từ nghiên cứu phát triển, cung cấp thông tin cho đến quảng bá công nghệ mới, chuyển đổi số, đào tạo năng lực, phát triển thị trường và trớ trêu là họ nhắm thẳng dân số trẻ, thị trường lớn của Việt Nam. Thực sự cải thiện môi trường kinh doanh, trừng trị những kẽ hủy hoại niềm tin hàng Việt và dốc sức chăm lo, xúc tiến tối đa cho hàng Việt thì đâu cần giải pháp 700 triệu và 1,5 tỉ rưỡi nữa?
Nhìn tổng thể, đất nước bị như thế này bao giờ chưa? Bò đỏ ơi! Cố nửa lên.