J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA |
Ngày 12/4/2018 nhà cầm quyền Việt Nam tiến hành cái gọi là “Xét xử công khai” một số anh chị em cất tiếng nói đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, chống lại thảm họa môi trường biển và đồng hành cùng nỗi đau của người dân.
Tại Hà Nội, nhà cầm quyền đưa ra xét xử nhà giáo Vũ Hùng, một cựu tù nhân lương tâm bằng một vụ án bịa đặt chứng cứ “cố ý gây thương tích” với mức án 1 năm tù, trong khi người bị gây thương tích là ai, thương tích như thế nào thì… tòa không biết.
Tại Nghệ An, Nguyễn Viết Dũng bị lôi ra xét xử vì đã “cả gan” lập đảng theo ý thích và không bị luật pháp cấm, nhưng đảng không ưa nên tuyên án 7 năm tù và nhiều năm quản chế.
Tại Hà Tĩnh, nhà cầm quyền lén lút đưa Trần Thị Xuân, một người con gái ở Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh đã “dám” giúp đỡ người nghèo, đồng hành cùng với ngư dân bị thảm họa biển Miền Trung ra xét xử với tội danh “Lật đổ chính quyền nhân dân”.
Điều người ta quan tâm, là những cái gọi là “Phiên tòa công khai xét xử” kia, chỉ là những màn diễn vụng về, trắng trợn và chà đạp lên chính luật pháp Việt Nam đưa ra bằng những phiên tòa lén lút, vụng trộm.
Trần Thị Xuân bị nhà cầm quyền đưa ra xét xử trong môt hoàn cảnh hết sức hài hước. Không có luật sư biện hộ, gia đình hoàn toàn không được thông báo, công an chặn các ngả đường dẫn đến cái gọi là Tòa án Nhân dân. Người nhà khi biết tin, đến tòa án đã bị ngăn chặn không cần lý do. Trong cái gọi là “Tòa án” chỉ có công an, cán bộ tòa, viện kiểm sát và nạn nhân.
Việc “xét xử” được tiến hành lén lút và nhanh tới mức độ mọi tòa án trên thế giới phải giật mình. Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, Tòa đã làm xong tất cả mọi việc và kết án cô gái này 9 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Những hành động của nhà cầm quyền đã bày tỏ điều gì?
Trước hết, đó là sự bất chính, bất nghĩa và bất chấp luật pháp thông thường. Việc xét xử công khai, được luật pháp quy định nhằm bảo đảm tính minh bạch, tính răn đe và nhất là việc xét xử độc lập, đúng người, đúng tội đối với các bị cáo.
Tuy nhiên, ở đây khi mà chính những người đi xử án cũng tin rằng nạn nhân bị đưa ra xét xử là vô tội, thì họ cũng ý thức được việc phải lén lút khi ăn vụng và họ biết đó là hành động mờ ám.
Bản án mà nhà cầm quyền CSVN tuyên với cô gái độc thân, học hành ít ỏi mà chỉ giàu lòng thương người đã đánh động tâm hồn nhiều người dân xưa nay vốn vẫn biết nhưng chưa thấm sự bạo tàn của Cộng sản. Nhiều người hết sức bất bình và phẫn nộ trước cái gọi là bản án này của nhà cầm quyền CSVN, kể cả những người vốn không thích quan tâm những chuyện chính trị và thời sự. Đâu đâu cũng cất lên tiếng nói oán thán về sự tàn bạo của nhà cầm quyền.
Điều hài hước hơn, là chính những người dân thường đã mỉa mai Cả một nhà nước binh hùng, tướng nhiều như chó con, thành trì vững chắc, tham nhũng đầy miệng vậy mà lại sợ hãi đến mức kết án một cô gái tay không 9 năm tù, 5 năm quản chế vì tội “lật đổ chính quyền nhân dân”. Vậy cái chính quyền đó nó bền vững đến đâu?
Câu nói của họ trao đổi với nhau rất… vui mà đau là “May mà bắt kịp, nếu không bắt kịp, thì cô gái không chồng con và tay không này đã lật đổ mất chính quyền nhân dân rồi còn đâu”.
Trước những hành động ngang ngược và tàn bạo của nhà cầm quyền CSVN, ngày 15/4/2018, tại Giáo xứ, Giáo Hạt Văn Hạnh, thuộc Thành phố Hà Tĩnh, hàng ngàn giáo dân đã tập trung về Thánh đường Văn Hạnh tiến hành Thánh lễ Công lý – Hòa Bình tại Giáo xứ để cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm.
Hàng ngàn ngọn nến đã thắp lên, đánh động lương tâm và ý thức của mọi người dân, kể cả những người xưa nay vốn ít khi quan tâm những chuyện nhà nước hành xử. Thậm chí, nhiều người cho đến nay mới thấu hiểu sự dã man, tàn bạo và những bất chính, bẩn thỉu của nhà nước trong việc hành xử với những tiếng nói về những nhu cầu và sự an nguy của người dân.
Cho đến nay, người dân đã hiểu: Cái gọi là “Chính quyền nhân dân” mà cô gái tay không kia định “lật đổ” nó là cái chính quyền gì, và nó có đáng phải lật đổ thật sự hay không.
Trong các Thánh lễ, Linh mục Micae Hoàng Xuân Hường đã nêu rõ bản chất của cái gọi là “tòa án công khai” mà nhà cầm quyền đã tiến hành, chỉ là một trò hề trước mắt người dân nhằm trả thù những người dám hy sinh vì đất nước, vì người nghèo.
Giáo Hạt Văn Hạnh có số giáo dân hơn 40.000 người trong 10 Giáo xứ, là một Giáo Hạt có số nạn nhân của Thảm họa môi trường Biển miền Trung rất đông đảo. Việc nhà cầm quyền cố tình bao che cho thủ phạm gây nên Thảm họa biển Miền Trung và đàn áp người dân đã bị phản ứng quyết liệt.
Ngày 20/04/2017, toàn thể các Linh mục trong giáo Hạt đã đồng tâm ký văn bản gửi đi các cơ quan có thẩm quyền về thảm họa môi trường biển và những vấn đề liên quan.
Văn bản đã nói lên những vấn đề mà người dân hết sức bất bình, yêu cầu xử lý những vấn đề mà người dân đòi hỏi chính đáng.
Thế nhưng, nhà cầm quyền đã cố tình làm ngơ.
Ngay sau khi người dân Lộc Hà, Hà Tĩnh bất bình với việc đền bù thảm họa và việc công an tự tiện dùng súng đe dọa tính mạng người dân, họ đã bao vây UBND Huyện Lộc Hà yêu cầu làm rõ những thủ phạm theo luật định, nhà cầm quyền đã hết sức lúng túng và con bài đe dọa trả thù được thực hiện với các nạn nhân. Nhà cầm quyền đã khởi tố vụ án với sự đe dọa trắng trợn đối với người dân đã và đang hết sức phẫn uất trước thái độ của nhà cầm quyền với sinh mạng của họ.
Ngay lập tức, các tuyên bố của các linh mục, giáo dân trong Giáo hạt đã cất lên, đồng hành với các nạn nhân trước cường quyền.
Ngày 3/7/2017, toàn Hạt đã tập trung cầu nguyện hiệp thông cùng với các nạn nhân thảm họa biển. Hàng ngàn người đã nói lên tinh thần hiệp thông, đoàn kết của mình với các nạn nhân.
Thế rồi, sự sợ hãi đã buộc nhà cầm quyền tiến hành cái gọi là “phiên tòa” một cách bất chính và bất minh, như một trò hề trước người dân vốn đã cạn kiệt lòng tin nơi cái gọi là “nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Và giáo hạt Văn Hạnh lại lên tiếng đồng hành với các tù nhân lương tâm.
Một số hình ảnh đêm Chầu Thánh thể và thắp nến cầu nguyện cho tù nhân lương tâm tại Hạt Văn Hạnh đêm 15/04/2018:
Giai the dcsvn.