Thiền Lâm – Cali Today news
Đã có những bằng chứng đáng thuyết phục cho thấy tổ chức mạng Facebook đã và đang “tiếp tay” cho chính quyền Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận – được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982 và Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước này.
Ngày 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Có thể xem bức thư trên là giọt nước tràn ly sau một thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report” của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng.
Nhà báo và cũng là nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thiện Nhân, hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đã ký tên trong thư ngỏ gửi nhà lãnh đạo Facebook, xá nhận với VOA: “Chính tôi cũng là một nạn nhân bị Facebook gỡ bài và có những lần bị phạt treo Facebook 1 tuần, rồi sau đó là 1 tháng. Một ví dụ là tôi đưa clip cảnh sát lái một chiếc xe đặc chủng cán lên xe máy của hai người công nhân thì bị ‘report,’ rồi bị gỡ bài, phạt treo Facebook của tôi. Chính sách phạt của Facebook khi bị ‘report’ như vậy là không thỏa đáng, cho nên tôi ký tên vào thư phản đối để Facebook xem xét lại.”
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy – Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cho rằng dường như có sự thỏa hiệp giữa Facebook và chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm duyệt thông tin trên Facebook: “Họ thỏa hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để ngăn chặn Facebook. Việc này làm mất uy tín đối với người sử dụng. Tôi không hiểu tại sao họ lại bị sức ép như thế. Họ đã ngăn chặn và xóa bài hết sức tùy tiện. Rất nhiều bạn bè của tôi đã kêu ca và bản thân tôi cũng bị như thế. Điều này thật khó hiểu.”
Còn theo nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến: “Bất luận là từ phía nào, việc ngăn chặn thông tin là xem như đã vi phạm nhân quyền, quyền biểu đạt, tự do thông tin và tư tưởng. Việc Việt Nam vi phạm nhân quyền là thấy rõ rồi. Còn Facebook có thật sự đã thỏa hiệp đến mức độ nào thì tôi chưa rõ nhưng các hoạt động có biểu hiện bị ngăn chặn. Rõ ràng là Facebook đã mất thiện cảm với người dùng. Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook.”
Rất có thể, câu chuyện cấm đoán trên facebook bắt đầu từ tháng Tư năm 2017, khi người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn và đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung. Kể từ sau buổi gặp mặt giữa hai bên, tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.
Trước đó, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip bị cho là “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước” trên YouTube, để đến thời điểm diễn ra cuộc gặp Monika Bickert – Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị xóa.
Sau cuộc gặp trên, báo Vietnamnet đã đăng tin: “Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần thiện chí hợp tác của Facebook…”
Việt Nam là quốc gia bị Tổ chức Phóng viên không biên giới có trụ sở ở Pháp, cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế, liệt vào hạng 175/180 về tự do báo chí trên thế giới. Chắc hẳn “học tập knh nghiệm” của chế độ độc đảng ở Trung Quốc trong việc “siết” và “đẩy đuổi” Google và chỉ cho các mạng xã hội boạt động tại đất nước này nếu chịu “nghe lời” nhà cầm quyền Bắc Kinh, chính quyền Việt Nam cũng muốn tạo ra một hành động “tác động mang tính răn đe” đối với mạng Facebook.
Nhưng có một dấu hỏi lớn: vì sao Facebook – một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc’ – mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?
Cần chú ý là trong ít tháng sau cuộc gặp của Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn với đại diện Facebook, kết quả “xóa tin xấu dộc” vẫn không đạt như mong muốn của chính thể Việt Nam. Vào gần cuối năm 2017, ông Trương Minh Tuấn đã trở thành một trong những quan chức đi tiên phong, cùng với các quan chức của Bộ Công an và Bộ Tài chính, đòi hỏi các tổ chức mạng Facebook, Google… phải đặt máy chủ ở Việt Nam để “dễ quản lý”, đồng thời tung ra một kế hoạch thu thuế đối với hoạt động của các tổ chức mạng này.
Cũng từ cuối năm 2017 đến nay, hiện tượng facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị gỡ nội dung và bị khóa đã trở thành số nhiều và liên tục.
Một số dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng Facebook đã bắt đầu “thành khẩn hợp tác” với chính quyền Việt Nam từ cuối năm 2017?
Và phải chăng mối quan hệ “thành khẩn hợp tác” trên là để đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam, vào tháng Tư năm 2018, đã gỡ quy định bắt các tổ chức mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam khỏi dự thảo Luật An ninh mạng? Và khỏi đánh thuế Facebook?
Leave a Comment