“Cảnh sát biển Việt Nam sẽ chiến đấu bảo vệ ngư dân” là tựa đề được đặt trong trạng thái có vẻ quá hưng phấn và mang tính cường điệu cao của một tờ báo nhà nước khi xuất hiện dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào tháng Tư năm 2018.
Theo bản dự thảo này, “Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Cũng theo bản dự thảo trên, Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp. Cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa…
Vậy từ năm 2013 đến nay và khi đã được phong hàm “tướng” ngang với cấp quân khu và quân đoàn, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân Việt trước vô số hành động khủng bố của “đồng chí tốt”?
Trong vụ Hải Dương 981, bằng chứng rõ ràng nhất là bất chấp nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc do giới đấu tranh nhân quyền và dân chúng tổ chức nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn kiên định tâm thế nín lặng. Từ năm 2014 đến nay, đã không có tối thiểu một bản nghị quyết nào của Bộ Chính trị hay của Quốc hội lên án về vụ Hải Dương 981 hay chí ít để “rửa mặt” trước những câu chuyện “nhục quốc thể” tương tự ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.
Đó cũng là nguồn cơn khiến căn bệnh “hải quân bám bờ” ngày càng nan y, còn lực lượng cảnh sát biển thì gần như… biến mất.
Trong tình cảnh “văn dốt võ dát” và giới quan chức Việt thân ai kẻ đó lo như thế, hải quân và tàu cá Trung Quốc có vẻ muốn làm gì thì làm.
Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt… chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì từ cuối năm 2015, “đám người lạ” đã nhảy thẳng sang tàu cá Việt Nam để bắn chết ngư dân. Vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị “tàu lạ” dùng súng AK bắn chết vào tháng 11/2015 là một minh chứng quá đau đớn.
Đến năm 2017, quan hệ Việt – Trung được “cải thiện” thấy rõ. Ngư dân nhiều địa phương lâm vào cảnh “tuẫn tiết”. Trong đó, Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Rất nhiều tàu cá và ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.
Từ năm 2011, 2012 đến nay, đã chẳng có một cái chết nào của ngư dân Việt được nhà chức trách Việt Nam điều tra làm rõ và công bố cho người dân biết. Hầu hết đều “chìm xuồng”.
Vào đầu tháng Tư năm 2018, thêm một tàu ngư dân ở Nghệ An đã bị “tàu lạ” đâm chìm khiến 21 thuyền viên suýt chết. Nhưng một lần nữa trong vô số lần, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã không có một động tác rõ ràng và minh bạch nào để điều tra thủ phạm bách hại ngư dân nước mình.
Một phóng sự của đài RFA Việt ngữ vào tháng Tư năm 2018 cho biết không ít ngư dân nói rằng họ cứ mặc cho sự may rủi trong mỗi lần ra khơi kiếm sống, do hiện tại họ phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, vì ngư dân Việt bị uy hiếp, bị cướp bóc và đánh đập trên ngư trường Việt Nam là chuyện xảy ra như cơm bữa, nhưng Cảnh sát biển Việt Nam chẳng làm gì để bảo vệ được cho họ; còn tàu Hải cảnh Việt Nam thì thỉnh thoảng cặp theo tàu cá để xin tiền và hải sản ăn nhậu, chứ hiếm khi xuất hiện vào lúc tàu cá đánh tín hiệu cầu cứu, như một ngư dân chia sẻ: “Ảnh hưởng nói chung là mọi mặt. Bây giờ dân không biết nói sao hết. Đường nào ngư dân cũng phải gánh hết”…
Còn “Hải quân nhân dân Việt Nam” của một quân đội tiêu xài đến hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền đóng thuế hàng năm của dân thì sao?
Về mặt lực lượng, Hải quân Việt Nam không phải là “nghèo”. Trong vài năm qua, Mỹ đã trao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra để giúp Việt Nam củng cố năng lực giám sát và bảo vệ hàng hải của mình. Nhật Bản cũng đã cung cấp sáu tàu tuần tra đã qua sử dụng và hứa cấp thêm sáu tàu mới.
Nhưng vào năm 2015, một trong số những đơn vị bảo vệ hải phận là Hải Đội 2 – Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị còn được “nổi tiếng” trên mặt báo chí bằng động tác tuần tra khống trên biển để rút ruột ngân sách ít nhất hàng tỷ đồng. Dù vụ việc này mau chóng được “rút kinh nghiệm,” nhưng chẳng ai tin nổi chỉ có riêng Quảng Trị mới tuần tra khống như thế.
Vậy vì sao trong tình cảnh rệu rã quân sự như thế, chính thể Việt Nam lại muốn cho cảnh sát biển có “quyền được nổ súng bảo vệ chủ quyền”?
Vì ngư dân chăng?
Cho dù vào cuối năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam có được chính thức thông qua chăng nữa, chẳng mấy người dân dám tin rằng với “truyền thống bám bờ” trong quá nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát biển sẽ có một hành động thực chất nào để cứu vớt cảnh bị hành hung và bị bắn giết của ngư dân Việt./.
Leave a Comment