Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2018 liệu có bớt bế tắc?

Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt cóc và bị đánh đập đến thương tích hôm 27/02/2017 ở Quảng Bình.
- Quảng Cáo -

Phạm Chí Dũng – VOA

Cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm năm 2018 tại Washington DC, liệu có bớt bế tắc so với kết quả hầu như bằng không của Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt vào tháng Năm năm 2017 tại Hà Nội?

Đối thoại 2017 và số 0 tròn trĩnh

Vào năm ngoái, trước khi Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2017 diễn ra, đã có những hoạt động tiếp xúc của Đại sứ quán Mỹ và một số nước phương Tây với giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức độ “lắng nghe và ghi nhận”.

Cũng trong năm 2017, cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt thậm chí còn có lợi thế khá lớn so với Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2018 khi giới chóp bu Việt Nam đã phải chủ động bắn tiếng về một chuyến thăm Mỹ dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với mục đích quan trọng là nhằm đạt được Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ – một nhu cầu quá thiết thân được giới chóp bu Việt Nam đặt lên ưu tiên hàng đầu trong chính sách đu dây chính trị và làm tất cả để giữ được “sự tồn vong của chế độ”, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội tụ khá nhiều dấu hiệu khủng hoảng.

- Quảng Cáo -

2017 cũng là bối cảnh mà giới nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là nhóm “Vietnam Caucus” bao gồm vài chục nghị sĩ Mỹ quan tâm đến vấn đề Việt Nam – gia tăng áp lực đòi hỏi cải thiện nhân quyền đối với Hà Nội để đổi lấy thương mại với Mỹ. “Tùy Việt Nam thôi” – những thủ lĩnh của nhóm này như Thượng nghĩ sĩ Alan Lowenthal đã tuyên bố như vậy.

Nhưng từ giữa năm 2016, chiến dịch bắt bớ người hoạt động nhân quyền đã được chính quyền và công an đẩy cao và liên tục,.

Kết quả Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2017 đã đánh dấu một thực tế mà khó dùng từ nào khác hơn là “thất bại” đối với phái đoàn đối thoại của bà Virginia Bennett – Trợ lý bộ trưởng ngoại giao về dân chủ, nhân quyền và lao động, một chính khách mới trong chính quyền Donald Trump và có lẽ chưa có mấy kinh nghiệm về các thủ thuật trả treo nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam.

Kết quả mà bà Bennett nhận được bằng những lời hứa hẹn chung chung và xảo ngôn của trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam – một quan chức chỉ ở cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao và năm nào cũng có nhiệm vụ thông báo những lời hứa hẹn không hề được bảo chứng như thế – là sau cuộc đối thoại này đã không có gì được cải thiện.

Thậm chí sau khi Thủ tướng Phúc kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Mỹ mà đã không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, thậm chí còn bị Trump “đòi nợ” về tình trạng nhập siêu quá nhiều của Mỹ đối với Việt Nam trong lúc Trump lại gần như không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ đến gần ba chục nhà hoạt động nhân quyền chỉ riêng trong năm 2017, đồng thời đưa ra xử tù cực kỳ nặng nề đối với họ.

Trước tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng, có vẻ phía Mỹ đã phải tạm ngưng đàm phán nhân quyền, dù cơ chế đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam được duy trì 2 lần mỗi năm. Vào cuối năm 2017, đã không có đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ nào diễn ra.

Tia sáng từ EU

Vào năm nay – 2018, Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt sẽ diễn ra trong bối cảnh không có động thái thăm gặp nào giữa hai chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam. Có chăng chỉ là vào tháng Ba năm 2018, Việt Nam đã phải cày cục mời một hàng không mẫu hạm của Mỹ đến cảng Đà Nẵng để “hù” Trung Quốc, nhưng biểu hiện này chỉ có đôi chút ý nghĩa về mặt quân sự mà hầu như không liên quan gì đến nhân quyền.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cơ bản giữa năm nay và năm ngoái: vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017. Đó chính là nguồn cơn khiến giới chóp bu Việt Nam phải chìm đắm hy vọng vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA).

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam cần có toàn bộ đồng thuận của 28 quốc hội ở 28 nước châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như trắng tay.

Nhưng sau khi Nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP) – vào tháng 6/2016, EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.

Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc người Mỹ và đến nay là EU đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.

Chính sách “vào trước, bắt sau” đã được chính quyền Việt Nam chứng nghiệm một cách khá thành công trong quá khứ: sau khi đạt được vị trí thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và còn được Chính phủ Mỹ nhấc khỏi Danh sách các nước cần quan tâm dặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) mà do đó thoát khỏi một phần chế tài thương mại, chính thể Việt Nam đã “hồi tố” hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến, tổ chức một chiến dịch bắt bớ liên tục từ cuối năm 2007 đến nay.

Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, bản chất đó sẽ không bao giờ thay đổi.

Giờ đây, có vẻ kịch bản “vào trước, bắt sau” lại trở về năm 2007. Theo đó, một chủ trương của đảng cầm quyền về “hạn chế bắt phản động” ngày càng lộ rõ. Khác hẳn với 8 tháng đầu năm của năm 2017 (từ tháng Ba đến tháng Mười) liên tục bắt bất đồng, từ tháng 11 năm đó đến cuối tháng 3/2018, nhà cầm quyền Việt Nam chỉ bắt một trường hợp nhà giáo Vũ Văn Hùng – thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội giáo chức Chu Văn An, nhưng không dám quy vào tội chính trị mà chụp cho cái mũ “cố ý gây thương tích”, cho dù đến giờ công an vẫn không hề công bố được “nạn nhân bị gây thương tích” là ai.

Cho tới nay, tuy chưa có tín hiệu nào cho thấy Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2018 sẽ bớt bế tắc so với Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2017, nhưng vài tia sáng le lói lại đang lóe ra từ châu Âu. Trong buổi tiếp “đảng trưởng” Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng Ba năm 2018, Tổng thống Pháp Macron đã nêu thẳng vấn đề cải thiện nhân quyền, đồng thời Pháp cũng đôn nội dung nhân quyền lên mục thứ 2 trong Tuyên bố chung Việt – Pháp năm 2018, cao hơn hẳn vị trí chỉ là thứ 6 trong bản Tuyên bố chung Việt – Pháp năm 2013 khi Nguyễn Tấn Dũng – khi đó là thủ tướng Việt Nam – đến Paris.

Trong bối cảnh trên, một số vận động đầu tiên cho thấy mối quan tâm của Chính phủ Mỹ và phương Tây về chủ đề nhân quyền tại Việt Nam đã diễn ra:

Đầu tháng Ba năm 2018, có một cuộc gặp của Cao ủy Liên hiệp quốc tế người tị nạn với một số người nhà của tù nhân lương tâm tại Hà Nội.

Ngày 19/3/2018, Đại diện Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ và Canada tại Sài Gòn đã đến Chùa Giác Hoa gặp một số đại diện Hội Đồng Liên Tôn, ghi nhận ý kiến của các tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam nhằm có đầy đủ dữ liệu cho cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt vào tháng Năm tới.

Ngày 31/3/2018, trước khi các thành viên Hội Anh em dân chủ – một tổ chức xã hôi dân sự ở Việt Nam – bị đưa ra xét xử vào ngày 5/4/2018, gia đình các nạn nhân bị bắt đã có buổi tiếp xúc với đại diện các sứ quán Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Đức và Pháp. Các gia đình đã có lời thỉnh cầu can thiệp của cộng đồng quốc tế trước bất công mà Hội Anh em dân chủ đang phải gánh chịu. Các sứ quán đã lắng nghe và hứa sẽ can thiệp cũng như sẽ gửi đại diện đến tham dự phiên toà.

Hệ quy chiếu EVFTA

Có thể và trong một chừng mực không lớn, động thái của Pháp nói riêng và của EU nói chung sẽ tác động đến kết quả của Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2018 diễn ra tại Washington DC vào tháng Năm tới.

Nếu vào giữa năm hoặc cuối năm 2018, bản dự thảo về EVFTA được chính thức ký kết giữa Việt Nam và EU để Ủy ban châu Âu trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, mở ra hy vọng cho hiệp định này sẽ được phê chuẩn trong năm 2019 hoặc năm 2020, khoảng thời gian từ đây đến đó sẽ có thể “nhẹ nhàng” hơn đôi chút đối với nhân quyền Việt Nam, dù chưa có cải thiện đặc biệt nào. Theo đó, những cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt trong năm 2017 và vài năm sau đó sẽ không đến nỗi bế tắc hoàn toàn như năm 2017.

Nhưng nếu EVFTA bế tắc?

Bế tắc theo cái cách mà vào đầu tháng Tư năm 2018, bất chấp nhiều quan ngại từ EU, chính quyền Việt Nam đã giáng một mức án đến 66 năm tù đối với 6 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ – một tổ chức xã hội dân sự độc lập chuyên hoạt động về các quyền con người và hỗ trợ nạn nhân của thảm họa xả thải Formosa ở 4 tỉnh miền Trung…

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here