Hội Anh Em Dân Chủ (Hội AEDC) là một tổ chức tự nguyện của những người Việt Nam ở trong và ngoài nước đấu tranh bảo vệ các quyền con người và vận động xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh. Hội AEDC được thành lập ngày 24/4/2013 trên mạng xã hội facebook. Trong thời gian Hội được thành lập, và sau đó một vài năm, một loạt các hội, nhóm xã hội dân sự Việt Nam cũng đã ra đời. Đó là Hội Bầu Bí tương thân, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Nhà báo độc lập, Văn Đoàn độc lập, Hội Dân Oan Ba miền, Hội Giáo chức Chu Văn An… Như vậy, Hội AEDC ra đời cùng với nhiều hội nhóm khác, mong muốn đấu tranh, vận động để người dân có được tự do, đất nước có dân chủ. Hội AEDC cùng với các hội, nhóm khác ra đời phản ánh mong muốn của người dân có được các quyền tự do dân sự cũng như đất nước có thể chế dân chủ, nền dân chủ. Đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng của người dân.
Vậy Hội AEDC đã làm gì? Đây là những việc làm của Hội AEDC được nêu ra trong cáo trạng của Viện Kiểm sát trong phiên tòa xét xử các thành viên chủ chốt của Hội ngày 05/4 vừa qua, điều này có nghĩa là nhà nước Việt Nam xác nhận những việc làm của Hội AEDC, như sau:
1 – Tổ chức hội họp trên mạng xã hội.
2 – Có quan điểm chính trị dựa trên nền tảng kinh tế tư nhân.
3 – Mong muốn xây dựng thể chế dân chủ đa đảng với tam quyền phân lập.
4 – Kêu gọi Quốc tế lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
5 – Phối hợp và giúp đỡ bà con dân oan và anh chị em công nhân khiếu kiện.
6 – Hỗ trợ ngư dân phản đối công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải làm ô nhiễm môi trường biển 4 Tỉnh Miền Trung.
7 – Thông qua các trang mạng xã hội để quảng bá “Nhân quyền và Dân chủ” đến người dân.
8 – Kết nối quan hệ gắn bó với các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước.
9 – Tổ chức các lớp dạy tiếng Anh để thúc đẩy Việt Nam sớm có dân chủ.
Định nghĩa chuẩn trong từ điển về động từ lật đổ như sau: “lật đổ: dùng bạo lực tước đoạt quyền hành trong lĩnh vực chính trị”. Như vậy, diễn giải đúng nghĩa của tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” , điều 79 bộ luật hình sự, sẽ là: Hoạt động sử dụng bạo lực nhằm tước đoạt quyền hành của chính quyền nhân dân.
Với tất cả định nghĩa, mục đích và những hoạt động của Hội AEDC nêu trên, chúng ta đem so sánh với tội danh đã được diễn giải (Hoạt động sử dụng bạo lực nhằm tước đoạt quyền hành của chính quyền nhân dân). Câu trả lời là hoàn toàn rõ ràng, Hội AEDC không sử dụng bạo lực nhằm tước đoạt quyền hành của chính quyền nhân dân, Hội AEDC không vi phạm pháp luật, và hoàn toàn không có tội. Vậy bản chất của vụ án là gì? Đó là một nhà nước độc tài cộng sản, đàn áp những hội, nhóm vận động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam.
1/ Tâm điểm chú ý
Vụ án Hội AEDC là tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước bởi những lý do sau.
– Hội AEDC và các hội, nhóm xã hội dân sự thành lập và hoạt động phản ánh xu hướng dân chủ hóa đất nước và nguyện vọng của người dân mong muốn có tự do, dân chủ. Việc đối xử với một hội, nhóm lớn và hoạt động có bài bản như Hội AEDC chính là thái độ của nhà cầm quyền đối với xu hướng dân chủ hóa đất nước và nguyện vọng của người dân. Việc ra tay đàn áp, bắt giam và truy tố các thành viên chủ chốt của Hội AEDC chứng tỏ nhà cầm quyền đã đi ngược lại xu thế dân chủ hóa đất nước và nguyện vọng chính đáng của người dân.
– Mặc dù không phải là một tổ chức chính trị, mà chỉ là tổ chức xã hội dân sự, nhưng Hội AEDC là một tổ chức hoạt động bài bản (có ban lãnh đạo chung, có các vùng miền, có ban chuyên môn…). Đồng thời, Hội AEDC được quản lý và điều hành bởi những người hoạt động (các thành viên chủ chốt bị bắt) có uy tín, bề dày và phần lớn đều đã bị tù đày (trong số 10 thành viên chủ chốt bị bắt, tính cả thầy giáo Vũ Hùng, chỉ có hai người chưa từng đi tù). Một tổ chức như vậy, đã hoạt động được 4-5 năm nay bị đàn áp, những thành viên chủ chốt bị bắt và đưa ra xét xử đã tạo ra một sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước…
– Vụ án Hội AEDC cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của quốc tế bởi vì nó nằm trong chiến dịch đàn áp khốc liệt từ năm 2017, chiến dịch đàn áp chưa từng có của nhà cầm quyền Việt Nam trong mấy chục năm qua. Toàn bộ những vụ bắt bớ và xử án nặng nề gần 100 người trong năm 2017 đã tạo ra cú sốc đối với dư luận quốc tế. Các chính phủ và các tổ chức nhân quyền trên toàn thế giới đã lên án nặng nề, đồng thời có sự can thiệp, thậm chí đưa vào các thỏa thuận thương mại, mậu dịch với Việt Nam (ví dụ, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU). Chính vì vậy, quốc tế rất quan tâm đến vụ xét xử các thành viên chủ chốt của Hội AEDC. Mặt khác, trong các cuộc đàm phán các hiệp định thương mại trước đây, nhà cầm quyền Việt nam luôn tuyên bố sẽ nhường không gian cho truyền thông phi chính thống và các hoạt động xã hội dân sự. Trên thực tế, việc nhà cầm quyền để các hội nhóm được thành lập và đi vào hoạt động được 3-5 năm vừa qua cũng đã thúc đẩy cho việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại rất nhiều. Nhưng đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam lại đàn áp các hội, nhóm xã hội dân sự, dẫn tới việc quốc tế xem Việt Nam như một quốc gia thất tín và tráo trở.
– Sự phi lý trong việc áp đặt tội danh cho Hội AEDC. Bất kể là ai, dù trong hệ thống cai trị hiện hành, hay những người quan tâm tới tự do, dân chủ và cả các quan sát viên quốc tế đều biết và hiểu rất rõ hoạt động của Hội AEDC và các hội, nhóm khác là hoạt động ôn hòa hướng tới việc nâng cao nhân thức cho người dân về vấn đề tự do, dân chủ , những hoạt động giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ người dân, vv… Trong trường hợp thuận lợi nhất, và được nhiều người dân ủng hộ, thì những hoạt động của Hội AEDC và các hội nhóm khác cũng chỉ đạt được sự nhượng bộ từ phía nhà cầm quyền, tốt đẹp hơn nữa là việc chuyển hóa chế độ trong hòa bình (tức là tổng tuyển cử tự do). Vậy tại sao lại áp đặt cho tội danh lật đổ chính quyền nhân dân, một tội danh mà không hề ăn nhập và liên quan gì tới mục đích, mục tiêu và các hoạt động của Hội AEDC? Sự nhố nhăng và kệch cỡm của nhà cầm quyền trong việc này là hoàn toàn không có giới hạn.
2/ Đỉnh điểm phẫn nộ
Căn cứ vào những vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm, và kết quả của phiên tòa ngày 05/4/2018 xét xử các thành viên của Hội AEDC, một làn sóng phẫn nộ trong và ngoài nước đang dâng cao hơn bao giờ hết. Sự phẫn nộ của dư luận là do những người quan tâm đã nhận ra những vấn đề sau kết quả phiên tòa xét xử các thành viên của Hội AEDC.
Thứ nhất, nhà cầm quyền Việt Nam đã quyết tâm ngăn chặn xu hướng dân chủ hóa đất nước, đi ngược lại nguyện vọng, khát vọng chính đáng tự do, dân chủ của người dân. Không nghi ngờ gì nữa, nhà cầm quyền quyết tâm giữ độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản đối với đất nước tới cùng, bất chấp tất cả quy luật vận động của xã hội cũng như nguyện vọng của nhân dân. Bằng việc kết án nặng nề các thành viên chủ chốt của Hội AEDC, cũng như chiến dịch đàn áp khốc liệt suốt trong năm 2017, nhà cầm quyền không chấp nhận bất cứ một sự vận động ôn hòa nào cho việc dân chủ hóa đất nước.
Thứ hai, qua kết quả phiên tòa, thể hiện bằng mọi giá giữ vững độc quyền lãnh đạo, nhà cầm quyền cũng bất chấp mối quan hệ đối ngoại, bất chấp các hiệp định thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ qua lợi ích của các doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế để duy trì sự thống trị của mình.
Thứ ba, dù nhiều tiếng nói phê phán, nhiều phân tích về sự vô lý trong việc áp đặt tội danh không liên quan tới đối tượng, cho dù các luật sư và người bị truy tố phản bác hoàn toàn các luận cứ, dù quốc tế lên án và can thiệp, nhà cầm quyền vẫn dùng quyền uy để áp đặt những bản án bất công và nặng nề đối với các nhà hoạt động của Hội AEDC. Đồng thời, việc xử án cũng đã vi phạm nhiều quy định tố tụng cũng như việc ngăn cản người hoạt động, bắt bớ người tham dự phiên tòa vẫn diễn ra như thường lệ.
Tóm lại, thông qua vụ án Hội AEDC, nhà cầm quyền đã gửi đi thông điệp, họ sẽ chơi sát ván, chơi tất tay với nhân dân trong những giờ phút tồn tại cuối cùng của mình./.
Hà Nội, ngày 10/4/2018
N.V.B
Dân chủ không từ trên trời rơi xuống.
Ai dấn thân cho nền dân chủ của đất nuóc sẽ được tổ qioosc ghi nhớ.