Thiền Lâm – Cali Today News
Tròn một tháng sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nhiều người tạm thở phào khi vẫn chưa thấy bóng dáng của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ở Việt Nam.
Có hy vọng về một sự nhúc nhích trong quan điểm “đu dây” của giới chóp bu Hà Nội. Do quá sợ Trung Quốc.
Bởi nếu căn cứ theo truyền thống “đón tàu Mỹ trước, đón tàu Trung sau” thì sớm là nửa tuần, thông thường là một tuần và chậm là 2-3 tuần lễ sau sự hiện diện của USS Carl Vinson, Liêu Ninh phải được đón tiếp với đầy đủ lệ bộ ở cảng Đà Nẵng hoặc cảng Cam Ranh.
Dẫn chứng gần nhất về “đón tàu Mỹ trước, đón tàu Trung sau” là vào tháng Mười năm 2016, chỉ ít ngày sau khi hai tàu chiến Hoa Kỳ lần đầu trở lại Cam Ranh sau nhiều thập kỷ, hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc cũng tới cảng chiến lược này của Việt Nam.
Một số nguồn tin cho biết trong vài năm qua, phía Trung Quốc đã liên tục gợi ý với Việt Nam để tàu sân bay Trung Quốc, cụ thể là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, được chào đón ở Việt Nam. Cũng có tin cho biết Hà Nội đã cân nhắc cơ chế đón tiếp cả hai hàng không mẫu hạm của Trung Quốc và Hoa Kỳ theo truyền thống “Trung trước, Mỹ sau”. Tuy nhiên sau vụ hải quân Trung Quốc gây sức ép ở quần đảo Trường Sa và Bãi Tư Chính khiến Việt Nam phải muối mặt yêu cầu Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – câm lặng rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”, Tổng bí thư Trọng cùng Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch và một số ủy viên bộ chính trị có vẻ đã thất vọng sâu sắc trước tham vọng “được đằng chân lân đằng đầu” của Bắc Kinh, mà từ đó đã dẫn tới quyết định cử tướng Lịch cấp tốc sang Mỹ vào tháng Bảy năm 2018 để cầu viện, cùng một chút chuyển đổi tư thế “dựa Mỹ đối Trung” của Việt Nam.
Vào năm 2017, khoảng gần 2 tháng sau khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính lần đầu tiên, một viên tướng Trung Quốc là Phạm Trường Long – Phó chủ tịch Quân ủy trung ương – đã đến Hà Nội. Khi đó, tin tức từ giới truyền thông quốc tế tiết lộ là Phạm Trường Long đã đòi Việt Nam hủy bỏ hoạt động dò tìm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam -Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý). Những lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại bị vạch chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vắt chéo qua. Nhưng sau khi bị giới chóp bu Việt Nam phản đối, tướng Phạm Trường Long đã bỏ về thẳng mà không ở lại dự “giao lưu quân đội Việt – Trung”.
Còn vào năm 2018, khi nổ ra “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần thứ hai, không phải Phạm Trường Long mà chính là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh – được hàng chục tàu chiến hộ vệ – đã lừ lừ tiến vào Biển Đông để tập trận như một sự răn đe đối với Việt Nam. Hành động này cũng như muốn phát đi thông điệp rằng Trung Quốc không ngán Mỹ và cái bóng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở Đà Nẵng chẳng là gì cả.
Nếu hàng không mẫu hạm Liêu Ninh không vào Việt Nam ngay trong tháng Tư năm 2018, và cũng không trong các tháng sau đó, thì sao?
Khi đó, bắt đầu có thể tin rằng giới chóp bu Việt Nam đã phần nào thoát khỏi trạng thái “đu dây” dễ té lộn ngược, để nhìn lại vài phát ngôn ẩn ý về “tàu Mỹ đi qua Biển Đông vô hại” của Bộ ngoại giao Việt Nam từ đầu năm 2016 đến nay, cùng việc giới quân sự Việt Nam đã âm thầm đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa từ giữa năm 2016 để đối phó với việc Trung Quốc bố trí tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Và gần đây nhất, có vẻ Việt Nam đang cố gắng “dựa Mỹ” để bảo vệ chủ quyền khai thác dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Đà Nẵng – mỏ dầu khí có trữ lượng lớn nhất ở Việt Nam mà hứa hẹn sẽ đổ vào nền ngân sách đang mau chóng cạn kiệt đến 20 tỷ USD, nếu việc hợp tác với hãng dầu khí Mỹ Exxonmobil không bị “người đồng chí tốt” Trung Quốc cấm đoán và đe dọa tấn công.
Nhưng cho dù thoát được Liêu Ninh, giới chóp bu Việt Nam vẫn phải đối mặt với một nguy cơ mới: Tối hậu thư từ Vương Nghị.
Chuyến đi Hà Nội của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diễn ra vào cuối tháng Ba năm 2018, chỉ khoảng một tuần sau “nỗi nhục Bãi tư Chính lần 2”.
Vương Nghị đã nói trắng ra: “Đôi bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển”.
Kết hợp với những tin tức trong vòng một năm qua về “hợp tác hàng hải” giữa Việt Nam và Trung Quốc, bản chất của những va chạm giữa hai chế độ “anh em” này chỉ là dầu khí và quyền được khai thác dầu khí.
Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng Việt Nam cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của “Hoàng đế Tập Cận Bình”.
Leave a Comment