Tháng Ba năm 2018, “nỗi nhục quốc thể” mang tên Bãi Tư Chính, lại thêm một lần nữa được lý giải “lùi một bước để tiến ba bước”.
Nhưng khác với bi kịch tháng Bảy năm 2017 khi phải “giương cờ trắng” ở mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam, lý do việc hãng Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực mà Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam” – phải câm lặng rút khỏi dự án này lại đang được một thế lực chính trị nào đó quy kết vào chính Repsol.
Tháng Ba năm 2018, khoảng một tuần sau vụ Repsol phải ngừng khai thác mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại xuất hiện ở Hà Nội như một cách dằn mặt giới chóp bu Việt Nam.
Cùng lúc, một ý kiến xuất hiện trên đài BBC Việt ngữ về “Có nguồn tin nói rằng là phía đối tác Repsol chịu tác động của Trung Quốc và có đề nghị phía Việt Nam cho tạm dừng dự án khoan dầu lại. Về phía Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, người ta cũng đồng ý thôi. Thế nhưng trước khi đồng ý, người ta cũng có ý kiến xin phép ở đâu đó, cấp trên nữa thì bảo rằng đó là việc của doanh nghiệp. Người ta đồng ý cho tạm dừng, nhấn mạnh tạm dừng, không phải dừng toàn bộ hay là hủy, chứ không thể hủy được”.
Ý kiến trên là của TS. Hà Hoàng Hợp ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp lại không nói rõ về “nguồn tin” ở trên là nguồn nào, hoặc ít nhất là nguồn tin này có độ khả tín đến mức độ nào.
Trong khi đó, chính một phóng viên của BBC News là Bill Hayton – người đầu tiên phát đi tin tức về vụ Repsol phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, cho tới nay vẫn không nêu ra bất kỳ một dấu hiệu hay biểu nào cho thấy Repsol đã bị áp lực bởi Trung Quốc để phải rút lui như vậy.
Vụ rút lui thứ hai liên tiếp trong vòng 9 tháng của Repsol khỏi Bãi Tư Chính đã khiến báo giới và dư luận quốc tế bắt đầu quan tâm – tò mò hoặc chờ đợi về cách xử thế của Hà Nội trước sức ép ngày càng lộ liễu và hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, để xem rốt cuộc Hà Nội sẽ vẫn ôm chặt “bạn vàng” và để ngư dân của mình bị bắn giết bởi “tàu lạ”, hay sẽ phải đưa ra lời mời mọc cụ thể hơn với lực lượng hải quân Mỹ để Việt Nam có thể khai thác dầu mà không quá lo sợ Trung Quốc. Nhưng đến nay vẫn không có một tờ báo quốc tế nào đưa tin về việc Repsol bị Trung Quốc gây sức ép.
Trong khi không có bằng chứng nào cho thấy Repsol bị Trung Quốc gây sức ép, một số tờ báo quốc tế lại đã đăng tin về việc có đến 200 tàu chiến và tàu hải giám Trung Quốc bao vây khu vực Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017 như một chiến thuật khủng bố tâm lý chính thể Việt Nam. Khi đó, còn có thông tin về việc Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính.
Trong thực tế, đã rất rõ là không phải Repsol, mà chính giới chóp bu Việt Nam mới là đối tượng bị “bạn vàng” gây áp lực về chính trị và quân sự để phải mang nỗi nhục “giương cờ trắng” đến hai lần vào năm 2017 và 2018.
Cần nhắc lại, trước nỗi nhục đầu tiên ở Bãi Tư Chính vào năm 2017, đã không một tờ báo nhà nước nào dám lên tiếng, mà nguyên nhân đủ sâu xa là Bộ Chính trị Việt Nam đã không muốn hoặc không dám có một phản ứng nào trên mặt truyền thông về vụ việc đáng xấu hổ đó.
Nhưng cũng vào thời gian trên, một số dư luận viên – những kẻ ăn lương của đảng và của công an – lại tung ra lý lẽ “đảng ta luôn lãnh đạo sáng suốt và tài tình” để “lùi một bước để tiến nhiều bước”…
Kết quả của lý lẽ trên cho tới nay đã chứng nghiệm quá rõ về nhân quả. Hèn nhát bao giờ cũng chỉ là hèn nhát không hơn không kém. Cái hậu của vụ Bãi Tư Chính lần đầu đã dẫn đến hậu quả Bãi Tư Chính lần 2, và có thể còn nhiều lần nữa.
“Lùi một bước để lùi thêm nhiều bước”.
“Bản lĩnh Việt Nam” đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ quyền của mình!
Năm 2017, “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc đã thêm một lần nữa khiến giới chính trị “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng” trắng mắt. Trong nhiều nỗi nhục trên đời, có lẽ nỗi nhục thuộc loại tận cùng nhất là bị kẻ thù cầm tù ngay trong nhà mình.
Với hai lần nỗi nhục Bãi Tư Chính năm 2017 và 2018, chính sách cùng chiến thuật “đu dây” của Việt Nam với Trung Quốc lẫn phương Tây đã chính thức phá sản. Sẽ chỉ còn lại một chút may mắn nếu Trung Quốc không tấn công Việt Nam trên Biển Đông trong tương lai gần.
Vì nếu xung đột quân sự nổ ra, không hiểu trong cám cảnh “ngư dân bám biển, hải quân bám bờ”, một “quân đội nhân dân Việt Nam” tiêu xài đến hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền đóng thuế của dân sẽ đánh chác ra sao, hay sẽ rùng rùng một đám quan chức lớn nhỏ đua nhau ôm vàng và kim cương nhảy lên máy bay “ra đi tìm đường cứu nước”, bỏ mặc một tổ quốc tan hoang bởi nạn tham nhũng, đầy rẫy thân phận người nghèo khốn khó và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…./.
Leave a Comment