Mình rót một chén nước tương Nhật, chị chê ăn hổng ngon bằng chai nước tương Việt Nam. Chị nói chai nước tương của VN đậm màu hơn, nó keo hơn, đậm đà hơn, thơm hơn. Chị nói đúng hết, hổng sai.
Mình nấu một món ăn bình thường nhưng theo đúng vị và đúng công thức như nó vốn là. Bạn nói hổng ngon như chỗ này chỗ kia ở tiệm.
Mình pha ly cà phê, anh nói hổng có màu, hổng thơm, hổng đậm đặc như ở quán.
…
Mình kêu chị ngửi xem nước tương Nhật và nước tương Việt cái nào có mùi của hạt đậu nành? Chị nói của Nhật. Mình mới giải thích chị nghe mùi của đậu nành ủ lên men không thể thơm như mùi của hương liệu. Nhưng dù hương liệu có nặng mùi cỡ nào thì đó vẫn là mùi của hương đậu nành chứ không thể thơm được như mùi của đậu nành ủ. Vì nước tương Việt có rất ít hoặc không có đậu nành nên người ta phải thêm hương liệu và cho thêm gelatin để tạo độ keo, kèm theo đó là rất nhiều hoá chất để cho nó giống nước tương và bảo quản.
Trong cách chế biến và thưởng thức các món ăn, mỗi món đều phải mang một vị và hình thức đặc trưng mà chỉ cần nhìn vào nguyên liệu trên bàn người ta đã biết đó là món gì, hoặc khi đem món ăn lên bàn, nhìn vào mà chưa cần ăn hoặc không cần giới thiệu người ta phải biết nó là món gì. Khi ăn vào miệng, nó phải có những vị đặc trưng riêng mà không lẫn vào các món khác. Ví dụ, cùng là cà tím nhưng nướng và chiên là hai cách khác nhau cho mùi vị khác nhau. Sườn chua ngọt phải khác với sườn chiên sốt cà.
Ly cà phê cũng vậy, cà phê mộc rang xay chỉ thêm chút bơ thì chỉ cho mùi thơm vừa phải, độ sánh không có, màu nâu nhẹ. Uống với đá thì…như uống trà đá vì nó lễnh loãng. Cà phê có 3 phần cà phê cộng 7 phần bắp hoặc đậu rang cháy để tạo màu đen, cộng hương liệu mùi cà phê, cộng một mớ hoá chất để tạo bọt tạo độ sánh, độ đắng nữa…tất tật những thứ đó cho ra ly cà phê tạo ảo giác ăn đứt ly cà phê mộc. Và người ta chê cà phê mộc chả ngon lành gì.
Mình dân đầu bếp chuyên nghiệp nên khó tính trong nấu nướng và cả ăn uống. Nhiều người bảo mình nguyên tắc. Mình cười cười, “Nếu không giữ nguyên tắc thì mọi thứ sẽ trộn lẫn và không còn cái gì ra cái gì.” Người ta lại bảo, “Nhưng mà giữ nguyên tắc thì thành ra khó quá.”
Mình pha cho chị ly cà phê arabica nguyên chất, hỏi chị uống xong có thấy bị nặng ngực, say, khó thở không? Chị uống xong bảo không bị. Mình bảo, thật ra cái cảm giác thấy nặng ngực, khó thở và hồi hộp, ợ khan..mà người ta hay gặp khi uống cà phê 10 ngàn một ly hoặc uống cà phê gói không phải do say cà phê vì có cà phê đâu mà say, đó là hóa chất tẩm ướp. Cơ thể dị ứng, phản đối nên gây ra các hiện tượng như vậy. Hãy cảm thấy may mắn khi cơ thể còn biết phản đối.
Hồi trước, tôi lặn lội ra Ninh Thuận, mua được ít dưa hấu không hóa chất đem về bán. Vì dưa hấu không hóa chất không ngọt lìm lịm, không đỏ tới da, không thể to bự như dưa bơm thuốc lúc trồng. Dưa hấu chỉ ngọt thanh, có vị hơi chua ở gần vỏ, trái có to có nhỏ, màu đỏ tươi chứ không sắc thẫm. Trong khi người ta đã ăn quen dưa hóa chất nên khi ăn dưa không hóa chất thì ai cũng chê không ngon.
Tôi có thể ngồi kể ra hàng trăm cái ví dụ khác nữa tương tự như các trường hợp ở trên để thấy phần đông người Việt hiện nay không còn biết cái gì là thật và cái gì là giả, khẩu vị đã bị đánh lừa quá lâu nên nó bị biến đổi một cách quái dị theo định hướng của những kẻ bất lương vì đồng tiền mà giả dối bất chấp lương tâm.
Cái giả lên ngôi, lấn át cái thật và làm cho cái thật trở thành đồ rất ít người dùng. Tôi có thể ăn sườn chiên sốt cà, nhưng tôi cực lực phản đối gọi tên nó là sườn chua ngọt. Tôi có thể uống ly nước bắp rang thay cho ly cà phê nhưng gọi ly nước đó là cà phê thì tôi thấy đó là một sự sỉ nhục.
Chị hỏi tôi, “Ừa, biết thế rồi, giờ làm sao có thể thay đổi?” Với một người, tôi có thể giúp để hướng dẫn họ lại cái nào là vị chuẩn, cái nào là thật cái nào là giả. Còn với số đông thì chỉ có cách thay đổi xã hội. Phải xây dựng được một xã hội mà cái giả, cái bất lương, sự đánh tráo phải bị trừng trị thích đáng thì dần dần sau vài chục năm mới có thể có được những nhận thức đúng ngay từ khẩu vị cho tới những cái lớn hơn.
Leave a Comment