Mai Linh – Web Việt Tan |
Theo truyền thông trong nước, ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Pháp từ ngày 23 đến 27 tháng 3 là do lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm đánh dấu 45 năm (1973-2018) thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Pháp và 5 năm hai phía đặt quan hệ “đối tác chiến lược”. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm này chỉ được loan tải vài ngày trước khi phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng lên đường.
Qua tường thuật của các báo thì ông Nguyễn Phú Trọng đã có các buổi hội kiến với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội và một vài tổ chức Pháp đã từng ủng hộ CSVN trong cuộc chiến trước đây. Nhìn qua nội dung loan tải và nhất là cung cách đón tiếp rất tẻ nhạt từ phía Pháp, cho thấy là chuyến đi của ông Trọng không được chính giới Pháp chú ý.
Nói cách khác là chuyến thăm Pháp của ông Trọng không đúng thời điểm và phía Pháp chưa sẵn sàng đón tiếp một nhân vật cao cấp của Việt Nam trong lúc này. Sự kiện nhà cầm quyền CSVN phải trả số tiền 150 ngàn Euro để nhờ Nhật Báo Le Monde đăng tải bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng với tựa đề “Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt – Pháp” cho thấy là phía CSVN đã cố vận động để Pháp đón tiếp ông Trọng.
Điều này cho thấy là chuyến viếng thăm Pháp của ông Trọng hoàn toàn là do phía CSVN chủ động liên lạc và sắp xếp với Pháp nhằm vào 2 mục tiêu.
Thứ nhất, phía Hà Nội muốn tạo sự quan tâm của dư luận Liên Âu về Việt Nam sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh dẫn đến việc đông lạnh quan hệ đối tác chiến lược với Đức từ tháng 8 năm 2017 cho đến nay. Nói cách khác là trong gần 1 năm qua, hình ảnh CSVN đối với Liên Âu là một chính phủ không những bất tuân luật pháp quốc tế mà còn là tập đoàn ngoan cố khi không có bất cứ lời nói hay hành động hối lỗi về vụ bắt cóc này. Ông Trọng và lãnh đạo CSVN mong rằng qua chuyến viếng thăm Pháp, truyền thông Âu Châu sẽ nhắc đến Việt Nam để qua đó phần nào tác động lên chính giới Liên Âu về Hiệp Uớc Thương Mại Tự Do EU-VN.
Thứ hai, việc chọn đến thăm Pháp thay vì đến một nước nào đó trong khối Liên Âu, ông Trọng và lãnh đạo Hà Nội muốn qua Pháp làm trung gian nối lại các quan hệ với Đức. Cho đến nay, Đức vẫn còn bảo lưu quyết định rằng khi nào CSVN trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì mới bình thường quan hệ trở lại. Điều này quả rất khó vì ông Trịnh Xuân Thanh đã bị đến 2 án chung thân. Ông Trọng không thể ra lệnh “ngưng thi hành án” để cho ông Thanh ra đi theo yêu cầu của Đức. Hiện tại Đức và Pháp là hai nước trụ cột ở Liên Âu, do đó ông Trọng nghĩ rằng vận động được cảm tình của nước Pháp thì chính quyền Tổng thống Macron có thể giúp nói với chính phủ Đức một tiếng để làm nhẹ đi sự căng thẳng giữa Hà Nội và Berlin hiện nay.
Có thể nói ông Trọng là người đã gây ra tình trạng tê liệt ngoại giao giữa Đức và CSVN chỉ vì thái độ ngạo mạn và say mê chiến dịch đốt lò mà không màng gì đến những hậu quả làm ảnh hưởng tai hại đến những quan hệ quốc tế.
Khi ông Trọng coi việc bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh với bất cứ giá nào, cho thấy là lãnh đạo CSVN coi việc trả thù và tiêu diệt phe nhóm lẫn nhau đứng cao hơn quyền lợi của đất nước. Chính những tác hại đó đang làm cho chính ông Trọng đứng ngồi không yên vì Hiệp ước Thương mại tự do với Liên Âu khó có thể được ký kết trong năm 2018.
Leave a Comment