ĐỒNG HÀNH CÙNG HỘI ANH EM DÂN CHỦ (HAEDC)
Ngày 5 tháng 4 năm 2018 tới đây CSVN mở phiên sơ thẩm đối với 6 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, gồm: Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Kỹ Sư Phạm Văn Trội, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Ký Giả Trương Minh Đức, Blogger Nguyễn Bắc Truyển và cô Lê Thu Hà.
Xin hãy đồng hành cùng 6 anh chị em trên vì ĐÒI HỎI DÂN CHỦ KHÔNG PHẢI LÀ TỘI.
Hiện giờ loạt ảnh có nhiều người tham gia chụp hình với biểu ngữ “Dân chủ không phải là tội“/”Democracy is not a crime“.
Trang sẽ tiếp tục cập nhật…
#HAEDC
***
Vài hàng giới thiệu về 6 anh chị em trên
(Nguồn: Hội Anh Em Dân Chủ)
NGUYỄN VĂN ĐÀI – MỘT LUẬT SƯ ĐẦY NHIỆT HUYẾT
Ông Nguyễn Văn Đài sinh năm 1970 tại Thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình công chức. Ông từng làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Đức, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông trở về Việt Nam năm 1990 và theo học tại Đại học Luật Hà Nội.
Ông thành lập và làm giám đốc Công ty TNHH Dịch thuật và Tư vấn Việt Luật; đồng thời là Trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Ân, có trụ sở tại số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội. Tháng 4 năm 2004, ông cùng với 11 luật sư thành lập nhóm “Luật sư Vì Công lý”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từng bảo vệ nhiều vụ án nhân quyền và tôn giáo như vụ xử Mục sư Nguyễn Hồng Quang và nhà truyền đạo Phạm Ngọc Thạch năm 2004…. Ngoài ra ông Đài đã viết một số bài nghiên cứu luật học về các quyền tự do chính trị ở Việt Nam. Trong một bài viết năm 2006, ông khẳng định rằng tuy Điều 4 của Hiến pháp 1992 của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng nó không ngăn cấm công dân Việt Nam thành lập các chính đảng mới.
Luật sư Nguyễn Văn Đài đã góp phần đáng kể cho sự ra đời của Khối 8406 và Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006. Ban đầu nhóm chỉ có 118 thành viên là người Việt trong nước. Đến ngày 22 tháng 8 năm 2006, số thành viên công khai đã lên đến 1951 thành viên là người Việt trong nước. Ngoài ra, nhóm cũng đã có 3881 thành viên công khai là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Cùng với 139 chính khách quốc tế bao gồm đại diện các tổ chức, 50 nhân sĩ Hiến chương 77 Tiệp Khắc và 50 dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã hỗ trợ cho sự ra đời của các tổ chức công nhân và bảo vệ nhân quyền như “Công đoàn Độc lập”, “Ủy ban Nhân quyền Việt Nam”, “Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam”. Trước khi bị bắt, ông làm biên tập viên cho báo Tự do dân chủ và cộng tác viên của báo Tự do ngôn luận.
Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tổ chức xong Hội nghị Thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm 2006, khoảng hai mươi nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo đã bị bắt và truy tố. Ngày 3 tháng 2 năm 2007, công an đã khám xét văn phòng của luật sư Thiên Ân trong khi luật sư Lê Thị Công Nhân (cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài) đang giúp cho một số sinh viên tìm hiểu về nhân quyền, tịch thu các tài liệu của ông. Tòa Án Hà Nội sau đó đã cáo buộc ông tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, xử tù 4 năm và 4 năm quản chế.
Luật sư Đài đã được nhận giải thưởng nhân quyền Hellman-Hemmet của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Giải Nhân quyền Việt Nam 2007 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.
Ông từng nhiều lần bị sách nhiễu, giam lỏng tại nhà và đánh đập. Đặc biệt, vào ngày 10/12/2015, luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều nhà hoạt động khác trên đường về Hà Nội đã bị công an thường phục tỉnh Nghệ An chận xe đánh đập gây thương tích nặng sau buổi nói chuyện về nhân quyền nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10 Tháng 12 tại tư gia của nhà hoạt động Trần Hữu Đức ở huyện Nam Đàn, Hà Tĩnh. Nhóm công an này đã lột hết quần áo, lấy tiền bạc, điện thoại di động của luật sư Đài và bỏ ông xuống đường cách nơi hội thảo 50 km.
Ngày 16.12.2015 luật sư Nguyễn Văn Đài một lần nữa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Ông bị bắt trên đường đi gặp đoàn đối thoại nhân quyền EU. Sau đó, ông bị chuyển tội danh sang điều 79-BLHS, tội ‘’hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’’.
Bà Champa Patel, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nói: “Nguyễn Văn Đài là một nhà hoạt động dũng cảm và đầy nhiệt huyết, người đã nâng cao nhận thức trong nước và quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền ở một quốc gia mà không chấp nhận bất đồng chính kiến. Việc bắt giữ luật sư Đài càng nhấn mạnh rằng những cam kết của Việt Nam về nhân quyền là giả dối. Luật sư Đài phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.”
Tuy đang bị Việt Nam khởi tố, tạm giam, ông Đài được tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao giải Nhân quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Đức vào ngày 5 tháng 4 năm 2017.
ĐÔI NÉT VỀ MỤC SƯ NGUYỄN TRUNG TÔN
Mục Sư Nguyễn Trung Tôn sinh năm 1971 trú tại thôn Yên Cổ, xã Quãng Yên, huyện Quãng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Ông xuất thân là một tín đồ Tin Lành, tuy nhiên nhóm đạo nơi ông tham gia sinh hoạt thường xuyên bị nhà cầm quyền và an ninh sách nhiễu, ngăn cản và đánh đập. Vì vậy, suốt nhiều năm liền ông đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo tại địa phương.
Trong quá trình tranh đấu đó, ông ý thức được quyền tự do tín ngưỡng của ông bị xâm hại xuất phát từ việc đất nước thiếu dân chủ, tự do. Vì vậy, ông chuyển qua đấu tranh cho công bằng xã hội, quyền con người, chống lại các hành vi lạm quyền của cơ quan công quyền.
Ông là một blogger bất đồng chính kiến, và cũng là thành viên sáng lập của các tổ chức xã hội tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hoá. Cho đến thời điểm bị bắt 30/7/2017, ông đang là chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ.
Ông nhiều lần bị lực lượng an ninh đánh đập, hành hung. Đặc biệt là ngày 27/02/2017, ông và cộng sự là Nguyễn Viết Tứ bị lực lượng mật vụ bắt cóc tại huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Những người này đã cướp hết tài sản, lột hết quần áo và thay phiên nhau đánh đập suốt nhiều giờ tại một khu rừng vắng. Hậu quả là ông bị nội thương vùng ngực và bụng, hai chân bị đứt gân và dây chằng phải đi phẫu thuật.
Vào ngày 30 tháng 7 năm ngoái, ông lại bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt cùng với một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ khác gồm các cựu tù chính trị Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển. Tất cả bị cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2011, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn từng bị Tòa tại Nghệ An kết án 2 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88.
GIỚI THIỆU VỀ CÔ GIÁO LÊ THU HÀ
Lê Thu Hà sinh năm 1982, là cô giáo dạy tiếng Anh ở Quảng Trị.
Hà sinh ra trong một gia đình “cộng sản nòi”. Cả gia đình chị từ ông bà nội ngoại, cô dì chú bác đều đã hi sinh cống hiến cho sự nghiệp “đánh giặc cứu nước vĩ đại”. Ba của chị từng là Trợ lý cục chính trị quân khu 4.
Với lý lịch như thế, cùng với trình độ tốt nghiệp đại học như chị, nếu chịu “an phận” chắc chị đã có một tương lai ổn định và tốt đẹp. Thế nhưng chị đã chọn con đường chông gai, chỉ vì không thể nhắm mắt trước những bất công của xã hội.
Cô giáo Lê Thu Hà tham gia vào Hội Anh Em Dân Chủ ngay từ những ngày đầu thành lập với vai trò là giáo viên dạy tiếng anh cho các thành viên trong Hội.
Bên cạnh đó, Lê Thu Hà còn phụ trách dịch thuật các báo cáo về việc vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Lê Thu Hà đồng thời là trợ tá cho quyền chủ tịch HAEDC lúc bấy giờ là anh Nguyễn Văn Đài.
Lê Thu Hà đã hoàn thành khóa học về Xã hội dân sự do Voice tổ chức tại Philipin vào năm 2014. Sau khi hoàn thành khóa học, về Việt Nam Hà bị cấm xuất cảnh và bị công an Việt Nam theo dõi ngay từ đó.
Năm 2015, Hà được mời đi Thụy Điển để tham gia cuộc hội thảo về Nhân quyền. Trong khi lên đường sang Thụy Điển thì Hà bị công an Việt Nam chặn bắt lại ở sân bay Nội Bài, Hà Nội và bị tịch thu luôn hộ chiếu.
Ngày 16/12/2015 cô giáo Lê Thu Hà bị an ninh Việt Nam bắt cùng với luật sư Nguyễn Văn Đài với cáo buộc ‘’tuyên truyền chống nhà nước’’ theo điều 88-BLHS. Đến giữa năm 2017, những cáo buộc dành cho cô giáo Hà và luật sư Đài bị chuyển sang điều 79-BLHS, ‘’tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’’.
Leave a Comment