Tổng Thống Trump nói một câu để đời: “Chiến tranh mậu dịch tốt, và đánh rất dễ thắng.” (Trade wars are good, and they are easy to win). Câu này sẽ được ghi vào lịch sử môn kinh tế học, khi người ta bàn về mậu dịch tự do. Bởi vì hầu hết những người nghiên cứu kinh tế nghĩ ngược lại.
Ông tổng thống Mỹ đã cho thổi kèn bắt đầu cuộc chiến tranh mậu dịch với chính phủ Cộng Sản Trung Quốc, và Bắc Kinh đã đáp lễ bằng những những tiếng kèn thúc quân của họ. Chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế trên $60 tỷ đô la hàng nhập cảng từ nước Tàu. Trung Cộng dọa trả đũa trên hàng mua từ nước Mỹ, khoảng $6 tỷ đô la. Ai biết đọc con số cũng biết $6 tỷ chỉ lớn bằng một phần mười của $60 tỷ!
Ngay trong tiếng kèn thúc quân mở đầu trận đánh, Trung Cộng đã có vẻ “nhân nhượng!”
Trong thực tế, Trung Cộng chỉ “có vẻ nhân nhượng” mà thôi. Vì đánh $6 tỷ mà đúng tử huyệt thì cũng đau không thua gì $60 tỷ không đúng chỗ hiểm.
Để thấy những phát súng của chính phủ Mỹ đánh trên hàng nhập từ nước Tàu có thể “trật tiêu điểm” như thế nào, chúng ta thử coi một món hàng Tàu có thể bị Mỹ đánh thuế, là những dụng cụ thông tin điện tử. Chẳng hạn cái máy điện thoại di động gọi là “tinh khôn – smart” của hãng Apple: Cái iPhone.
Nhưng trong giá trị 179 đô la này, lục địa Trung Hoa không được hưởng hết. Phần lớn những thứ “trị giá” trong chiếc điện thoại là các bộ phận điện tử mua từ nước khác, đem vô Trung Quốc. Những bộ phận này sản xuất từ Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia, và từ nước Mỹ. Trong trị giá 179 đô la Mỹ này, chỉ có 7 đô la được trả cho người Tàu lục địa, đó là công lắp ráp, cộng với các thứ thuế mà công ty Foxconn phải trả cho chính phủ Trung Cộng. Tất nhiên công ty Foxconn ở Đài Loan không qua lục địa làm việc phước thiện. Họ cũng phải ăn lời trong số 7 đô la đó. Nếu họ chỉ ăn 1 đô la mỗi cái phôn thì dân lục địa chỉ còn hưởng 6 trong số 7 đô la kể trên.
Còn 172 đô la đã được trả cho những nước khác. Nhưng ngay trong các thứ có trị giá 172 đô la mà Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia, vân vân, được chia phần, các nước đó cũng không hưởng hết. Bởi vì họ được công ty Apple đặt làm các bộ phận này; họ cũng vẫn phải trả tiền bản quyền, còn gọi là “quyền sở hữu trí tuệ” cho công ty Apple ở nước Mỹ!
Tóm lại, khi nước Mỹ “nhập” một cái iPhone từ Quảng Đông về Los Angeles chẳng hạn, trong sổ sách ghi rằng “Mỹ nhập cảng 179 đô la hàng từ nước Tàu;” nhưng trong thực tế nước Tàu hưởng chỉ có 6 đến 7 đô la mà thôi. Có lúc những cái điện thoại iPhone chiếm 8 phần trăm số hàng Mỹ “nhập cảng” từ Trung Quốc. Thay vì tính giá trị đúng là 6 đô la người ta coi nó có giá trị 179 đô la, khiến cho trị giá hàng Tàu nhập vào Mỹ lên rất cao – trong khi công ty Apple hưởng gần hết! Tất nhiên trong số 500 đô la giá bán, Apple phải chia phần cho các cửa hàng bán lẻ, chứ không thể một mình ăn hết! Nếu bây giờ chính phủ Mỹ đánh thuế nhập từ cuộc Tàu cao hơn, Apple chỉ việc chuyển công việc lắp ráp qua xứ khác, nhiều nơi đồng lương công nhân hiện còn rẻ hơn bên Tàu.
Cho nên chính phủ Mỹ có thể “đánh lầm mục tiêu” khi tăng thuế quan trên nhiều món nhập cảng từ nước Tàu. Quả đạn “tăng thuế” này không làm Trung Cộng đau bao nhiêu, nhưng các nước chung quanh đang lo bị lãnh đạn. Thứ Bảy tuần trước, tôi tới Thái Lan, mở tờ báo ra đọc bản tin ông bộ trưởng thương mại nước Thái họp báo tuyên bố hàng xuất cảng của Thái Lan trong năm nay sẽ giảm, vì chính phủ Mỹ đánh thuế trên hàng Trung Quốc! Nếu nước Tàu phải giảm số bán hàng điện tử và thông tin qua Mỹ vì thuế tăng, thì họ cũng sẽ bớt không mua các bộ phận do các nhà máy ở Thái Lan cung cấp! Ông bộ trưởng Thái Lan phải họp báo để trấn an dân chúng trước mối nguy hiểm “Mỹ đánh Trung Quốc” trong trận chiến mậu dịch!
Có thể nói rằng khi mở màn cuộc chiến tranh mậu dịch với Trung Cộng chính phủ Mỹ đã chọn lầm vũ khí, là tăng thuế nhập cảng trên hàng Tàu. Và với thứ vũ khí đó, lúc đầu họ đã chọn lầm mục tiêu để phát pháo, là thép và nhôm.
Phát súng mở đầu là lời đe dọa đánh thuế nhập cảng trên thép và nhôm. Như đã trình bày trong mục này các kỳ trước, đánh thuế đó sẽ gây thiệt hại cho các nước đồng minh của Mỹ, chứ không đánh trúng nước Tàu. Vì thế, chính phủ Mỹ đã cho “rút quân,” cho Canada và Mexico được miễn, sau đó lại cho các nước Châu Âu được thoát không bị đánh. Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, chắc sẽ được miễn nữa. Trong thực tế, số thép Mỹ nhập cảng của Trung Quốc còn ít hơn số mua từ Đài Loan hay Việt Nam!
Khi nêu ý định tấn công vào thép và nhôm của Trung Cộng, chính phủ Mỹ đã tấn công vào mấy thành trì mà đối phương đang muốn bỏ! Nếu vì bị đánh thuế mà Trung Cộng ngưng không bán gần một triệu tấn thép qua Mỹ nữa, thì con số giảm đó không đáng bao nhiêu so với số sản xuất mà chính phủ Trung Cộng đang muốn tự cắt bớt, hàng trăm triệu tấn thép năm năm sắp tới!
Tấn công vào thép và nhôm là đánh vào những cái thành sắp bị bỏ trống. Vì Cộng Sản Trung Quốc đã muốn chuyển hướng nền kinh tế, ít nhất cũng từ năm, bảy năm qua, trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Họ đã học được bài học về những chiếc iPhone!
Khi bắt đầu học làm kinh tế theo lối tư bản, Trung Cộng đã tập trung sức vào những hàng rẻ tiền để xuất cảng như quần áo, đồ chơi; và các ngành công nghiệp nặng như thép, nhôm. Tiến lên một bước, họ “sản xuất” những hàng “cao cấp” hơn, như đồ điện tử. Nhưng ngay cả khi bán iPhone, nước Tàu cũng chỉ được hưởng có 6 trong số 179 đô la “xuất cảng” và 500 đô la giá bán lẻ. Thấy bài học đó, Cộng Sản Trung Quốc đã chuyển hướng. Họ phát triển sản xuất trong những ngành mang lại giá trị cao hơn công việc lắp ráp những thứ như iPhone.
Trung Cộng đã chuyển hướng từ hàng chục năm nay. Nhiều ngành sản xuất nhắm vào hàng tiêu thụ, từ máy móc dùng trong nhà cho đến đồ điện tử tự sáng chế. Nhiều ngành dịch vụ mới ra đời, từ bán lẻ trên mạng cho tới gửi tiền, chuyển tiền qua điện thoại. Đó là những ngành “công nghiệp mới” trong kinh tế Trung Quốc, dù đã là “cũ” đối với Mỹ hay Châu Âu. Nhưng Trung Cộng đã dứt khoát chuyển hướng kinh tế: Đổi các món xuất cảng, giảm bớt phần xuất cảng, nhắm gia tăng tiêu thụ trong nội địa.
Trung Cộng đang xuất cảng nhiều món hàng có giá trị hơn việc lắp ráp iPhone. Họ đang bán đường xe lửa cao tốc (CRRC), bán các hệ thống truyền thông (Huawei), máy bay không người lái (DJI) và “pin điện” tối tân (BYD). Những món đó thường không bán qua Mỹ, cho nên khó tăng thuế nhập cảng!
Cho nên tấn công vào ngành Trung Cộng xuất cảng qua Mỹ bây giờ là đánh vào những chỗ mà quân địch cũng đang muốn rút. Năm 2005, hàng xuất cảng còn chiếm 35% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) Trung Quốc. Lúc đó, đánh vào hàng xuất cảng sẽ làm kinh tế nước Tàu lao đao. Ngày nay, xuất cảng chỉ còn chiếm 18% GDP nước Tàu.
Trong khi đó, Trung Cộng có thể chọn những mục tiêu tấn công khi muốn đánh trả đũa chính phủ Mỹ. Đánh thuế nhập trên thịt bò, trên đậu nành, bắp, hạt hạnh nhân, vân vân, sẽ ảnh hưởng tới khối cử tri ủng hộ Tổng Thống Trump ở vùng Trung Tây. Bỏ không mua máy bay Boeing, mua của AirBus, sẽ làm chấn động Wall Street. Trung Cộng được lợi thế vì chọn mục tiêu dễ dàng, mà đánh vào đâu cũng biết trước gây ảnh hưởng rõ rệt. Hiện nay Bắc Kinh chưa nói chi tới đậu nành cũng như máy bay Boeing. Họ còn để đó chờ lúc nào cần leo thang sẽ leo. Không biết chính phủ Mỹ đang có kế hoạch nào để đối phó.
Sự thật là chiến tranh mậu dịch có hại, cho cả hai bên lâm chiến và những nước chung quanh; và đánh rất khó thắng, có thể nói bên nào cũng thiệt hại nhiều hơn lợi. Đó là bài học mà nước Mỹ đã chiêm nghiệm một thế kỷ trước đây, và đã đem ra dạy cả thế giới!
Leave a Comment