Trên trang nhà BBC Việt Ngữ tuần lễ đầu tháng 3, 2018 vừa qua, Luật sư Ngô Ngọc Trai đã có một bài viết cho rằng muốn có dân chủ và đất nước cường thịnh không nhất thiết phải giải thể chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) hiện nay vì nếu đặt lợi ích của người dân trong nước lên trên hết, thì phải thấy rằng: “… mục tiêu của những người dân chủ là đấu tranh cho dân chủ, cho đất nước được cường thịnh, thì đó cũng không khác mấy với những mục tiêu mà chính quyền cộng sản họ đang làm…”
Luật sư Trai còn lập luận rằng: “… chỉ có khác về cách làm, một đằng thì muốn giải thể gạt bỏ chế độ hiện thời rồi mới xây dựng đất nước, một đằng thì muốn chính quyền hiện nay là người đem đến dân chủ và thịnh vượng cho người dân.”
Theo Luật sư Trai thì nhà nước cộng sản hiện nay đã khác xa với mấy chục năm trước và dù họ vẫn còn mang những di sản của quá khứ và trấn áp tàn bạo nhưng theo Luật sư Trai thì: “họ đã thay đổi để thích ứng với xu thế thời đại. Đất nước đã hội nhập và phát triển kinh tế thị trường.”
Trước hết không thể phủ nhận là đất nước Việt Nam nhìn chung hiện nay đã thay đổi rất nhiều nếu so với thời ngăn sống cấm chợ của 40 năm về trước. Và cũng có thể vì thế mà trong vài cuộc thăm dò gần đây của một số người ngoại quốc thực hiện đã biểu hiện chỉ số hạnh phúc thuộc hạng cao trên thế giới.
Thực tế cho thấy, hạnh phúc chỉ là cái gì tương đối. Dân gian có bài vè Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu, Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu… Phú ông đổi đủ thứ cao sang Bờm vẫn không, khi Phú Ông xin đổi nắm xôi Bờm cười, vui vẻ nhận liền. Cái hạnh phúc vui vẻ mộc mạc của người nghèo khó là đi bộ rạc cả chân nay có được chiếc xe đạp, đâu cần biết cùng lúc đó thiên hạ đã đi xe hơi, máy bay!
Cho nên câu hỏi đặt ra là sự thay đổi và tiến bộ của xã hội Việt Nam ngày nay là sự thăng tiến mang tính đồng bộ chung của thế giới loài người so với thế kỷ trước hay là sự tiến bộ vượt bực dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN.
Để trả lời câu hỏi này ta phải so sánh nước ta hiện nay so với các nước cũng đã từng có hoàn cảnh như Việt Nam trước khi cất cánh cách nay nửa thế kỷ như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai hay Tân Gia Ba. Những quốc gia này vào thập niên 70 không hơn ta là bao nhiêu, mặc dù miền Nam Việt Nam đang cùng lúc đó phải đương đầu với cuộc chiến tranh tương tàn nhiều đổ vỡ trong khi họ được hoà bình tập trung xây dựng nước họ.
Các nước nói trên hiện nay đã thuộc vào khối những quốc gia đã phát triển trong khi Việt Nam sau hơn 40 năm hòa bình, vẫn còn lẹt đẹt ở trong khối những quốc gia phát triển chậm, thậm chí còn có nguy cơ tụt hậu so với hai nước Miên Lào mà dân ta thường coi là đàn em.
Câu hỏi đặt ra là do kỹ năng và trí tuệ của người Việt thua kém các dân tộc lân bang hay là do thể chế chính trị, nhất là dưới sự cai trị của đảng CSVN đã và đang làm cho đất nước ta tụt hậu so với đà phát triển của thế giới chung quanh?
Nhà cầm quyền CSVN quả là có những thay đổi tích cực. Nhưng những thay đổi này được đặt trong vòng kiểm soát để duy trì sự nắm quyền độc tôn của đảng CSVN chứ không phải đế đất nước tiến bộ. Chính vì thế mà đảng CSVN đã không có một chiến lược phát triển toàn diện nhằm khơi động tiềm lực quốc gia một cách mạnh mẽ và đa dạng. Cái gọi là đổi mới phát triển theo kinh tế thị trường dưới định hướng XHCN thực ra chỉ là một hình thức thả lỏng dây trói để người dân có chút không gian tự do làm ăn hơn trước, và khi người dân tương đối có chút tự do làm ăn thì đương nhiên xã hội đã có một số thay đổi là điều tất yếu.
Do đó, dưới định hướng XHCN, sự đổi mới chẳng khác gì thả bớt dây trói để người dân làm ăn nhằm tránh sự nổi loạn như Đông Âu và giúp cho đảng có một số phương tiện vật chất để tiếp tục duy trì sự cầm quyền. Kết quả của sự biến chiêu thả bớt dây trói cho người dân là dân có giàu thêm chút đỉnh nhưng giai cấp thống trị lại càng giàu hơn gấp trăm lần làm khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng tăng. Cho nên chẳng phải là điều ngạc nhiên khi ta thấy Đảng CSVN vẫn muốn nắm chính quyền bằng mọi giá, vẫn muốn mình là kẻ đầu tàu dẫn dắt dân tộc phát triển sau lưng mình, phụ thuộc vào trình độ, năng lực và tầm khôn xây dựng đất nước của mình.
Hãy nhìn cách quản lý các dự án kinh tế yếu kém thất thu lãng phí hàng tỷ đồng dưới sự lãnh đạo của họ đủ thấy là họ hoàn toàn là lũ ăn hại, tham ô.
Khi tệ nạn tham ô đe dọa sự tồn vong của chế độ, họ bắt đầu lôi một vài con dê tế thần ra đổ tội và trừng phạt không che được rằng chính những con dê đó là thành phẩm của bản chất chế độ độc tài luôn đứng vững nhờ sự ban phát những đặc quyền đặc lợi cho thành phần trong bộ máy thống trị, và đặc quyền đặc lợi tất yếu đưa đến tham nhũng có hệ thống, đục khoét tài nguyên và kinh tế quốc gia.
Ngoài ra, hãy xem cách họ trù dập những người muốn nói lên những khao khát muốn cho đất nước khá hơn khác với cách đảng CS muốn thay vì tìm cách đối thoại để cùng tìm phương cách tối ưu cho đất nước.
Nếu thực sự đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, lãnh đạo CSVN phải tự làm một cuộc cách mạng bản chất, hoàn toàn cởi trói cho toàn dân vươn lên với hết cả tiềm lực của dân tộc qua một thể chế dân chủ thực sự không giả tạo hình thức, qua đó họ có cơ may được người dân tâm phục chọn lựa nếu họ thật sự xứng đáng./.
Leave a Comment