Nguồn: Richard N. Haass, “Trump’s Jerusalem Rationale and its Consequences”, Project Syndicate, 13/12/2017 – The Observer – Biên dịch: Đinh Tỵ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
***
Đã 50 năm trôi qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh 6 ngày – tháng 6/1967, một cuộc xung đột mà đã cùng nhiều diễn tiến đáng kể khác tiếp tục định hình nên tình trạng bế tắc giữa Israel và Palestine. Sau cuộc chiến, Israel đã giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Bờ Tây, dải Gaza và Jerusalem cộng thêm Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan.
Lúc đó, cộng đồng thế giới xem kết quả quân sự của cuộc chiến chỉ mang tính chất tạm thời. Nghị quyết số 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tiền đề cho tiến trình tiến tới một giải pháp ngoại giao cho vấn đề người Palestine vô tổ quốc, được thông qua 5 tháng sau khi cuộc chiến chấm dứt (ngày 22/11/1967 – ND). Tuy nhiên theo lệ thường, những gì được coi là tạm thời đã kéo dài vô tận.
Chính trong bối cảnh này Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố rằng Hoa Kỳ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ông Trump nhấn mạnh Mỹ không đưa ra lập trường về tình trạng sau cùng của Jerusalem, trong đó có “các ranh giới cụ thể về chủ quyền của người Israel” ở đó. Ông nêu rõ Hoa Kỳ sẽ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu hai bên có chung đồng thuận. Và ông quyết định chưa thực sự dời đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv tới Jerusalem, mặc dù ông có thể đơn giản gọi lãnh sự quán Mỹ hiện giờ tại Jerusalem là đại sứ quán.
Việc chính phủ Mỹ nỗ lực xoay chuyển chính sách của mình nhưng lại lập luận rằng không có thay đổi to tát nào đã không thuyết phục được số đông. Đa số dân chúng Israel hoan nghênh lập trường mới của Mỹ, nhưng hầu hết thế giới Ả Rập lại căm phẫn.
Vậy tại sao ông Trump chọn thời điểm này để thể hiện quan điểm là một vấn đề còn đang được công luận đồn đoán. Vị tổng thống tuyên bố đây chỉ đơn giản là sự công nhận tình hình thực tế và nói thêm rằng chính sách ngoại giao của các vị tổng thống tiền nhiệm đã thất bại vì không mang lại tiến triển ngoại giao nào. Đây là một thực tế , mặc dù việc các biện pháp ngoại giao thất bại chẳng liên quan gì mấy tới chính sách của Mỹ đối với vấn đề Jerusalem, mà chủ yếu liên quan đến mối bất hoà muôn thuở giữa người Israel và Palestine cũng như khoảng cách khác biệt giữa hai bên.
Người ta cho rằng tuyên bố của Mỹ xuất phát từ tình hình chính trị nội bộ Hoa Kỳ, một kết luận được hậu thuẫn bởi việc tuyên bố đơn phương của Mỹ đã không đưa ra đòi hỏi nào đối với Israel (chẳng hạn như yêu cầu Israel hạn chế xây dựng các khu định cư) hoặc đưa ra những biện pháp an ủi đối với người Palestine (như ủng hộ yêu sách của họ đối với Jerusalem). Mặc dù quyết định nay đã dẫn đến một số vụ bạo lực, nhưng đây dường như là một cơ hội bị đánh mất hơn là một cuộc khủng hoảng được tạo ra. Điều có thể làm cho tuyên bố này không chỉ gây tranh cãi mà còn phản tác dụng là việc chính quyền Trump đã dành phần lớn thời gian trong năm đầu tiên để xây dựng một kế hoạch nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine. Tuy nhiên, tuyên bố này có thể làm suy yếu các triển vọng vốn đã hạn chế của kế hoạch đó.
Điều mà chính quyền Trump dường như toan tính là trao cho những quốc gia bên ngoài, đặc biệt là Ả Rập Saudi, một vai trò trung tâm trong tiến trình hoà bình. Làm tiền đề cho cách tiếp cận này chính là quan điểm cho rằng Ả Rập Saudi và thế giới Ả Rập ngày càng bận tâm với mối hiểm hoạ đến từ Iran hơn là các vấn đề liên quan đến Israel. Vì thế, Mỹ giả định là họ sẵn sàng để qua một bên sự thù địch lâu nay với Israel, một quốc gia vốn nhìn chung chia sẻ quan điểm với họ về đối thủ Iran.
Tiến triển trong vấn đề Israel-Palestine sẽ tạo nên một một bối cảnh chính trị trong thế giới Ả Rập cho phép điều nói trên xảy ra. Chính quyền Trump hy vọng Ả Rập Saudi sẽ sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào của mình để thuyết phục người Palestine đồng ý ký các điều khoản hoà bình mà người Israel sẽ chấp nhận.
Vấn đề là chính phủ Israel có thể sẽ chỉ đồng ý trao cho Palestine ít hơn nhiều so với những gì mà lâu nay người Palestine mong muốn. Nếu thế, các nhà lãnh đạo Palestine có thể chọn giải pháp an toàn hơn bằng cách khước từ đề nghị thay vì ký một hiệp ước mà chắc chắn sẽ làm người dân Palestine thất vọng, đồng nghĩa với việc khiến họ rơi vào thế yếu trước Hamas và các nhóm cực đoan khác.
Ả Rập Saudi cũng thế, họ có thể không muốn hậu thuẫn một kế hoạch mà nhiều khả năng sẽ bị xem là bán đứng đồng minh. Cũng cố quyền lực chính trị là ưu tiên hàng đầu của bộ máy lãnh đạo mới dưới quyền của Thái tử Mohammed bin Salman. Vị thái tử đang thực hiện điều này bằng nỗ lực tấn công không khoan nhượng vào tình trạng tham nhũng, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa dân tộc và chống Iran.
Tuy nhiên, cả hai sách lược trên đều không hoàn toàn diễn ra theo đúng kế hoạch. Nỗ lực chống tham nhũng mặc dù được dân chúng tán dương nhưng rủi ro là nó có thể thất bại bởi việc chỉ truy tố một số đối tượng được sàng lọc kỹ (cho thấy đây có thể liên quan đến việc tranh đoạt quyền bính hơn là cải cách thật sự), cũng như các báo cáo bất lợi về đời sống riêng của vị thái tử. Và các nỗ lực chống Iran cũng không thể được tách rời khỏi sự sa lầy của Ả rập Saudi trong cuộc chiến tại Yemen cũng như những sự mất mặt về ngoại giao tại Libăng và Qatar. Trong khi đó, các kế hoạch cải cách quốc gia đầy tham vọng vạch ra thì dễ nhưng thi hành lại khó, đồng thời chắc chắn khiến giới bảo thủ của vương quốc trở nên bất mãn.
Vấn đề gây đau đầu cho hai cha con tổng thống Trump và con rể Jared Kushner, người đang phụ trách chính sách Hoa Kỳ đối với khu vực Trung Đông, là việc Ả rập Saudi có thể tỏ ra không phải là một đối tác ngoại giao như Nhà Trắng mong muốn. Nếu vị thái tử lo ngại về vị thế chính trị trong nước của mình, ông sẽ không muốn kề vai sát cánh với một vị tổng thống Mỹ bị dư luận xem là quá gần gũi với một Israel vốn không sẵn lòng đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu của người Palestine trong việc có được một nhà nước riêng.
Những phân tích trên đưa chúng ta quay lại vấn đề Jerusalem. Ông Trump đã lập luận rằng việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel là “một bước quyết định đã trễ hạn quá lâu nhằm thúc đẩy tiến trình hoà bình và hướng tới một thỏa thuận lâu dài”. Nhưng dường như ngày càng nhiều khả năng động thái của ông Trump sẽ chỉ mang lại tác dụng ngược mà thôi.
***
Richard N. Hass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, từng là Giám đốc Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và điều phối viên chương trình Vì tương lai Afganistan. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “A world in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order”.
Leave a Comment