Nguyễn Vũ Bình – RFA
Trong quá trình tham gia tương tác trên mạng xã hội facebook, ngoài những điều tích cực như nhận thức của người dân được nâng lên, số người mở rộng tầm nhìn, hiểu biết ngày càng tăng, thì có những hiện tượng chúng ta không thể không chú ý.
Điều đầu tiên là những bạn bè của những người có sự phản biện xã hội dần rời xa họ, hủy kết bạn thậm chí block. Đây là tình trạng phổ biến của những người mới thức tỉnh và tham gia phản biện, trao đổi những vấn đề thuộc về mặt trái của xã hội và chế độ.
Vấn đề tiếp theo, với những thông tin nhiều chiều, vừa lý luận vừa thực tiễn, đôi khi là những vấn đề rõ ràng, dễ hiểu nhưng chúng ta vẫn chưa (không) thuyết phục được những người tham gia tương tác trên mạng xã hội thay đổi cách nghĩ một chiều, và tất nhiên là sai lầm về chế độ. Thú vị và khó hiểu hơn cả, đó là có rất nhiều người tham gia phản biện xã hội nhưng lại có những phản ứng hoặc nhận thức rất kỳ lạ, mâu thuẫn với những quan điểm, bài viết của mình trước đó. Điển hình nhất là có một nhà thơ, có rất nhiều bài thơ phê phán, phản biện xã hội và chế độ được mọi người yêu thích. Nhưng thỉnh thoảng nhà thơ này lại có những bài thơ, hoặc bài viết ca ngợi cá nhân quan chức cộng sản, hoặc bảo vệ cho một sự việc của chế độ. Điều này làm sững sờ rất nhiều người vì họ không hiểu nổi tại sao lại có sự mâu thuẫn, sự khác lạ đến bất ngờ như vậy. Nói về nhà thơ này, người viết chỉ đưa ra ví dụ có tính điển hình để đi vào lý giải nguyên nhân, chứ không phải nhắm vào việc phê phán nhà thơ đó. Bởi vì, có rất nhiều người đang tham gia phản biện xã hội, thậm chí đấu tranh dân chủ cũng có những điều rất giống với nhà thơ nói trên, đó có thể gọi là hiện tượng tương đối phổ biến.
Việc đưa ra các quan điểm, nhận thức ngược lại với những gì mình đang nói, đang viết, bất chấp cả logic hình thức, và việc này không chỉ một lần mà thỉnh thoảng lặp lại chứng tỏ trong nhận thức của những người đó ẩn chứa một sức mạnh, một niềm tin và một bản tính nào đó mà chính chủ thể cũng không nhận ra. Tương tự như vậy, nếu những điều thuộc về sự thật, chân lý rõ ràng không khó về mặt nhận thức mà nhiều người vẫn không tiếp thu, không hấp thụ được chứng tỏ trong con người họ cũng có những sức mạnh vô hình không cho tiếp nhận những sự thật hiển nhiên như vậy. Hiện tượng bạn bè rời xa người phản biện xã hội, cá nhân đấu tranh hơi khó xác định hơn. Nhưng những người từ bỏ bạn bè cũng thường là những người dần rời xa mạng xã hội facebook, và để rời xa mạng xã hội thú vị và hữu ích như vậy, bên trong con người họ cũng phải có những lực đẩy mạnh mẽ.
Nói tóm lại, những hiện tượng nêu trên không đơn thuần là ý thức, nhận thức nhất thời của cá nhân, mà tiềm ẩn bên trong là một bản tính được định hình nhưng chủ thể có thể không nhận thức được. Có thể tạm gọi đó là bản tính thứ nhì của họ, những người sống trong chế độ cộng sản. Bản tính thứ nhì này được hình thành do một nền giáo dục áp đặt kết hợp tuyên truyền, và nỗi sợ hãi của con người trước hoàn cảnh xã hội mà họ đã và đang sống.
Đã có nhiều người nói về việc người dân, nhất là quan chức và công chức, sống trong xã hội cộng sản là những con người nhị nhân cách. Tuy nhiên, điều này là đúng và dễ hiểu đối với tầng lớp cán bộ nói chung, vì gắn chặt quyền lợi vào guồng máy. Nhưng còn người dân thường, và những người không còn nhiều mối liên hệ lợi ích với chế độ, trong hoàn cảnh xã hội ít nhiều cởi mở như hiện nay thì vấn đề không rõ ràng như vậy. Chỉ có thể gọi là bản tính thứ nhì (và tiềm ẩn) chứ chưa thể gọi là nhân cách thứ hai được.
I/ Bản tính thứ nhì
Muốn tìm hiểu bản tính thứ nhì, chúng ta cần hiểu bản tính thứ nhất của con người.
Bản tính thứ nhất là những lẽ thông thường của con người, đó là yêu chuông chân lý, tôn trọng sự thật khách quan, đứng về phía lẽ phải, bảo vệ công lý.
Bản tính thứ nhì hình thành chủ yếu do một nỗi sợ hãi nào đó, có thể là sự an toàn cho bản thân, có thể nỗi sợ mất quyền lợi… vì vậy, bản tính thứ nhì là sự đồng tình với hệ thống cai trị, là sự bảo vệ tính chính danh của chế độ bất chấp chân lý, sự thật khách quan. Bản tính thứ nhì không chỉ dẫn tới thái độ sai lầm mà còn ngăn cản chủ thể không đi tới tận cùng của sự nhận thức. Điều đặc biệt nhất, đó là chủ thể hầu như không nhận ra điều này, tức là bản tính thứ nhì chỉ tiềm ẩn, phảng phất và có tác động tới chủ thể một cách rất khó để nhận biết…
Bản tính thứ nhì được hình thành như thế nào? Có nhiều cách thức đối với từng thành phần và đối tượng khác nhau.
– Những người đã từng được chứng kiến quá trình hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu, được chứng kiến việc thanh toán những thành phần mà đảng nói là việt gian, phản động. Những người chứng kiến cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, việc con đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, trò đấu tố thầy… họ chứng kiến những cái chết tức tưởi, vô cùng vô lý giai đoạn đầu xây dựng chế độ. Sau đó họ chứng kiến những cái chết, những sự đày đọa khủng khiếp chỉ vì không hợp tác, không nghe theo và không đồng tình với cộng sản… tất cả những điều đó tạo ra một nỗi sợ hãi và dần hình thành trong con người họ một bản tính tuân phục, đồng tình và thậm chí bảo vệ chế độ. Đây là quá trình hình thành tự nhiên trong tâm trí để cá nhân tự bảo vệ mình trước hoàn cảnh thực tế vô cùng nghiệt ngã, tàn bạo. Sự ám ảnh khi chứng kiến và trải qua giai đoạn lịch sử tồi tệ cũng đồng thời tạo nên bản tính thứ hai của phần lớn những người thuộc thế hệ từ 70 tuổi trở lên hiện nay.
– Thế hệ dưới 70 tuổi, hoặc sinh ra từ năm 1950 trở về tuy không còn phải chứng kiến những cái chết oan nghiệt, tàn bạo, vô lý nhưng sự đày đọa khi những người phản kháng hoặc không đi theo, không đồng tình với đường lối chính sách của đảng và nhà nước vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đồng thời, với sự bưng bít thông tin và sự tuyên truyền, nhồi sọ, họ đã không thể phân biệt được đúng, sai. Khi đã không phân biệt được đúng sai, lại sống trong môi trường bị phân biệt đối xử, phân chia giai cấp, thành phần cũng dẫn tới thế giới quan a dua, toa rập và lệch lạc. Như vậy, việc hình thành bản tính thứ nhì đối với thế hệ này là để tránh sự đày đọa và phân biệt đối xử, và đến giai đoạn đổi mới, mở cửa là vì quyền lợi, lợi ích.
– Đối với thế hệ trẻ hơn, sinh từ năm 1975 trở lại đây, khi họ lớn lên, xã hội đã sang một thời kỳ mới. Sự tàn bạo, đày đọa con người do khác biệt chính kiến, quan điểm không còn khắc nghiệt nữa, nhận thức được mở rộng hơn nhưng cũng hỗn loạn hơn. Đây là thế hệ khổ sở về mặt nhận thức bởi những lý do sau.
Thứ nhất, họ không được trang bị kiến thức và phương pháp nhận thức xã hội đúng đắn do sự thất bại liên miên của giáo dục và cải cách giáo dục.
Thứ hai, toàn bộ hệ thống giá trị, thế giới quan, nhân sinh quan mà họ được đào tạo, giáo dục đã thất bại hoàn toàn, đã bị nhân loại bác bỏ nhưng họ vẫn phải học, phải bị nhồi nhét. Trong khi thực tế cuộc sống cũng đi ngược lại toàn bộ những điều được dạy trong sách vở. Đối với thế hệ sinh sau 1975, họ không hình thành bản tính thứ nhì dựa trên những nỗi sợ hãi. Nhưng do những giá trị xã hội đảo lộn, hỗn loạn mà việc hình thành bản tính thứ nhất bị khiếm khuyết. Xã hội không có những chuẩn mực để định hình những giá trị cần thiết của bản tính thứ nhất. Chính vì vậy,việc hình thành lý tưởng của thế hệ này khó hơn các thế hệ trước, phần lớn họ nhắm tới các lợi ích ngắn hạn, trước mắt có thể xấu hoặc tốt. Trong bối cảnh độc tài toàn trị của đất nước, thì lợi ích luôn song hành với sự tung hô, đồng tình và bảo vệ chế độ. Như vậy, dù không có bản tính thứ nhì, không bị chi phối bởi bản tính thứ nhì nhưng do xu hướng nhắm tới các mục tiêu trước mắt mà thế hệ này cũng khó tiếp cận với chân lý và hiện thực khách quan.
II/ Nâng cao nhận thức
Khi chúng ta nói tới việc nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng luôn có hai yếu tố có tính chất quyết định, đó là nhận thức và thái độ. Xét đến cùng thì thái độ cũng là nhận thức nhưng ở tầng mức cao nhất, tổng quát nhất và toàn diện nhất.
Lấy một ví dụ, có người chưa hiểu nhiều, chưa hiểu hết về chế độ cộng sản, vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, nhưng họ đã xác định, chế độ cộng sản là chế độ tàn bạo, vô nhân gây ra nhiều tội ác đã bị nhân loại phỉ nhổ và loại bỏ… thì người đó có thái độ đúng, cũng chính là có nhận thức tổng quát đúng. Với thái độ đó, không khó để người này tiếp cận các tư liệu, tài liệu, sách vở để hiểu được những vấn đề phức tạp của chế độ cộng sản. Nếu thái độ không đúng, dù có nhiều dẫn chứng và bằng chứng, người ta vẫn có thể tìm ra những lý do để biện minh, bào chữa cho sự sai trái và tội ác. Nếu thái độ đúng nhưng không triệt để, thì họ sẽ bị sa vào những mâu thuẫn không thể lý giải nổi. Ví dụ, nhiều người cho rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam, hay chủ trương đường lối chính sách của đảng cộng sản Việt Nam đến năm 1975 là đúng, hoăc đến khi đổi mới là đúng. Sau năm 1975 , hoặc sau đổi mới đảng cộng sản mới tha hóa, biến chất… Nhưng khi hỏi rằng, nếu đến năm 1975, hoặc đến đổi mới là đúng thì tại sao lại có cải cách ruộng đất, tại sao lại có đánh tư sản miền bắc, đánh tư sản miền nam và nhiều tội ác khác của đảng cộng sản?
Tất nhiên, nếu một người tìm hiểu, nghiên cứu với một thái độ khoa học, tức là tôn trọng lịch sử và sự thật khách quan, nhận thức sẽ đưa tới thái độ và những kết luận tổng quát chính xác và hoàn chỉnh. Để vượt qua được tất cả những khúc mắc, những lực cản tâm lý, ảnh hưởng của bản tính thứ nhì và những toan tính trước mắt, chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn và triệt để về chế độ cộng sản nói chung và chế độ cộng sản Việt Nam nói riêng…
– Trong quá trình nghiên cứu một đối tượng, một chủ thể thì cách tiếp cận chiếm một vị trí quan trọng. Rất nhiều người chưa xác định được cách tiếp cận đúng, nên thường dẫn tới việc không xác định được bản chất sự việc. Đi vào tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, nhưng ít ai đặt vấn đề mục tiêu, mục đích thật sự của chủ nghĩa cộng sản là gì? Tất nhiên, hoàn toàn không phải là mục tiêu mà lý tưởng cộng sản vẫn nêu ra, bởi nếu mục tiêu như vậy, đã không bao giờ dẫn tới những thực tế khủng khiếp mà cộng sản tạo ra. Mục tiêu của các quốc gia cộng sản, đó là đảng cộng sản muốn thống trị nhân dân ở các quốc gia. Mục đích sau cùng của chủ nghĩa cộng sản, đó là thống trị nhân loại. Đây mới chính là mục tiêu, mục đích thật sự của các đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản. Với mục tiêu này, các đảng cộng sản đã làm như thế nào? Hay nói cách khác, ho đã sử dụng phương pháp nào để đạt mục đích? Các đảng cộng sản đã tổ chức, chủ động tạo ra sự hỗn loạn (hoặc dựa vào thời thế) để cướp chính quyền, sau đó xây dựng một cơ chế triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân. Chỉ có tiêu diệt tinh thần phản kháng của nhân dân, các chế độ cộng sản mới áp đặt và duy trì được sự thống trị của mình (mời tham khảo bài viết: Phác họa lại chân dung một chế độ, http://www.rfavietnam.com/node/2753). Như vậy, với cách tiếp cận nghiên cứu cơ bản, tìm ra mục đích và phương thức đạt mục đích của chủ thể, đối tượng nghiên cứu, chúng ta mới hiểu được đúng bản chất của các chế độ cộng sản, của chủ nghĩa cộng sản.
– Trên một phương diện khác, khi bám sát vào quy luật bản chất hiện tượng, chúng ta cũng có thể xác định được bản chất của chủ thể, của đối tượng nghiên cứu. Nếu một chủ thể có bản chất tốt đẹp, bao giờ cũng có biểu hiện ra bên ngoài bằng những kết quả tốt đẹp, hoặc cơ bản là tốt đẹp. Ngược lại, một chủ thể không thể có bản chất tốt đẹp nếu như thể hiện ra bên ngoài là một loạt những sự sai lầm, xấu xa và tàn bạo. Soi chiếu vào quá trình hoạt động và lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta không tìm đâu ra được một công việc nào, một sự nghiệp nào có kết quả tốt đẹp cho nhân dân, cho đất nước. Ngược lại, một chuỗi những sự kiện mà đảng cộng sản đã thực hiện đã đưa nhân dân và đất nước đi hết từ thảm họa này tới thảm họa khác. Việc tiêu diệt các đảng phái khác, những tổ chức, cá nhân không cùng lý tưởng ngay từ khi đảng công sản ra đời, việc cướp chính quyền trong lúc giao thời, công cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản hai miền… cùng với một loạt các sự kiện tương tự như vậy, không còn ai có thể biện minh cho một chế độ gây đau thương và tai họa cho người dân và đất nước được.
– Một trong những khúc mắc trong nhận thức của nhiều người, đó là người ta không đánh giá, không nhận thức về chế độ dưới góc nhìn một cơ chế, một thể chế. Chính vì vậy mới có những người nhận thức chưa tới, nửa vời và cho rằng các thế hệ lãnh đạo chế độ cộng sản giai đoạn đầu trước năm 1975, hoặc trước đổi mới vẫn có công lao và đạo đức, liêm khiết. Chỉ sau này đổi mới, các thế hệ lãnh đạo mới tha hóa, biến chất. Với mục đích thống trị người dân, thế hệ lãnh đạo ban đầu đã xây dựng một cơ chế triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân. Trong quá trình đó, họ đã thực hiện việc tiêu diệt các đảng phái khác, cải cách ruộng đất, đánh tư sản để bần cùng hóa người dân áp đặt sự thống trị… Tất cả những thế hệ lãnh đạo sau này đều nằm trong guồng quay của cơ chế mà thế hệ lãnh đạo ban đầu tạo dựng lên. Khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, để thích ứng với tình hình mới, đảng cộng sản đã phải thực hiện công cuộc đổi mới. Đó là một thủ đoạn để duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng. Mục tiêu thống trị nhân dân theo phương thức cũ (cơ chế cũ) không còn nữa, mà thay bằng mục tiêu duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản.
Việc nhìn nhận, đánh giá chế độ dưới góc nhìn cơ chế, thể chế cũng giúp chúng ta không đi vào việc so sánh các cá nhân lãnh đạo, tôn sùng người này, người kia. Đồng thời chúng ta cũng thấy được mức độ khó khăn của công cuộc đấu tranh dân chủ mà người dân theo đuổi và hằng mong ước. Đó là việc thay đổi cơ chế, thể chế hiện hành chứ không phải việc thay thế thế hệ lãnh đạo hoặc cá nhân người này, người kia.
– Một vấn đề quan trọng nữa cần đề cập. Có nhiều người cho rằng, với tình trạng hiện nay của đất nước, vẫn có thể sửa đổi từng vấn đề, từ nhỏ tới lớn, từng bước một để chế độ và xã hội tốt đẹp lên. Câu trả lời là, dù với một việc nhỏ, cả chế độ này cũng không thể làm tốt lên được, chứ không phải sẽ làm tốt được và tiến tới làm tốt tất cả các lĩnh vực khác và toàn bộ vấn đề của đất nước. Một chế độ toàn trị, với một cơ chế duy nhất để tiêu diệt, triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân, và chế độ chỉ quan tâm tới mục tiêu này. Chính vì vậy, tất cả các lĩnh vực khác đều là sự sai trái, chắp vá và trục lợi. Những nền tảng đã sai từ đầu và kéo dài mấy chục năm ở tất cả các lĩnh vực hỏi rằng đến bây giờ còn lực lượng nào, còn ai có thể làm tốt được?…
Chúng ta lấy một ví dụ để chứng minh cho nhận định này. Đó là vấn đề giao thông ở các thành phố lớn, ví dụ ở Hà Nội. Vấn đề giao thông ở thành phố lớn như Hà Nội không phải là vấn đề nhỏ, nhưng đối với một quốc gia, đó cũng không phải là vấn đề lớn. Để giải quyết tình trạng giao thông ở Hà Nội, chúng ta cần hiểu được chuẩn mực giao thông ở các thành phố lớn trên thế giới và cách thức phối kết hợp để xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Đối với tiêu chuẩn chung của thế giới, điều đầu tiên là quỹ đất dành cho giao thông (tức là làm đường đi, bãi đỗ xe…) bao giờ cũng chiếm tỷ lệ từ 15-20% tổng quỹ đất thành phố (trung tâm). Trong khi đó, ở Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông chưa tới 5% tổng quỹ đất!?! Vấn đề thứ hai, bản thiết kế xây dựng hệ thống giao thông thành phố từ ban đầu đã có quy hoạch tổng thể, với dự kiến dân số thành phố, các trục đường chính với các thiết kế phù hợp với hiện tại và tương lai, tính ổn định và kế thừa là nguyên tắc luôn được giữ vững. Vấn đề thứ ba, dân số toàn thành phố và từng khu vực cũng như từng dãy phố phải bảo đảm một tỷ lệ nhất định so với số km đường… đối với vấn đề này, chúng ta chỉ cần nhìn các khu chung cư hiện nay mọc lên như nấm, mật độ dân số các khu vực đó và toàn thành phố như hiện nay thì ai có thể giải quyết nổi vấn đề tắc đường, kẹt xe ở Hà Nội? Chưa kể một loạt các vấn đề đưa tới sự hỗn loạn trong giao thông như việc mua bằng lái xe và tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông và rất nhiều vấn đề khác.
III/ Đứng về phía người dân, sự thật và công lý
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về chế độ cộng sản, nếu như chúng ta chỉ đọc sách và suy nghĩ để đưa tới kết luận, trong khi từ nhỏ tới lớn sống trong môi trường giáo dục và xã hội của chế độ sẽ rất khó vượt thoát để có cái nhìn đa chiều, đúng đắn. Có một số người vô tình trải qua những cú sốc tâm lý, dẫn tới việc họ tự tìm hiểu về bản chất thật sự của chế độ. Và thật kỳ lạ, chỉ sau một thời gian rất ngắn, họ đã hiểu ra những điều mà trước đây họ chưa từng biết, chưa từng hiểu mà rất nhiều người mất rất nhiều năm cũng không nhìn ra được. Điển hình là, có một cô gái ở Hà Nội, cô còn rất trẻ và không bao giờ quan tâm tới vấn đề xã hội, chính trị. Cô vẫn nghĩ rằng xã hội giống như những điều mà cô được học ở trường, tức là những điều tốt đẹp và công lý tối thiểu phải có trong xã hội này. Biến cố đến với cô là ngày cha cô đi xe ôm, ngồi sau xe không cài mũ bảo hiểm trong lúc đứng chờ ở ngã tư đèn đỏ, đã bị công an bắt. Vì nghĩ rằng xe đang không lưu thông và việc chưa cài mũ bảo hiểm chưa thể coi là vi phạm lỗi tham gia giao thông, cha cô đã lên tiếng để phản đối việc phạt vi phạm giao thông của công an. Sự việc rất đơn giản như vậy, nhưng cha cô đã bị bắt giữ và bị công an đánh chết trong phòng tạm giữ. Cô gái và gia đình bàng hoàng nhờ pháp luật và công luận (báo chí) can thiệp. Quá trình giải quyết vụ việc và liên quan đến vụ kiện của gia đình cũng như những kết quả của vụ án đã làm cô bị sốc trước thực tế trần trụi và tàn bạo của xã hội hiện nay. Trong quá trình giải quyết vụ việc của cha mình, cô cũng đã gặp gỡ những gia đình có hoàn cảnh tương tự như của mình, cũng như nhiều hoàn cảnh đau lòng và khổ sở hơn. Cô đã đi vào tìm hiểu thêm về thực trạng xã hội theo hướng phản biện. Kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã hoàn toàn hiểu được bản chất của chế độ hiện hành, và cô đã dấn thân vào cuộc đấu tranh cho sự thật, công lý và lương tâm.
Đối với những người muốn tìm hiểu về bản chất chế độ, mà chưa đưa ra được kết luận, có thể cần những trải nghiệm thực tế để làm “cú hích” tâm lý cho việc tìm hiểu, nghiên cứu của mình. Có một cách không cần trải qua cú sốc tâm lý, chỉ cần tiếp cận với những người dân đang bị áp bức, đàn áp để thăm hỏi, giao lưu và tìm hiểu. Có thể tới gặp gỡ những gia đình có nhà cửa, đất đai bị giải tỏa ngay tại trung tâm Hà Nội, Sài Gòn. Tìm hiểu và giúp đỡ những người này nói lên sự thật. Đó là những việc làm hoàn toàn bình thường, hợp pháp và nhân văn. Nếu ai làm những việc này, sẽ có những trải nghiệm, cọ sát với những mặt trái của xã hội, của chế độ ngay lập tức. Trong một phạm vi nhất định, đó sẽ là những trải nghiệm hữu ích cho việc xác định thái độ và định hướng nghiên cứu của họ.
Lùi về lịch sử, năm 1954, có hơn một triệu người miền bắc (phần lớn là người Công Giáo) đã di cư vào miền nam. Mới chỉ tiếp xúc với người cộng sản, đảng cộng sản một thời gian ngắn, bằng thực tế trải nghiệm của mình, họ đã hiểu ngay ra được bản chất vấn đề và sợ hãi bỏ chạy. Trong khi đó, một số trí thức, trong đó có những trí thức lừng danh như triết gia Trần Đức Thảo, luật sư Nguyễn Mạnh Tường vv… lại từ kinh đô ánh sáng, thủ đô Pari của Pháp về nước tham gia phục vụ chính quyền mới, cách mạng. Kết cục số phận của hai người này cũng là câu trả lời quá rõ ràng đối với giới trí thức Việt Nam.
Như vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức, chúng ta cần đứng về phía người dân, đứng về phía sự thật và công lý. Chúng ta sẽ có trải nghiệm để làm tiền đề, chất xúc tác và cú hích cho việc nghiên cứu của mình ngõ hầu nhanh chóng hiểu ra được bản chất của chế độ cộng sản, bản chất xã hội mà chúng ta đang sống./.
(hết)
Hà Nội, ngày 27/3/2018
N.V.B
Leave a Comment