Phùng Hoài Ngọc (VNTB) – “Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau”. Bài “Đón tết, đừng quên dưới bóng hoa đào” (nhà báo Lê Đức Dục, Tuổi Trẻ 17/2/2018).
***
“Cái lẽ ra có thể tránh được”?
Đó là cái gì vậy? Dân gian thường gọi Chiến tranh Biên giới 1979 là cuộc chiến tranh “xâm lược”.
Thực ra không phải vậy! “Xâm lược” phải là chiếm đất và đặt quyền cai trị. Kẻ địch biết rõ không thể làm được việc này bằng bạo lực. (*)
Thực ra, đây chỉ là cuộc tàn phá giết chóc toàn bộ để trả thù “mối tình cộng sản” tan vỡ. Đánh xong rồi rút gọn. Kết quả, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết.
Nhớ lại cái kết đắng 17 tháng hai 1979: Trung Quốc đập phá Việt Nam. Lúc 4 giờ sáng cách đây 39 năm, quân Trung cộng đồng loạt tấn công sáu tỉnh biên giới đang yên giấc. 17 ngày tiếp sau là giết người, sát sinh, phá huỷ, đốt toàn bộ tài sản.
Đó không phải là chiến tranh xâm lược bình thường, đó là sự điên cuồng trả mối thù cộng sản trong thế “tam quốc tranh hùng”.
Đây là nguồn cơn dẫn đến “mối tình tam quốc” tan vỡ.
Tam quốc cộng sản gồm “Liên Xô – Việt Nam – Trung Quốc”
Tuổi tác 3 đảng anh em chênh lệch như sau: Đảng CS Liên Xô sinh năm 1912; Đảng CSTQ sinh 1921 và Đảng CSVN năm 1930. Trước năm 1960, ba anh em vẻ như thân thiết không thể rời nhau với những lời thề (nghị quyết, hiệp ước). Khởi đầu mâu thuẫn Xô – Trung nổ ra từ các vấn đề: tranh chấp biên giới, chủ nghĩa xét lại phát lên từ LX và đặc biệt, tranh giành ngôi bá chủ quốc tế cộng sản.
Trong khi đó, Đảng Việt Nam được “hai anh” giúp đỡ xây dựng CNXH và ủng hộ tích cực cuộc Nội chiến tranh quyết giành lãnh thổ miền Nam.
Việt Nam em út, tựa như số phận Tôn Quyền, băn khoăn lo lắng, kẹt giữa Lưu Bị và Tào Tháo, loay hoay cố giữ hoà khí với cả hai “anh”. Nhưng TQ đòi VN phải rạch ròi lựa chọn, không cho bắt cá hai tay. VN đành chọn LX, bỏ TQ.
Bi kịch lịch sử bắt đầu từ đây!
“Tam quốc cộng sản nhánh”: Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam
Số phận Khmer đỏ mắc kẹt dính vào mưu đồ lôi kéo đồng minh của TQ và VN. Tình thế này tạo ra một “tam quốc cộng sản thứ hai”.
Năm 1974: TQ tấn công chiếm đảo Hoàng Sa với sự đồng tình của Mỹ. 4 giai đoạn xung đột tam quốc thứ 2 (Campuchia – Việt Nam).
Giai đoạn 1: từ 1975 đến 1978: Khmer Đỏ do Trung Quốc xúi giục và trợ giúp vật chất vũ khí, tổ chức nhiều cuộc tấn công lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng ngàn thường dân Việt Nam. Phía Việt Nam chỉ tổ chức phòng ngự và cố đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng Khmer Đỏ bác bỏ.
Giai đoạn 2: Từ tháng 12/1978 đến tháng 5/1979: Khmer Đỏ với 19 sư đoàn tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam nhưng bị Việt Nam bẻ gãy. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Hun Sen đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.
Giai đoạn 3: Từ 1979 đến cuối năm 1985: Khmer Đỏ với sự trợ giúp về lương thực, vũ khí của Thái Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức đánh du kích và đe dọa sự tồn tại của chế độ Hun Sen. Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, ngay sau đó Khmer Đỏ hoạt động mạnh trở lại và tái chiếm một số khu vực. Nhận thấy quân đội Hun Sen còn rất yếu ớt không thể tự vệ được, Việt Nam tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ Hun Sen và truy quét Khmer Đỏ. Mùa khô 1984 – 1985, cuộc tấn công quyết định của Việt Nam đã phá hủy các căn cứ chính của Khmer Đỏ, khiến chúng suy yếu đi nhiều và không còn đủ sức đe dọa chế độ mới của Hun Sen.
Giai đoạn 4: Từ 1986 tới 1989: Sau chiến dịch mùa khô năm 1985, nhận thấy chế độ Hun Sen đã tự đứng vững được, từ năm 1986 Việt Nam rút dần quân khỏi Campuchia và đến năm 1989 thì rút hết.
Tình huynh đệ Trung- Việt tan vỡ: khúc dạo đầu 1978- 1979
Theo công bố trong Bị vong lục Bộ Ngoại giao CHXHCNVN ngày 15/2/1979, số vụ xâm phạm vũ trang của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam năm 1978 là 583 vụ, trong tháng 1 và những tuần lễ đầu tháng 2 năm 1979 là 230 vụ. Trung Quốc còn cho trên 100 lượt máy bay xâm phạm vùng trời và 481 lượt tàu thuyền hoạt động khiêu khích trên vùng biển Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố và gửi công hàm phản đối hành động xâm phạm biên giới Việt Nam tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Chủ tịch kiêm TBT ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình tuyên bố “dạy cho VN một bài học”.
Trả hận tình cộng sản Trung- Việt năm 1979
TQ vào cuộc với 300.000 bộ binh, 400 xe tăng, hàng chục vạn dân công vận tải (theo Việt Nam công bố có hơn 600.000 lính Trung Quốc tham chiến). Việt Nam vào cuộc với 60.000 đến 100.000 bộ đội địa phương và chính qui.
Kết quả, Bắc Kinh rút quân sau 29 ngày (thực chất đối đầu là 17 ngày) với thiệt hại: 6.954 lính chết, 14.800 bị thương (Việt Nam nói: 26.000 chết, 37.000 bị thương, 280 xe tăng bị phá hủy).
Phía Việt nam thiệt hại: 10.000 dân thường chết, không công bố số bộ đội hi sinh (Trung Quốc tuyên bố 30.000 lính VN chết); 4 thị xã bị phá hoại hoàn toàn, hơn 20 thị trấn, huyện lỵ, nhiều làng xóm, nhà máy, hầm mỏ, nông trường, cầu đường, nhà cửa… bị tàn phá.
Giai đoạn 80 (1984 – 1989), Bắc Kinh tiếp tục mở ra Mặt trận biên giới Vị Xuyên (Hà Giang).
Từ 2/4 đến 27/4/1984, Trung cộng tiến hành một đợt bắn phá lớn trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới với trên 28.000 viên đạn pháo, sau đó xua bộ binh đánh lần lượt chiếm các điểm cao. Cuộc giằng co quyết liệt.
Từ cuối tháng 12/1988, Trung Quốc ngừng bắn pháo và từ tháng 3 đến tháng 9/1989 lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong 5 năm chiến đấu bảo vệ lãnh thổ trên mặt trận Vị Xuyên – Yên Minh (Hà Giang), các lực lượng vũ trang Việt Nam đã tiêu diệt hàng ngàn quân Trung Quốc, phá hủy 200 khẩu pháo cối, 170 xe vận tải và nhiều kho tàng, trận địa, bắt sống 325 tù binh.
Bên VN không công bố số bộ đội thương vong. Cuộc giằng co biên giới Việt – Trung kéo dài từ 1984 đến 1989 mới chấm dứt. Hai đảng cố trở lại bình thường hoá.
Vĩ Thanh
Khi anh cả Liên Xô và ê kíp Đông Âu “nằm xuống”, cái tang lớn khiến “hai em” ở lại cảm thấy hoảng sợ. HIệp ước Thành Đô (Tứ Xuyên TQ tháng 9 năm 1990) bí mật hối hả diễn ra để cố giữ lấy “dòng họ Cộng sản” khỏi tuyệt tự.
Tình huynh đệ “4 chữ vàng”ngày nay vẫn là “bằng mặt chẳng bằng lòng”. Đảng hay Dân tộc – vẫn là câu hỏi cay đẳng khó nuốt của đảng tiều đệ Việt Nam.
Rất kỳ lạ, suốt từ 1975 đến 1989, các cuộc chiến VN tang thương lãnh đủ hậu quả đều là các cuộc hỗn chiến cộng sản huynh đệ tương tàn, xuất phát từ quan hệ “Tam Quốc Việt – Xô – Trung Diễn nghĩa”.
Hiện tại còn hàng nghìn bộ đội hi sinh biên giới V-T mất tích (thi thể tan nát) và số còn nằm ở bãi mìn biên giới chưa thể tháo gỡ.
Thế mà các quan chức trung ương mải lo xây “Bãi tha ma nghìn tỷ dành cho cán bộ cấp cao chưa chết” !
Xin mượn nửa bài từ của thi nhân Dương Thận đời Thanh vịnh mối tình tam quốc xưa và nay:
“Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
sừng sững cơ đồ bỗng tay không”
***
(*) Ghi chú của CTM Media: Theo tác giả thì cuộc Chiến Tranh Biên Giới 1979 không phải là cuộc chiến tranh xâm lược vì theo tác giả “Xâm lược phải là chiếm đất và đặt quyền cai trị”. Tuy nhiên, theo “Nghị quyết 3314 nhằm định nghĩa về Xâm lược của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974″ thì yếu tố “đặt quyền cai trị” không hiện hữu trong các điều kiện để được gọi là “xâm lược”. Về yếu tố “chiếm đất” thì Trung Cộng đã chiếm giữ một phần lãnh thổ đáng kể của Việt Nam trong suốt 29 ngày như chính tác giả đã ghi ở phần kế tiếp. Như vậy, cuộc chiến 1979 chính là một cuộc chiến tranh xâm lược.
Leave a Comment