Nguyễn Vũ Bình – RFA
Trong quá trình tham gia tương tác trên mạng xã hội facebook, ngoài những điều tích cực như nhận thức của người dân được nâng lên, số người mở rộng tầm nhìn, hiểu biết ngày càng tăng, thì có những hiện tượng chúng ta không thể không chú ý.
Điều đầu tiên là những bạn bè của những người có sự phản biện xã hội dần rời xa họ, hủy kết bạn thậm chí block. Đây là tình trạng phổ biến của những người mới thức tỉnh và tham gia phản biện, trao đổi những vấn đề thuộc về mặt trái của xã hội và chế độ.
Vấn đề tiếp theo, với những thông tin nhiều chiều, vừa lý luận vừa thực tiễn, đôi khi là những vấn đề rõ ràng, dễ hiểu nhưng chúng ta vẫn chưa (không) thuyết phục được những người tham gia tương tác trên mạng xã hội thay đổi cách nghĩ một chiều, và tất nhiên là sai lầm về chế độ. Thú vị và khó hiểu hơn cả, đó là có rất nhiều người tham gia phản biện xã hội nhưng lại có những phản ứng hoặc nhận thức rất kỳ lạ, mâu thuẫn với những quan điểm, bài viết của mình trước đó. Điển hình nhất là có một nhà thơ, có rất nhiều bài thơ phê phán, phản biện xã hội và chế độ được mọi người yêu thích. Nhưng thỉnh thoảng nhà thơ này lại có những bài thơ, hoặc bài viết ca ngợi cá nhân quan chức cộng sản, hoặc bảo vệ cho một sự việc của chế độ. Điều này làm sững sờ rất nhiều người vì họ không hiểu nổi tại sao lại có sự mâu thuẫn, sự khác lạ đến bất ngờ như vậy. Nói về nhà thơ này, người viết chỉ đưa ra ví dụ có tính điển hình để đi vào lý giải nguyên nhân, chứ không phải nhắm vào việc phê phán nhà thơ đó. Bởi vì, có rất nhiều người đang tham gia phản biện xã hội, thậm chí đấu tranh dân chủ cũng có những điều rất giống với nhà thơ nói trên, đó có thể gọi là hiện tượng tương đối phổ biến.
Việc đưa ra các quan điểm, nhận thức ngược lại với những gì mình đang nói, đang viết, bất chấp cả logic hình thức, và việc này không chỉ một lần mà thỉnh thoảng lặp lại chứng tỏ trong nhận thức của những người đó ẩn chứa một sức mạnh, một niềm tin và một bản tính nào đó mà chính chủ thể cũng không nhận ra. Tương tự như vậy, nếu những điều thuộc về sự thật, chân lý rõ ràng không khó về mặt nhận thức mà nhiều người vẫn không tiếp thu, không hấp thụ được chứng tỏ trong con người họ cũng có những sức mạnh vô hình không cho tiếp nhận những sự thật hiển nhiên như vậy. Hiện tượng bạn bè rời xa người phản biện xã hội, cá nhân đấu tranh hơi khó xác định hơn. Nhưng những người từ bỏ bạn bè cũng thường là những người dần rời xa mạng xã hội facebook, và để rời xa mạng xã hội thú vị và hữu ích như vậy, bên trong con người họ cũng phải có những lực đẩy mạnh mẽ.
Nói tóm lại, những hiện tượng nêu trên không đơn thuần là ý thức, nhận thức nhất thời của cá nhân, mà tiềm ẩn bên trong là một bản tính được định hình nhưng chủ thể có thể không nhận thức được. Có thể tạm gọi đó là bản tính thứ nhì của họ, những người sống trong chế độ cộng sản. Bản tính thứ nhì này được hình thành do một nền giáo dục áp đặt kết hợp tuyên truyền, và nỗi sợ hãi của con người trước hoàn cảnh xã hội mà họ đã và đang sống.
Đã có nhiều người nói về việc người dân, nhất là quan chức và công chức, sống trong xã hội cộng sản là những con người nhị nhân cách. Tuy nhiên, điều này là đúng và dễ hiểu đối với tầng lớp cán bộ nói chung, vì gắn chặt quyền lợi vào guồng máy. Nhưng còn người dân thường, và những người không còn nhiều mối liên hệ lợi ích với chế độ, trong hoàn cảnh xã hội ít nhiều cởi mở như hiện nay thì vấn đề không rõ ràng như vậy. Chỉ có thể gọi là bản tính thứ nhì (và tiềm ẩn) chứ chưa thể gọi là nhân cách thứ hai được.
I/ Bản tính thứ nhì
Muốn tìm hiểu bản tính thứ nhì, chúng ta cần hiểu bản tính thứ nhất của con người.
Bản tính thứ nhất là những lẽ thông thường của con người, đó là yêu chuông chân lý, tôn trọng sự thật khách quan, đứng về phía lẽ phải, bảo vệ công lý.
Bản tính thứ nhì hình thành chủ yếu do một nỗi sợ hãi nào đó, có thể là sự an toàn cho bản thân, có thể nỗi sợ mất quyền lợi… vì vậy, bản tính thứ nhì là sự đồng tình với hệ thống cai trị, là sự bảo vệ tính chính danh của chế độ bất chấp chân lý, sự thật khách quan. Bản tính thứ nhì không chỉ dẫn tới thái độ sai lầm mà còn ngăn cản chủ thể không đi tới tận cùng của sự nhận thức. Điều đặc biệt nhất, đó là chủ thể hầu như không nhận ra điều này, tức là bản tính thứ nhì chỉ tiềm ẩn, phảng phất và có tác động tới chủ thể một cách rất khó để nhận biết…
Bản tính thứ nhì được hình thành như thế nào? Có nhiều cách thức đối với từng thành phần và đối tượng khác nhau.
– Những người đã từng được chứng kiến quá trình hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu, được chứng kiến việc thanh toán những thành phần mà đảng nói là việt gian, phản động. Những người chứng kiến cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, việc con đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, trò đấu tố thầy… họ chứng kiến những cái chết tức tưởi, vô cùng vô lý giai đoạn đầu xây dựng chế độ. Sau đó họ chứng kiến những cái chết, những sự đày đọa khủng khiếp chỉ vì không hợp tác, không nghe theo và không đồng tình với cộng sản… tất cả những điều đó tạo ra một nỗi sợ hãi và dần hình thành trong con người họ một bản tính tuân phục, đồng tình và thậm chí bảo vệ chế độ. Đây là quá trình hình thành tự nhiên trong tâm trí để cá nhân tự bảo vệ mình trước hoàn cảnh thực tế vô cùng nghiệt ngã, tàn bạo. Sự ám ảnh khi chứng kiến và trải qua giai đoạn lịch sử tồi tệ cũng đồng thời tạo nên bản tính thứ hai của phần lớn những người thuộc thế hệ từ 70 tuổi trở lên hiện nay.
– Thế hệ dưới 70 tuổi, hoặc sinh ra từ năm 1950 trở về tuy không còn phải chứng kiến những cái chết oan nghiệt, tàn bạo, vô lý nhưng sự đày đọa khi những người phản kháng hoặc không đi theo, không đồng tình với đường lối chính sách của đảng và nhà nước vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đồng thời, với sự bưng bít thông tin và sự tuyên truyền, nhồi sọ, họ đã không thể phân biệt được đúng, sai. Khi đã không phân biệt được đúng sai, lại sống trong môi trường bị phân biệt đối xử, phân chia giai cấp, thành phần cũng dẫn tới thế giới quan a dua, toa rập và lệch lạc. Như vậy, việc hình thành bản tính thứ nhì đối với thế hệ này là để tránh sự đày đọa và phân biệt đối xử, và đến giai đoạn đổi mới, mở cửa là vì quyền lợi, lợi ích.
– Đối với thế hệ trẻ hơn, sinh từ năm 1975 trở lại đây, khi họ lớn lên, xã hội đã sang một thời kỳ mới. Sự tàn bạo, đày đọa con người do khác biệt chính kiến, quan điểm không còn khắc nghiệt nữa, nhận thức được mở rộng hơn nhưng cũng hỗn loạn hơn. Đây là thế hệ khổ sở về mặt nhận thức bởi những lý do sau.
Thứ nhất, họ không được trang bị kiến thức và phương pháp nhận thức xã hội đúng đắn do sự thất bại liên miên của giáo dục và cải cách giáo dục.
Thứ hai, toàn bộ hệ thống giá trị, thế giới quan, nhân sinh quan mà họ được đào tạo, giáo dục đã thất bại hoàn toàn, đã bị nhân loại bác bỏ nhưng họ vẫn phải học, phải bị nhồi nhét. Trong khi thực tế cuộc sống cũng đi ngược lại toàn bộ những điều được dạy trong sách vở. Đối với thế hệ sinh sau 1975, họ không hình thành bản tính thứ nhì dựa trên những nỗi sợ hãi. Nhưng do những giá trị xã hội đảo lộn, hỗn loạn mà việc hình thành bản tính thứ nhất bị khiếm khuyết. Xã hội không có những chuẩn mực để định hình những giá trị cần thiết của bản tính thứ nhất. Chính vì vậy,việc hình thành lý tưởng của thế hệ này khó hơn các thế hệ trước, phần lớn họ nhắm tới các lợi ích ngắn hạn, trước mắt có thể xấu hoặc tốt. Trong bối cảnh độc tài toàn trị của đất nước, thì lợi ích luôn song hành với sự tung hô, đồng tình và bảo vệ chế độ. Như vậy, dù không có bản tính thứ nhì, không bị chi phối bởi bản tính thứ nhì nhưng do xu hướng nhắm tới các mục tiêu trước mắt mà thế hệ này cũng khó tiếp cận với chân lý và hiện thực khách quan.
II/ Nâng cao nhận thức
Khi chúng ta nói tới việc nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng luôn có hai yếu tố có tính chất quyết định, đó là nhận thức và thái độ. Xét đến cùng thì thái độ cũng là nhận thức nhưng ở tầng mức cao nhất, tổng quát nhất và toàn diện nhất.
Lấy một ví dụ, có người chưa hiểu nhiều, chưa hiểu hết về chế độ cộng sản, vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, nhưng họ đã xác định, chế độ cộng sản là chế độ tàn bạo, vô nhân gây ra nhiều tội ác đã bị nhân loại phỉ nhổ và loại bỏ… thì người đó có thái độ đúng, cũng chính là có nhận thức tổng quát đúng. Với thái độ đó, không khó để người này tiếp cận các tư liệu, tài liệu, sách vở để hiểu được những vấn đề phức tạp của chế độ cộng sản. Nếu thái độ không đúng, dù có nhiều dẫn chứng và bằng chứng, người ta vẫn có thể tìm ra những lý do để biện minh, bào chữa cho sự sai trái và tội ác. Nếu thái độ đúng nhưng không triệt để, thì họ sẽ bị sa vào những mâu thuẫn không thể lý giải nổi. Ví dụ, nhiều người cho rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam, hay chủ trương đường lối chính sách của đảng cộng sản Việt Nam đến năm 1975 là đúng, hoăc đến khi đổi mới là đúng. Sau năm 1975 , hoặc sau đổi mới đảng cộng sản mới tha hóa, biến chất… Nhưng khi hỏi rằng, nếu đến năm 1975, hoặc đến đổi mới là đúng thì tại sao lại có cải cách ruộng đất, tại sao lại có đánh tư sản miền bắc, đánh tư sản miền nam và nhiều tội ác khác của đảng cộng sản?
Tất nhiên, nếu một người tìm hiểu, nghiên cứu với một thái độ khoa học, tức là tôn trọng lịch sử và sự thật khách quan, nhận thức sẽ đưa tới thái độ và những kết luận tổng quát chính xác và hoàn chỉnh. Để vượt qua được tất cả những khúc mắc, những lực cản tâm lý, ảnh hưởng của bản tính thứ nhì và những toan tính trước mắt, chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn và triệt để về chế độ cộng sản nói chung và chế độ cộng sản Việt Nam nói riêng…
(còn nữa)