“Điểm đến” là một khái niệm chuyên dùng của ngành du lịch, dành cho nơi du khách ưa thích. Nhưng “điểm đến” cũng có thể trở thành một thuật ngữ chính trị, nhất là trong bối cảnh bàn cờ thế chính trường Việt Nam đang ngùn ngụt khó bốc ra từ “lò” của Tổng bí thư Trọng.
Vụ “Mobifone mua AVG” liên đới trách nhiệm của nhiều bộ ngành quản lý là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Văn phòng chính phủ. Nhưng cơ quan nào mới là trọng điểm của chiến dịch tập kích của ông Trọng?
Sau cú phản đòn với văn bản phản bác kết luận thanh tra nhưng không thành công khi bị chính cấp trên ra lệnh gỡ văn bản đó khỏi mặt báo chí nhà nước, Trương Minh Tuấn còn bị chính những tờ báo cấp dưới của ông ta dẫn ra những bằng chứng rõ rệt để quy ông Tuấn vào hành vi “cố ý làm trái” – một tội danh mà vào tháng Giêng năm 2018, cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã phải chịu trong phiên tòa “119 tỷ” và do đó đã phải nhận mức án đến 13 năm tù giam. Số phận Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn coi như “xong”, hoặc chỉ còn rất ít hy vọng “thoát”.
Nhưng đến giờ này và với ông Trọng, có lẽ câu chuyện cùng số phận của ủy viên trung ương đảng Trương Minh Tuấn chỉ là “chuyện nhỏ”. “Điểm đến” lớn hơn, hoặc lớn hơn hẳn, là Bộ Công an.
Nếu trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về vụ AVG được báo chí nhà nước mổ xẻ và bổ sung chi tiết, Trương Minh Tuấn là người ký phê duyệt dự án mua bán này khi ông ta còn là thứ trưởng Bộ TT-TT, thì cấp lãnh đạo nào của Bộ Công an đã ký các văn bản mà trong đó “Bộ Công an tham gia ý kiến với Bộ TT-TT”?
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ, những văn bản trên bao gồm:
– Văn bản số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, đề nghị Bộ TT-TT hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất;
– Tuy việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ TTTT (Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015), nhưng Bộ Công an có Văn bản số 418/BCA-TCAN ngày 09/3/2015, thống nhất với Bộ TTTT về việc đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TTTT với mức độ “MẬT”, thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin.
– Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có văn bản số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 gửi Bộ TTTT, trong đó có nội dung: Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ TTTT chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu. Phương án Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 của Bộ TTTT đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…
Những nội dung trên và liên đới trách nhiệm của ai đó trong giới quan chức cao cấp Bộ Công an , tuy chưa được báo chí nhà nước mổ xẻ, nhưng vào những ngày gần đây đang xuất hiện khá nhiều tin tức không chính thức và dự đoán trên mạng xã hội về khả năng có những viên tướng cấp rất cao của Bộ Công an đã “dính” vụ AVG, mở ra một phương trình phức hợp mới cho “người giải mã” Nguyễn Phú Trọng.
Hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ Công An – Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ “Nhôm”) và Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa – vào những tháng đầu năm 2018 cho thấy đòn “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng đang giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là “bất khả xâm phạm” này.
Một bản thông cáo báo chí kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào tháng Ba năm 2018 đã hé lộ “Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính trị – Hậu cần (B41), Tổng cục V, Bộ Công an”.
Tổng cục V lại chính là Tổng cục Tình báo – “cái nôi” của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ.
Mặc dù Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đề cập “Trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục B41, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an, đồng chí đã vi phạm Quy chế làm việc; ký giấy ủy quyền và bản cam kết cho phép doanh nghiệp được huy động vốn cho dự án nhà ở Đại Kim không đúng quy định pháp luật, đã tạo sơ hở để cán bộ cấp dưới trực tiếp lợi dụng phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng”, nhưng vào thời gian này đã xuất hiện một số đánh giá cho rằng “đồng chí Trần Quốc Cường” và “một đồng chí thứ trưởng Bộ Công an” có liên đới trách nhiệm trong vụ Phan Văn Anh Vũ.
Bộ Công an – một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực – nhưng đang có tướng công an bị bắt và được Tổng bí thư Trọng chủ trương công khai cho báo chí và dư luận theo cách “vạch áo cho người xem lưng”, rất có thể sẽ bị ông Trọng tiến hành “thay máu” trong thời gian tới.
Từ sau tết nguyên đán năm 2018 đến nay, thông tin về đề án “cải tổ Bộ Công an” càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trung ương 7 (có thể diễn ra vào tháng Năm hoặc sớm hơn – tháng Tư năm 2018), để hội nghị này sẽ “chốt” kế hoạch sắp xếp lại Bộ Công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ Công an.
Leave a Comment