Số phận Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn coi như “xong”, hoặc chỉ còn rất ít hy vọng “thoát”. Sau cú phản đòn với văn bản phản bác kết luận thanh tra nhưng không thành công khi bị chính cấp trên ra lệnh gỡ văn bản đó khỏi mặt báo chí nhà nước, Trương Minh Tuấn còn bị chính những tờ báo cấp dưới của ông ta dẫn ra những bằng chứng rõ rệt để quy ông Tuấn vào hành vi “cố ý làm trái” – một tội danh thường được mặc định đối với giới quan chức tham nhũng mà vào tháng Giêng năm 2018, cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã phải chịu trong phiên tòa “119 tỷ” và do đó đã phải nhận mức án đến 13 năm tù giam.
Một sự đồng điệu khác giữa hai nhân vật trên cũng xảy ra: vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách “minh bạch hóa thông tin” và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là “rất nghiêm trọng” của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, bản giải trình của Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ TT-TT cũng đã bị “thu hồi”. Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của “kẻ bịt miệng” báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng lại.
Giờ đây, Trương Minh Tuấn phải đối diện với một sự thật còn bỉ bôi hơn nhiều so với nỗi chua chát khi ông ta bị chính giới “bị trị” – báo chí nhà nước – vùng lên chống lại ông ta: “đường đi” của Trương Minh Tuấn đang dần khớp với “quy trình” của Đinh La Thăng. Nếu mọi việc vẫn diễn ra “đúng quy trình” thì chẳng bao lâu nữa, Trương Minh Tuấn không những sẽ mất tất cả mọi chức vụ mà còn phải “mặc áo Juventus” – một cụm từ châm biếm đương đại của dân gian Việt Nam xuất hiện kể từ ngày “lò” được nhóm lên.
“Tư cách quan chức” luôn có giá trị của nó. Một cơ sở quan trọng và rất gần gũi để tham khảo cho tỷ lệ phần trăm “cai đầu dài” là vụ Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – cựu cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao trong đường dây “đánh bạc công nghệ cao”: bằng một văn bản thỏa thuận, ông Hóa đương nhiên được nhận 20% trong tổng số lợi nhuận của phi vụ đánh bạc xuyên quốc gia này.
Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu tháng Ba năm 2018, đã xuất hiện một số tin tức trên mạng xã hội về một người có tên là NBS đã âm thầm ôm 800 tỷ đồng đến cơ quan công quyền để nộp lại và coi như “khắc phục hậu quả”.
Con số 800 tỷ trên lại khá tương đồng với tỷ lệ 10% trong tổng số “lợi nhuận” của vụ “Mobifone mua AVG”.
Một tuần sau cuộc họp của Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư về chỉ đạo xử lý vụ “Mobifone mua AVG”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở về nước sau “thắng lợi” ký văn bản quan hệ đối tác chiến lược với người Úc. Rất nhanh chóng, ông Phúc đã đồng ý với các nội dung trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ và có văn bản chuyển hồ sơ thanh tra vụ việc này sang cơ quan điều tra của Bộ Công an. “Vụ án” – dù chưa chính thức được gọi như thế – đã chính thức bắt đầu.
Chiến thuật song trùng của đảng là công tác kiểm tra. Cùng lúc, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã tiếp nhận kết luận thanh tra “sẽ sớm kiểm tra và xử lý trách nhiệm chính trị” của những người liên quan. Không khác gì vụ xử lý đảng viên Đinh La Thăng vào tháng Tư năm 2017.
Trong những ngày tới, những quan chức đầu đàn của Bộ TT-TT như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn sẽ tràn đầy cơ hội được ngồi trong phòng hỏi cung, để khi đó chỉ còn cầu nguyện họ sẽ chỉ bị “cách tất cả mọi chức vụ”…./.
Leave a Comment