Diễm Thi – RFA |
Nghề luật sư được xem là một nghề cao quý trong xã hội bởi luật sư là người bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý nhằm đem lại sự công bằng cho xã hội. Nhưng nghề luật sư ở Việt Nam dường như tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi họ có thể bị kỷ luật bất cứ lúc nào.
Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh hôm 12 tháng 3 ra quyết định xóa tên Luật sư Phạm Công Út, thuộc Công ty TNHH MTV Phạm Nghiêm, khỏi danh sách luật sư của đoàn. Theo báo chí trong nước thì lý do bị kỷ luật là do ông không thực hiện được một hợp đồng với khách hàng nhưng không hoàn trả tiền cho họ.
Trên trang facebook cá nhân của luật sư Phạm Công Út sau đó viết rằng “Có lẽ tôi là người có nhiều kẻ thù, vì tôi mở ra một nhóm mang tên “Hội đồng bào chữa”… mà trở thành cái gai trong mắt của những người cầm quyền hay cầm tiền.”
Trả lời phỏng vấn của đài RFA sau khi nhận quyết định kỷ luật, luật sư Phạm Công Út tỏ ra bình thản đón nhận sự việc, vì với ông, người luật sư giống như một hiệp sĩ:
“Tôi cho luật sư giống như hiệp sĩ thời phong kiến của Châu Âu. Khi làm hiệp sĩ thì có lúc thắng có lúc bại. Lúc thắng thì mang cái thắng đến cho người khác, còn lúc bại thì mình là người phải trả giá. Dấn thân vào con đường hiệp sĩ thì phải chấp nhận vậy thôi.”
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên vào tháng 11 năm ngoái trước phiên xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm, một nhà hoạt động xã hội bị tù vì chỉ trích chính quyền, nói với RFA:
“Tôi thấy điều gì đó khúc mắc vì theo luật, nếu tiền thù lao giữa khách hàng và luật sư giải quyết không được thì sẽ ra tòa để giải quyết theo pháp luật. Nhưng trong trường hợp này thì Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh không bảo vệ thành viên của mình là luật sư Phạm Công Út mà lại đi tước thẻ hành nghề luật sư.”
Luật sư Đôn cho chúng tôi biết thêm thông tin về “Hội đồng bào chữa” mà luật sư Út đề cập ở trên:
“Luật sư Út là người sáng lập ra “Hội đồng bào chữa”, tập trung nhiều luật sư ba miền Nam Trung Bắc chuyên bào chữa miễn phí cho các vụ oan sai trong cả nước. Rất là nhiều vụ đụng chạm, “nhạy cảm” ở Việt Nam nên Cơ quan Tiến hành tố tụng rất ngứa mắt.”
Theo Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thì ông Phạm Công Út có quyền khiếu nại đến Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 12 tháng 3. Luật sư Phạm Công Út từ chối chưa đưa ra lời bình luận gì về dự định của mình sắp tới.
Chúng tôi liên lạc với một số đồng nghiệp của ông thì đa số họ muốn ông phải lên tiếng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng văn phòng luật sư mang tên ông tại Việt Nam nói với chúng tôi:
“Quy trình họ làm thì không sai, điều chúng tôi quan tâm là xử lý về mặt nội dung đúng hay không. Trong tranh chấp dân sự thì tòa án là bên có thẩm quyền giải quyết và tuyên ai đúng ai sai. Mà khi tòa chưa tuyên thì sự việc chưa rõ ràng thì không có lý do gì xử lý thành viên của mình theo cách đó cả. Họ đang làm theo cách suy diễn là chưa đúng.
Chúng tôi đang có ý kiến sẽ cùng với luật sư có các kiến nghị, nhưng bản thân luật sư Út phải kiến nghị trước, tự bảo vệ quyền lợi cho mình trước, chúng tôi thì ủng hộ như trước đây đối với luật sư Đôn.”
Là người từng bị kỷ luật và cũng từng gửi khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư, tuy chưa có kết quả, nhưng luật sư Võ An Đôn vẫn mong luật sư Phạm Công Út khiếu nại vì theo ông, giới luật sư Việt Nam khoảng 14 ngàn người nhưng số luật sư dám nhận bào chữa những vụ được cho là nhạy cảm ở Việt Nam thì rất ít, và nhiều người trong số đó bị tước thẻ. Luật sư Đôn cho rằng những vụ kỷ luật này nhằm dằn mặt những luật sư khác.
Không phải đến thời gian gần đây, những luật sư tham gia bảo vệ cho thân chủ là những người bất đồng chính kiến hay những dân oan bị tước thẻ hành nghề như luật sư Đôn hay luật sư Út, mà trước đây, luật sư Lê Trần Luật cũng bị Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận ra hình thức kỷ luật tương tự khi tham gia bào chữa cho các giáo dân giáo xứ Thái Hà vào năm 2009.
Còn với luật sư Nguyễn Khả Thành, một người không ngại tham gia bào chữa cho giới bất đồng chính kiến thì chia sẻ với chúng tôi rằng cho đến bây giờ thì ông chưa nghĩ việc đó (kỷ luật) xảy ra, nhưng theo ông, trong cuộc sống mọi cái đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và nếu nó đến ông cũng gắng bình thản.
Trả lời RFA về câu hỏi liệu luật sư có thấy lo ngại khi có thể bị kỷ luật như các luật sư đồng nghiệp hay không, luật sư Ngô Anh Tuấn cho chúng tôi biết:
“Bị kỷ luật hay không thì chuyện ngày mai khó nói lắm. Kỷ luật những người như tôi hay những người bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến thì bất cứ lúc nào, với bất cứ lý do gì. Việc đó khó tránh khỏi. Chúng tôi tuân thủ luật pháp, nhưng nếu tuân thủ mà vẫn bị xử lý thì chịu thôi, mình không điều khiển được hành vi của người khác. Mình chỉ làm những gì mà pháp luật và lương tâm cho phép.”
Leave a Comment