Giang Nam (VNTB)
Chùa Bái Đính vốn là một chùa nhỏ trên núi, thuộc Ninh Bình. Trước đây chỉ có dân địa phương quanh vùng cúng lễ hàng năm… bây giờ nhiều trùm đại gia “hô biến” thành chùa thiêng toàn quốc, đại diện cho Phật giáo Việt Nam.
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè
Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) quê Hưng Yên đỗ hoàng giáp tiến sĩ đầu tiên năm 1304 thời Trần khi mới 16 tuổi. Ông từng trấn nhậm đứng đầu các xứ Thanh Hoá, Nghệ An và kinh thành Thăng Long.
Ông để lại những quan điểm sâu sắc: Muốn biết quá khứ, hỏi người đầu bạc/ Muốn biết tương lai, nhìn vào đền miếu.
Năm nào ngành văn hoá cũng công bố nước ta có khoảng 8.000 lễ hội. Đài báo theo đó nhắc đi nhắc lại, gieo một cảm giác khó chịu cho thiên hạ. Sau đó đài báo chọn một số lễ hội “nóng nhất” cho phóng viên đi phản ánh mặt trái nhếch nhác. Năm nào cũng thế, lặp đi lặp lại như điệp khúc.
Lễ hội lớn và tình trạng buôn thần bán thánh được “cấp phép”
Các lễ hội tôn giáo, đa số là đạo Phật, một số ít Đạo giáo, gắn liền với các chùa chiền am miếu. Nổi bật nhất là lễ hội Chùa Hương (huỵện Mỹ Đức, Hà Nội) kéo dài ba tháng được cả nước biết đến, còn vì quần thể thiên nhiên kỳ thú giáp ranh hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hoà. Nam bộ có lễ hội Bà Chúa Xứ cũng gắn với danh lam thắng cảnh, thu hút tín đồ đạo giáo từ Nam bộ ra tới miền Trung
Những lễ hội nào gắn với vùng đất có ưu thế về phong cảnh thiên nhiên kỳ thú có thể thoả mãn nhu cầu du lịch thì phát triển hơn hẳn. Và những nơi này đã nảy sinh tham vọng kinh doanh tâm linh, ban đầu là các chính quyền địa phương đầu tư, sau kéo theo những đại gia và không thể thiếu quan chức có quyền thế “nhúng tay” vào.
Mọi chuyện lùm xùm gần đây chỉ thuộc về các lễ hội Lớn, đặc biệt khi có đại gia cùng quan chức chen vào góp “cổ phần”.
[Về “lễ hội cách mạng”: hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa được nhân dân tự nguyện tham gia. Chủ yếu là do Đài truyền hình và cán bộ ngành văn hoá, cán bộ phường xã tổ chức… sau đó VTV và các đài địa phương đưa lễ hội “vào tận phòng ngủ” mỗi nhà qua màn hình TV.].
Nhà văn Phạm Lưu Vũ đồng thời là một nhà nghiên cứu Phật giáo uyên bác dù không chuyên nghiệp. Ông thường lưu ý tìm hiểu các chùa phật lớn, đặc biệt kinh ngạc trước sự xuất hiện chùa “Bái Đính mới”, đã bỏ công tìm hiểu ngọn nguồn “sự lạ” này.
Chùa Bái Đính là 1 ngôi chùa cổ nhỏ, khiêm tốn ẩn mình trên núi. Giờ vẫn y nguyên như vậy. Chùa gần kề khu quần thể cố đô Hoa Lư Tràng An, xây dựng từ hơn 1.000 năm trước, gắn với nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý giai đoạn đầu (trước khi dời đô ra Thăng Long). Ngôi chùa cổ diện tích 27 hecta, nằm trên sườn núi, giữa các thung lũng và hồ, cửa ngõ phiá tây cố đô Hoa Lư. Tuy nhiên, đến năm 2003, các vị đại gia nhúng tay mở rộng khu chùa đến 170 hecta.
Tập đoàn Xuân Trường, một “con bạch tuộc” khổng lồ ở Ninh Bình, từ khi lọt vào danh sách “sân sau” của 3X, đã bằng nhiều thủ đoạn, thâu tóm hàng trăm héc ta đất rừng xung quanh đó để xây dựng một “Tổ hợp chùa” dập khuôn phong cách Trung Quốc, vận hành theo mô hình “trang trại”, nuôi hàng trăm vị sư có thứ tự lớp lang hẳn hoi, mạo xưng là “Khu du lịch tâm linh”, mạo nhận 2 chữ “Bái Đính”, biến “Bái Đính” thành một “thương hiệu”, thực chất là cỗ máy in tiền khổng lồ của một nhóm lợi ích.
Sử dụng Bái Đính rồi lập lờ đánh lận con đen của ông chủ Xuân Trường đã và đang trở thành hiện thực. Cổng thông tin điện tử của chính phủ chẳng phải vô tình đã giới thiệu “Trang trại chùa Bái Đính” (của Xuân Trường) là ngôi chùa có từ hàng ngàn năm nay (!). Điều này hoàn toàn là sai sự thật
Và nhóm nhà đầu tư dưới mác Phật Giáo đó cũng không quên “quảng cáo” cho những “kỉ lục” nhất thế giới, nhất châu Á, nhất Đông Nam Á, và nhất nước của mình. Từ đây, chùa Bái Đính vốn là một chùa nhỏ trên núi, thuộc Ninh Bình đã được “hô biến” thành chùa thiêng toàn quốc, đại diện cho Phật giáo Việt Nam.
Chưa dừng tại đó, khi “dịch vụ tâm linh” tạo ra nguồn thu siêu lợi nhuận, ông Nguyễn Xuân Trường tiếp tục dự án 10.000 tỷ đồng nhằm xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, chùa Tháp thuộc khu du lịch với tham vọng là Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới.
Theo đó, chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2.
Ngoài ra, ông Trường còn tham vọng xây dựng 1 tổ hợp “tâm linh” khác còn lớn hơn cả Bái Đính nữa tại tỉnh Hà Nam. Trong đó, “di dời” cả khu trại giam (Ba Sao) để dành đất đai lại cho nó. Điểm “tâm linh” này nằm trên đường kẻ nối từ chùa Hương tới Bái Đính.
Tại phía Nam, tình trạng “buôn thần thánh” không khá hơn, khi bức tượng “Bà Chúa Xứ” An Giang sắp có bản copy thứ 2
Đây là thần tượng, thần tích linh thiêng bậc nhất vùng Nam bộ và Trung bộ. Và nay, Cty MGA đang xây thêm một bản nhái.
Lãnh đạo sở VH và Tỉnh sơ duyệt nhất trí dự án “Bà Chúa Xứ copy” cuả Cty cáp treo MGA, rồi đưa ra Bộ VH. Bà thứ trưởng Bộ này chả biết gì, tin tưởng ở đảng địa phương, cũng nhất trí dự án luôn, giấy tờ đều đóng dấu mộc đỏ với dòng ghi chú: “Cần lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân địa phương Châu Đốc”.
Đây là sự ngược đời! Bởi đáng lý ra, các vị quan chức phải hỏi ý kiến nhân dân rồi hãy ký duyệt chứ.
Khi địa phương bức xúc hỏi, nhà báo chất vấn, ông chủ đầu tư dự án chìa giấy tờ ra nói “Tỉnh và Bộ đồng ý cả rồi. Vội quá nên chưa hỏi ý kiến nhân dân được, làm xong sẽ hỏi sau…”!
Cũng như nhiều địa điểm tâm linh khác, người hành hương đến Bái Đính và cố đô Hoa Lư hầu như không còn biết ngôi chùa cổ nghìn tuổi mang tên chính chủ nằm trên sườn núi xa. Họ bị hút vào chùa “mới” hơn 10 tuổi rực rỡ, hoành tràng với nhiều dịch vụ.
Thế mới biết, cái thời niềm tin đi xuống thì “buôn thần bán thánh” với cái hoành tráng, to lớn, tiện ích là siêu lợi nhuận. Tất nhiên, đằng sau mỗi dự án “du lịch tâm linh”, là những đại gia và quan chức “đỡ đẻ”.
Leave a Comment