Ánh Liên (VNTB)
Khẩn trương xác minh và báo cáo’ – quan điểm và nguyên tắc thường thấy từ những lãnh đạo thuộc lực lượng công an nhân dân mỗi khi trong ngành có sự kiện lên báo.
Giả thiết là 10 tin về lực lượng công an, trong đó trọng điểm là CSGT, thì 9 tin là về sai phạm khi thực hiện hành vi công vụ gây bức xúc dư luận, đặc biệt là ‘làm luật’. Một tin còn lại là nhặt được của rơi, dẫn người già qua đường, hay đưa em nhỏ bị lạc về với gia đình.
Ông Thứ trưởng Bộ Công an trong buổi trao đổi vào sáng 14.03 với báo Tiền Phong về việc, nhiều đội CSGT tại Hà Nội làm luật có cách trả lời rất khéo léo. Phóng viên hỏi rất sát, và ông trả lời theo hướng: Hiện tượng tiêu cực, mãi lộ, chung chi thì dư luận vẫn suy nghĩ thế. Quan điểm của Bộ Công an là nếu phát hiện thì vẫn phải xử lý.
Lực lượng CSGT thuộc Công an Hà Nội nhận ‘vật giống tiền’
Câu trả lời không xác thực được có hay không chuyện mãi lộ hay phát hiện mãi lộ, mà chỉ vì dư luận ‘suy nghĩ thế’. Còn quan điểm của Bộ, thì ‘nếu phát hiện thì vẫn phải xử lý’.
Ông Thứ trưởng khéo léo quá, nên dẫn đến chuyện cảm giác của câu trả lời mang tính lẩn tránh, không dám nhìn vào sự thật; và ngay cả việc ‘vẫn phải xử lý’ nó mang tính gượng ép, thụ động hơn là thực tâm phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành.
‘Vật giống tiền’ không cho thấy tính thận trọng, mà nó cho thấy sự thiếu nhìn thẳng vào sự thật nhằm bảo vệ hình ảnh CSGT trong mắt người dân. Và chừng nào yếu tố này còn tồn tại, thì chừng đó, những ‘vật giống tiền’ vẫn sẽ tiếp tục hiện diện trong hành xử hàng ngày của lực lượng CSGT trên mọi nẻo đường của thủ đô và các tỉnh thành khác.
Không chỉ ông, mà rất nhiều người dân cũng rất cảm thông với một lực lượng phải đứng ngoài trời với khói bụi và nguy cơ tai nạn cao như CSGT. Và người dân cũng rất mong muốn tuyên dương, khích lệ những bộ phận CSGT vì những công lao và sự vất vả của họ. Tuy nhiên, khi ‘dư luận suy nghĩ thế’, thì tức cái xấu mà phía CSGT vẽ ra so với cái tốt của họ thường cao hơn, thậm chí lấn át theo tỷ lệ 9:1.
Nếu không tin vào tỷ lệ đó, ông Thứ trưởng Bộ Công an có thể ‘vi hành’ trong vai thường dân; vi phạm luật hoặc đi vào một địa điểm có thể ‘bị làm luật’, ông sẽ trực tiếp nhận thấy được, cấp dưới của mình sẽ xử sự ra sao. Hy vọng rằng, ông sẽ không bị rơi vào trường hợp như phóng viên Hoài Nam (báo Thanh Niên) – người mà vào năm 2012, vì tạo tình huống khi viết bài về tiêu cực trong lực lực CSGT, đã bị gán tội ‘tạo tình huống thúc đẩy hành vi phạm tội của người khác’, hay nói nôm na là ‘gài bẫy CSGT’. Ngoài nhà báo Hoài Nam, còn có cả phóng viên Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ) cũng dính lỗi tương tự.
Hoặc không, ngài Thứ trưởng có thể gõ thử cụm từ ‘CSGT’ trên Google, sẽ cho ra 3,160,000 kết quả, nhưng phần lớn xoay quanh ‘làm luật’; ‘mãi lộ’; ‘nhận tiền’; ‘dẫm lên tiền’,…
Giải pháp đâu?
CSGT với những tiêu cực của mình gây ảnh hưởng xấu đến lực lượng công an nhân dân, điều này cần phải thừa nhận thẳng thắn.
Báo Tuổi Trẻ vào ngày 5.9.2011 đã đăng tải bài viết với tiêu đề phản ánh đúng thực trạng nạn tham nhũng vặt, mãi lộ của ngành CSGT: Nhức nhối nạn mãi lộ: ghê hơn cướp cạn. Bạn đọc TTO đã phản ảnh những giải pháp như: Chính phủ không vào cuộc thì dân chỉ có chết; Cần có đường dây nóng để nghe phản ánh của các bác tài;…
Cho đến nay, những giải pháp từ bạn đọc này vẫn chưa được lắng nghe, và chưa thực sự hiện diện trong đời sống. Nạn mãi lộ vẫn hoành hoành từ Bắc chí Nam, và không chừa bắt kỳ một khung đường hay tỉnh thành nào cả.
Trung tướng Lê Đông Phong (Giám đốc CA. Tp. Hồ Chí Minh) trong lần trả lời về việc dẹp nạn mãi lộ, ông thẳng thắn cho rằng, trách nhiệm trước hết phải thuộc về người đứng đầu.
‘Chúng ta không chấp nhận các cá nhân cán bộ, chiến sĩ suy thoái đạo đức, tiêu cực’, Trung tướng Lê Đông Phong.
Không chấp nhận phải được hiểu là sẵn sàng sử dụng biện pháp cứng rắn nhất liên quan đến việc kỷ luật, sa thải, buộc thôi việc, giáng cấp,… Những biện pháp này rõ ràng sẽ cực kỳ hữu hiệu trong thời điểm mà bản thân ngành công an đã và đang thực thi tinh giảm biên chế.
Vậy những biện pháp cứng rắn này đã được các lãnh đạo ngành Công an thực thi hay chưa? Trong khi ngành luôn đề cao tính kỷ luật, và coi đó là đức tính sống chết của ngành? Bởi nếu không thực thi kỷ luật theo hướng siết chặt, thì dù có đề ra ’15 điều CSGT không được làm’ như cách mà Công an Hà Nội ban hành từ năm 2013, sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Bởi lý do: thiếu tính chế tài mang tính răn đe thực sự.
Trong khi chờ lãnh đạo Bộ Công an có giải pháp hữu hiệu, thì hằng ngày cho đến hằng giờ, người dân vẫn phải ‘nôn’ tiền trước sự ‘làm luật’ của không ít CSGT. Và hình ảnh CSGT trong dân vẫn cứ xấu đều, dù tin tốt ‘nhặt tiền rơi; dẫn cụ già; đưa em nhỏ’ về với người thân vẫn hiện diện một cách gượng gạo trên mặt báo.
Leave a Comment