Tưởng niệm Gạc Ma

- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

Biến cố Gạc Ma xảy ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988.

Sau 30 năm (1988-2018) im lặng đớn hèn, 30 năm cố giấu diếm và chối bỏ, 30 năm tẩy xóa ký ức của một dân tộc thất bại, cuối cùng, nhà cầm quyền CSVN đã chính thức công khai cuộc thảm sát ở Gạc Ma khi 64 người lính công binh Việt Nam bị giết bởi quân xâm lược Trung Quốc trước truyền thông và công luận.

Sự kiện đau đớn bi thảm này là một vết nhục muôn thủa, mối hận thiên thu đối với dân tộc Việt Nam. Không phải vì 64 người lính đã ngã xuống trước mũi súng kẻ thù, các anh không hổ thẹn với non sông, không hổ thẹn với tiền nhân và nhân dân khi trong tay chỉ có súng trường, đứng giữa biển mênh mông không nơi ẩn nấp, giương cao ngọn cờ mà giơ ngực để cho những làn đạn phòng không 37 ly bắn thẳng xé toạc người mình. Cũng không phải vì mất mát to lớn khi một phần lãnh thổ bị cắt rời khỏi cơ thể mẹ Việt Nam khi đã nhuốm đỏ máu của những đứa con mình.

- Quảng Cáo -

Nỗi hổ thẹn và sỉ nhục mang tên Gạc Ma là sự đớn hèn đến cùng cực, sự đốn mạt của toàn bộ hệ thống chính trị dưới thể chế CSVN và cả một đội quân gần 1 triệu người đã hoàn toàn qui hàng dưới lệnh của chỉ huy cấp cao nhất vào lúc đó – đại tướng, bộ trưởng quốc phòng Lê Đức Anh và tổng bí thư CSVN lúc đó là Nguyễn Văn Linh.

Vì thế ngày 14.03.1988 là ngày mà cả một nền Độc Lập đã bị đánh đổ và cả một thể chế đã quì gối hèn hạ và để rồi sau đó 2 năm sau – 1990, những người CS lại tay trong tay thắm thiết ở hội nghị Thành Đô, như chưa hề có Gạc Ma, chưa hề có cuộc thảm sát tắm máu 64 chiến sĩ để rồi những hy sinh của họ cũng chìm vào quên lãng vong ơn suốt 30 năm.

Cần phải nhắc lại cho thế hệ sau diễn biến về cuộc thảm sát Gạc Ma – một cuộc thảm sát thực sự – hoàn toàn khác với cuộc hải chiến Hoàng Sa bi tráng oai hùng 1974 khi hải quân VNCH tuy với lực lượng ít hơn nhiều so với Trung Cộng nhưng họ chủ động chiến đấu và giáng trả những đòn kinh hoàng cho địch quân trước khi ngã xuống. Dù cho Trung Cộng cố gắng che giấu thiệt hại của cuộc hải chiến Hoàng sa, nhưng sau ¼ thế kỷ, những chi tiết về tổn thất của hải quân Trung cộng trong cuộc chiến đó đã bị phanh phui.

Tại nghĩa trang Hải Nam, bác sỹ Trần Đại Sỹ, trong môt chuyến tham quan đã ghi nhận những tử sỹ của Trung cộng trong cuộc hải chiến này, cho biết là hầu hết các hạm trưởng tham gia chiến dịch đều bị hỏa lực pháo của VNCH bắn trúng tháp chỉ huy và tử thương. Danh sách các sỹ quan chỉ huy Trung cộng tử trận bao gồm:

– Hộ tống hạm Kronstadt (K-271), Hạm trưởng là Đại-tá Vương Kỳ Uy, tử thương.

– Hộ tống hạm Kronstadt (K-274), Hạm trưởng là Đại-tá Quan Đức, tử thương.

Đây là Soái hạm của chiến dịch.

– Tư lệnh mặt trận là Đô-đốc Phương Quang Kinh, Tư-lệnh phó Hạm đội Nam-hải của Trung-quốc với bộ Tham mưu Hành-quân đi trên chiến hạm K-274. Khoảng giữa trận chiến, ông cùng bộ Tham mưu tử thương (1 Đô-đốc, 4 Đại-tá, 6 Trung-tá, 2 Thiếu-tá, và 7 Sĩ-Quan cấp úy)

– Trục lôi hạm (K-389), Hạm trưởng là Trung-tá Triệu Quát, tử thương

– Trục lôi hạm (K-396), Hạm trưởng là Đại-tá Diệp Mạnh Hải, tử thương.”

Cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, tuy VNCH đã để mất Hoàng Sa vào tay Trung cộng trong cuộc chiến không cân sức nhưng đó là cuộc chiến đấu anh dũng, oai hùng của trung tá Ngụy Văn Thà và những đồng đội, đã khiến cho kẻ thù khiếp sợ và chịu tổn thất nặng nề. Trong khi đó, Gạc Ma 1988, là một cuộc thảm sát. Những người lính công binh Việt Nam không có vũ khí và phương tiện chiến đấu, không được cảnh báo nguy cơ xung đột, không có thông tin trinh sát, không có chỉ huy tác chiến, hỏa lực yểm trợ.

Vào sáng ngày 14.03.1988, họ được lệnh ra “giữ đảo” Gạc Ma bằng cuốc xẻng và 2 khẩu AK47, trong một bối cảnh Trung Quốc đã liên tục điều động một lực lượng lớn hải quân chiếm giữ các đảo Chữ Thập ở phía Bắc Trường sa Đông ngày 31.01.1988, chiếm đảo Châu Viên ngày 18.02, chiếm đảo Gaven kế liền đảo Nam Yết (có lực lượng đồn trú của hải quân VN) ngày 26.02 và ngày 28.02 thì chiếm luôn đảo Tư Nghĩa nằm giữa hải đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông của Việt Nam.

Đoạn clip mà lính hải quân Trung Quốc hạ nòng pháo phòng không 37 ly bắn thẳng vào những người công binh Việt Nam do chính phía Trung Cộng quay phim ghi lại và sau đó họ đưa lên trên mạng internet. Những người lính Việt Nam đã thực sự bị biến thành bia thịt sống trước hỏa lực của Trung cộng.

Sau sự kiện bi thảm này, quân đội Việt Nam hoàn toàn không đưa người ra gom xác đồng đội hoặc có bất cứ cuộc phản công nào. Tất cả đều câm nín. Ngày 23.03, hải quân Trung Quốc chiếm thêm đảo đá Subi trước khi kết thúc cuộc xâm lược Trường sa mà không chịu bất cứ tổn thất và phản kích nào từ phía hải quân Việt Nam. Tới tận ngày 31.03.1988, một nhóm nhỏ hải quân Việt Nam được điều ra nhưng cũng tránh đụng độ với hải quân Trung cộng như là để xem xét “nghiệm thu” kết quả cuộc xâm lược của Trung cộng.

Ngày 1.4.1988, Hà Nội mới rụt rè đề nghị phía Trung Quốc “tạo điều kiện” thả tù nhân và cho phép “cứu trợ nhân đạo”. Phải đến 3 năm sau, phía Trung Cộng mới thả những chiến sỹ hải quân VN Gạc Ma cuối cùng cho Việt Nam. Họ bị lãng quên nhanh chóng theo “đúng qui trình” và bị phong tỏa cô lập để buộc phải “im lặng”. Nhưng họ cũng vẫn còn may mắn hơn 64 đồng đội đã nằm lại dưới lòng đại dương, thân xác nát tan, trôi dạt khắp vùng biển đảo quê hương và từng đó những gia đình, những bà mẹ, những người vợ đã sống trong tủi hờn, uất hận, đau khổ tận cùng suốt 30 năm qua.

200 công an, an ninh, cảnh sát giao thông được điều động để ngăn cản, đánh đập và bắt bớ những người tham dự lễ tưởng niệm cuộc thảm sát Gạc Ma ngày 14-3-2017. Dũng Phi Hổ và Ðỗ Thanh Vân là hai trong nhiều nạn nhân bị đánh ở đồn công an tại Hà Nội. (Ảnh: Dũng Phi Hổ)

Nhiều thập kỷ sau đó, hai từ “Gạc Ma” như là một “cấm địa” không được phép bàn, nhắc tới cho tận tới ngày hôm nay. Trong nhiều năm, những người đấu tranh dân chủ tự tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng nhớ những anh hùng vị quốc vong thân trong cuộc chiến Hoàng Sa và Gạc Ma đều bị nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay hết sức hèn hạ và tàn độc.

Có lẽ, phải đợi cho kẻ được coi là “bố già” của Đảng cầm quyền là Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước, cựu bộ trưởng quốc phòng và là kẻ chủ trương cầu hòa, dâng biển đảo cho giặc và coi sinh mạng của những người lính Gạc Ma như những con dê tế thần cho kẻ giặc phương Bắc, đã được Diêm vương réo tên và quan trọng hơn cả là sự trở lại của người Mỹ với sự kiện lịch sử Tàu sân bay USS Carl Vinson ghé thăm Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9 tháng 3 vừa qua, Hà Nội mới chính thức công khai sự kiện bi thảm này.

Ngày 14.03.2018, trên hầu hết các trang báo mạng của truyền thông “lề Đảng”, cái tên Gạc Ma được nhắc đến. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm do người dân tổ chức thì vẫn bị nhà cầm quyền bắt giữ, câu lưu. Người CS dù đã toàn trị về chính trị, kinh tế, xã hội những từ trong tâm khảm của một chế độ bạo quyền lại run sợ trước sự thực và phán xét của lịch sử.

Gạc Ma cùng những phần lãnh thổ, biển đảo của mẹ Việt Nam đã bị cắt rời, cũng là mộ phần cho những người lính đã ngã xuống, một vết ô nhục muôn đời cho thể chế CSVN đê hèn, tàn mạt. Hận thù có thể xóa bỏ nhưng lịch sử thì không bao giờ được phép lãng quên. Những người lính Gạc Ma bị bán đứng, bị phản bội bởi chính những chỉ huy và lãnh đạo của Đảng CSVN cần được ghi nhận, đền đáp cho vong linh của những người đã khuất bớt tủi hờn.

Cũng như những anh hùng vị quốc vong thân VNCH trong cuộc hải chiến 1974 phải được chính thức lưu danh sách sử và tôn vinh. Tất cả họ, những người lính dù là VNCH hay QĐND VN, đều đã hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và Tôn nghiêm của dân tộc này.

Nếu làm được điều đó, thể chế CSVN sẽ thể hiện được sự thành ý cho một cuộc hàn gắn nhân tâm của Dân tộc mà chia cắt đó không phải bởi chiến tranh mà bởi sự hèn hạ và ngu xuẩn, hẹp hòi của những kẻ cầm quyền. Hãy trả lại sự thực cho lịch sử, ghi nhận những chân giá trị để mở đầu cho công cuộc khôi phục đất nước bằng việc khôi phục niềm tin và nhân tâm.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here