Paulus Lê Sơn
30 năm trôi qua, 64 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh trước giặc thù Trung Cộng xâm lược biển đảo của ta trong trận chiến Trường Sa năm 1988. Lời hiệu triệu, ý chí quyết tâm của Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Gạc Ma là gì?
Một câu hỏi bình thường liên quan đến địa danh địa lý, nhưng với Gạc Ma thì nó không hề bình thường chút nào, mà nó là một nỗi đau lớn của cả dân tộc. Thử hỏi, đất nước gần 100 triệu dân này mấy ai biết về Gạc Ma ở đâu, liên quan đến sự kiện như thế nào của đất nước, nó có ý nghĩa thiêng liêng ra sao đối với dân tộc này ?
Gạc Ma là một đảo trong cụm đảo tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vào đúng ngày 14/3/1988 Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604, HQ 605, thảm sát 64 chiến sĩ, chiếm trái phép bãi đá Gạc Ma của Việt Nam. Ở nơi ấy;
“64 liệt sĩ anh hùng
Xác thân để lại muôn trùng đại dương
Các anh để lại máu xương
Trong từng tấc biển quê hương anh hùng.”
(Thơ Nguyễn Khắc Thiện)
Ấy thế mà dân ta không được biết đến biến cố lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc, của những người lính hi sinh thân mình giữ biển đảo quê hương? Tại sao cuộc thảm sát Gạc Ma của quân xâm lược Trung Cộng lại bị đảng cộng sản bưng bít thông tin? Đó là những câu hỏi người dân Việt cần phải được trả lời.
Từ đầu súng Đảng treo
Theo như ông Nguyễn Văn Thống, một người sống sót trong khi tiến vào Gạc Ma xác nhận với Đài Á Châu Tự Do, lệnh không được nổ súng chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Ông Thống nói: “Bên mình lúc ra đi là quán triệt không được nổ súng bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng”.
Ông thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh Triết tổ chức rằng: “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng!”.
Ông Nguyễn Khắc Mai giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết vai trò của ông Lê Đức Anh lúc ấy là Bộ trưởng Quốc Phòng, người được xem là đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng:
“Ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi bấy giờ là ngài Lê Đức Anh đã ra cái lệnh như vậy mà anh Lê Mã Lương đã tường thuật trong hội thảo tưởng niệm Gạc Ma của chính Trung tâm Minh Triết tổ chức ở Khách sạn Công đoàn năm ngoái, thì bây giờ ta phải công khai cái này.
Một Bộ trưởng Quốc Phòng thấy giặc nó xâm lấn bờ cõi của mình mà ra lệnh không được chống lại, đứng im như thế cuốn cờ lên người mình để cho nó nã súng nó bắn.”
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đánh giá hành động của ông Lê Đức Anh: “Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc”.
Đến Đảng treo lòng yêu nước
Từ ghế nhà trường, Lịch sử không đề cập đến Gạc Ma dạy cho học sinh để nhắc nhớ về cuộc thảm sát của quân xâm lược Trung Quốc. Đến tận ngày nay, 1/3 thế kỷ trôi qua, người dân phải tự mày mò tìm hiểu về cuộc thảm sát 64 anh hùng dân tộc nhưng để tưởng niệm Gạc Ma thì lại bị cộng sản qui cho là nhạy cảm, phản động.
Ông Đại tá Phạm Hữu Thắng, nguyên nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lịch sử Quân sự, nói với BBC: “thực sự sự kiện Gạc Ma liên quan đến biển đảo, nó là cái nhạy cảm”.
Trong những năm vừa qua, người dân Việt Nam từ Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác bày tỏ lòng tri ân, biết ơn và tưởng niệm sự hi sinh của các chiến sĩ tại Gạc Ma thường bị nhà cầm quyền tìm mọi cách ngăn cản, cấm đoán, thậm chí đàn áp, bắt bớ.
Thật là bi hài với một nhà nước cầm quyền lại run sợ trước kẻ thù phương Bắc xâm lược biển đảo, bắn giết chiến sĩ của ta, coi chuyện đó là “nhạy cảm”. Trong khi, những biến cố nồi da xẻ thịt, chém giết lẫn nhau trong cuộc chiến Nam – Bắc thì cộng sản Hà Nội lại tổ chức một cách rầm rộ, coi đó là niềm tự hào, sự kiêu hãnh và hào hùng.
Đất nước này rồi sẽ đi về đâu với một thể chế cầm quyền với những hành động phản động, phản quốc như lời của ông Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ?
Leave a Comment