CTM Media: Thưa ông Nguyễn Kim, tại sao Mặt Trận vào lúc đó đã chọn tổ chức buỗi lễ Công bố Cương Lĩnh Chính Trị tại vùng biên giới Thái–Lào?
Ông Nguyễn Kim: Trong 5 năm (1975-1980) đầu, sau khi toàn thể đất nước rơi vào vòng thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam, có thể nói là hạ tầng cơ sở đấu tranh của các lực lượng kháng cự lần lượt bị lực lượng an ninh của Cộng sản Việt Nam triệt hạ.
Ngoài ra, sau khi lực lượng Cộng sản Việt Nam đưa quân xâm chiếm Kampuchia vào đầu năm 1979 và khống chế Lào để thành lập Liên Bang Đông Dương, đã khiến cho các quốc gia trong Khối ASEAN vào lúc đó lo ngại. Đặc biệt là chính quyền Thái Lan và Tân Gia Ba rất lo sợ lực lượng Cộng Sản Việt Nam sẽ tràn qua hai nước này để cộng sản hóa cả khối ASEAN. Chính ông Nguyễn Cơ Thạch, Ngoại trưởng CSVN vào năm 1980 đã từng hăm dọa Thái Lan rằng: lực lượng quân đội Cộng sản Việt Nam chỉ cần một ngày là có thể đưa chiến xa đến thẳng Thủ đô Bangkok.
Vì thế, để xây dựng lại tiềm lực đấu tranh lâu dài, Mặt Trận hay bất cứ tổ chức đấu tranh nào vào lúc đó cũng đều phải nỗ lực thiết lập một căn cứ nằm gần Việt Nam nhất để huấn luyện nhân sự, hầu tiếp tục nuôi dưỡng phong trào đấu tranh tại Việt Nam.
Trong tình hình nói trên, Mặt Trận đã được sự hậu thuẫn từ chính quyền Thủ Tướng Prem của Thái Lan vào lúc đó, nên đã chọn vùng biên giới Thái – Lào làm nơi xây dựng căn cứ hoạt động từ cuối năm 1981. Căn cứ này cũng là nơi Mặt Trận chọn để công bố Cương Lĩnh Chính Trị vào ngày 8 tháng 3 năm 1982.
CTM Media: Cảm nghĩ của ông ra sao khi được tham dự vào biến cố lịch sử này?
Ông Nguyễn Kim: Tôi tham gia Mặt Trận và được sinh hoạt trong căn cứ tại biên giới Thái-Lào từ năm 1981. Phải nói đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của chính tôi khi tìm lại được lẽ sống và lý tưởng để phục vụ quốc gia và dân tộc, sau biến cố 30/4/1975.
Chính vì vậy mà khi được trực tiếp tham gia vào việc tổ chức, và nhất là được hiện diện trong buổi lễ công bố bản Cương Lĩnh Chính Trị vào ngày 8 tháng 3 năm 1982, tôi có một niềm hãnh diện sâu xa vào lúc ấy là thấy mình quá may mắn được tiếp tục chiến đấu dưới màu cờ chính nghĩa quốc gia.
Vì lý do an ninh, buổi lễ chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng đồng hồ từ 7 giờ30 sáng đến 9 giờ 30 sáng thì phải giải tán ngay; nhưng mọi người tham dự đã coi đây là Ngày Hội Lớn, khi cùng đứng dưới Đại Kỳ Việt Nam Tự Do để xác quyết lời thề Giải Phóng Việt Nam bằng chính sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
CTM Media: Mặt Trận gọi đây là Ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa, xin ông có thể giải thích thêm về ý nghĩa này?
Ông Nguyễn Kim: Nền tảng cốt yếu của bản Cương Lĩnh Chính Trị mà Mặt Trận công bố vào lúc đó là tiến hành cuộc đấu tranh vận dụng, dựa trên phương châm: Lấy chính nghĩa để huy động toàn dân. Lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù. Lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới.
Mặt Trận quan niệm rằng trong cuộc chiến đấu này, người Việt Nam không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một cá nhân hay một dòng họ như thời quân chủ xa xưa. Người Việt Nam cũng không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi cho một giai cấp, một tập đoàn hay một đảng độc tôn nào. Chính nghĩa đấu tranh của người Việt Nam vào thập niên 80, khi Mặt Trận ra đời là kêu gọi mọi người yêu nước cùng đứng lên chiến đấu để giành lấy độc lập và tự do, vì quyền lợi tối thượng của đất nước và lẽ sống còn của toàn dân – từ Bắc chí Nam – đang bị thiểu số độc tài áp bức.
Chính tinh thần đấu tranh này mà Mặt Trận đã gọi đây là Ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa.
CTM Media : Lúc khởi đầu công cuộc đấu tranh, Mặt Trận và hầu hết các tổ chức đấu tranh đều gặp rất nhiều khó khăn mọi mặt, nhưng điều gì đã khiến cho Mặt Trận duy trì tiềm lực đấu tranh cho đến ngày nay?
Ông Nguyễn Kim: Lúc khởi đầu công cuộc đấu tranh, nhất là lúc đi vào vùng biên giới Thái Lào để xây dựng hạ tầng cơ sở hoạt động, số người tham gia phải nói là đếm trên đầu ngón tay. Lúc đó tình hình biên giới rất nóng, vô cùng nguy hiểm và mọi thứ đều phải tự lực, tự túc, tự gây dựng bằng chính bàn tay mỗi người.
Chính trong bối cảnh khó khăn đó, có rất nhiều anh chị em tham gia trong những ngày đầu đã âm thầm nằm xuống vì bệnh tật, sốt rét……Để vượt qua những khó khăn nói trên, tôi nhớ là trong căn cứ anh em thường lưu truyền cho nhau quyết tâm: “chúng ta phải đi bằng cái đầu.” Tức là dù cho thân xác bị đau vì sốt rét, vì bệnh nhưng mọi người phải quyết tâm giữ vững ý chí để chu toàn nhiệm vụ trước mặt. Chính lòng yêu nước và sự hy sinh vì đại cuộc đã gìúp cho Mặt Trận vượt qua nhiều khó khăn và phát triển mạnh mẽ từ đầu năm 1984, sau khi Đài Việt Nam Kháng Chiến chính thức phát sóng tại căn cứ 15 trong vùng biên giới Thái – Lào vào cuối tháng 12, 1983.
Nhìn lại đoạn đường đấu tranh 36 năm sau ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa, Mặt Trận nay là Việt Tân đã trở thành một lực lượng mà Cộng sản Việt Nam coi là một đối thủ đáng gờm và rắp tâm tiêu diệt, nhưng không được. Việt Tân còn trở thành một tổ chức nòng cốt trong phong trào dân chủ ngày nay vì:
Thứ nhất là anh chị em đảng viên và cán bộ sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy và kiên trì đấu tranh, dù phải đối diện với nhiều hy sinh và tổn thất.
Thứ hai là duy trì và giữ được truyền thống bất khuất của các thế hệ Tiên Phong, chấp nhận một cuộc đấu tranh không cân bằng sức lực.
Thứ ba là đã xây dựng được một nền tảng tổ chức quy củ, sinh hoạt dân chủ và mọi trách vụ được thông qua bầu cử công khai. Nhờ vậy mà mọi trách vụ từ trung ương đến địa phương có thể thay thế, để Việt Tân có thể đi đường dài và miên viễn với dòng lịch sử.
Thứ tư là chúng tôi rất hãnh diện đã xây dựng một đội ngũ nhân sự trẻ kế thừa có khả năng lãnh đạo, và nhất là có thể cập nhật và uyển chuyển đường lối đáp ứng các nhu cầu thay đổi của tình hình.
Nói tóm lại sau 36 năm đấu tranh với chiến lược “Toàn Dân – Toàn Diện”, theo tôi thì Mặt Trận/Việt Tân đã trở thành một lực lượng chắc chắn sẽ đóng góp tích cực trong tiến trình dân chủ hóa và canh tân đất nuớc để bắt kịp đà văn minh của nhân loại.
CTM Media: Là một người đã tham gia vào dòng đấu tranh ngay từ những ngày đầu thập niên 80 và tiếp tục kiên trì theo đuổi lý tưởng đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam, ông nhận định ra sao về tinh hình công cuộc đấu tranh trong thời gian trước mặt?
Ông Nguyễn Kim: Đảng Cộng sản Việt Nam đang cố vùng vẫy nhiều mặt như chống tham nhũng, chống lãng phí, cải cách kinh tế, vận động đầu tư ngoại quốc, hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ về quốc phòng… để vừa lấy lại niềm tin trong dân, vừa xiết lại kỷ cương nội bộ, nhằm giữ được quyền lực thống trị càng lâu, càng tốt.
Tuy nhiên, đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang đối diện bốn vấn đề sinh tử.
Thứ nhất là vấn đề chống tham nhũng đã biến thành trận chiến quy trách nhiệm sai lầm, qua đó tấn công và tiêu diệt phe nhóm lẫn nhau. Nội bộ đảng sẽ rệu rã và ngày một phân hóa như từng diễn ra trong giai đoạn cuối của các chế độ cộng sản ở Đông Âu.
Thứ hai là kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn không lối thoát, vì chính bộ máy quan liêu và não trạng độc đảng đã làm cho mọi cải tổ để sống còn của họ trở thành “đầu voi đuôi chuột”. Tình trạng này sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến sự nổi dậy của người dân khi bất mãn cuộc sống đã lên đến đột đỉnh của sự chịu đựng.
Thứ ba là sự khiếp nhược của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đối với thái độ hung hãn của lãnh đạo Bắc Kinh đã tạo ra những đợt sóng bất mãn ngầm lan tỏa trong nội bộ đảng và dân chúng vì CSVN không có khả năng bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải.
Thứ tư là Cộng sản Việt Nam dù có tăng cường các biện pháp trấn áp, bắt giữ và kết án nặng nề những người yêu nước, nhưng họ không thể nào tiêu diệt được Phong trào dân chủ Việt Nam. Làn sóng đấu tranh đã và đang lan tỏa ở mọi nơi và mọi lãnh vực, đẩy nhà cầm quyền Hà Nội rơi vào thế lúng túng đối phó như vụ BOT, vụ Đồng Tâm, vụ Dân Oan, Vụ Formosa vân, vân…
Khi Phong trào dân chủ ngày một phát triển và chế độ không thể tiêu diệt được nữa, thì chính những khó khăn nói trên của chế độ Hà Nội sẽ là các yếu tố thuận lợi mà chúng ta phải khai dụng để tạo thành sức bật mạnh mẽ trong dân chúng.
Vì nhìn tình hình như vậy, tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết công cuộc đấu tranh trong thời gian tới sẽ rất thuận lợi cho chúng ta./.
Leave a Comment