Lý Thái Hùng – Việt Tân
Ngày 8 tháng 3 năm nay, đánh dấu đúng 36 năm (1982-2018) ngày Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, gọi tắt là Mặt Trận, tiền thân của Đảng Việt Tân, công bố bản Cương Lĩnh Chính Trị nhằm minh định lập trường đấu tranh cứu nước và dựng nước, sau 7 năm thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuyên ngôn cứu nước đã diễn ra trong bối cảnh tan tác, đau thương của toàn thể dân tộc sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối tháng 4, 1975.
Tại miền Nam, hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị đày ải nơi các trại tù khổ sai chung thân dưới mỹ từ “Trại tập trung cải tạo”. Hàng trăm ngàn gia đình thân nhân của các quân cán chính này đã bị lưu đày đến những vùng rừng sâu nước độc dưới mỹ từ xây dựng “Khu kinh tế mới”. Hàng triệu người khác liều mình tìm đường vượt biên, vượt biển lánh nạn cộng sản và gần 2/3 trong số họ bỏ mình trên đại dương hoặc những vùng biên giới Đông Dương. Nền kinh tế trù phú miền Nam hoàn toàn bị phá hủy dưới chủ trương “đánh tư sản mại bản.”
Tại miền Bắc, cuộc chiến tranh biên giới do Đặng Tiểu Bình phát động dưới cái gọi là “dạy cho đàn em CSVN một bài học”, đã huy động gần nửa triệu Hồng quân và súng đạn, tổng công kích 6 tỉnh miền Bắc vào đầu năm 1979, đã không chỉ khiến cho hàng vạn người bị hy sinh, hạ tầng cơ sở bị phá hoại nặng nề, mà còn làm cho hàng triệu người dân miền Bắc sống điêu đứng trong nhiều năm dài.
Những thảm cảnh không bút mực nào tả xiết này đã hoàn toàn bị bưng bít bằng bức màn sắt của chế độ, bao trùm lên toàn thể đất nước từ 1975 đến 1986, khi chế độ buộc phải mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài để cứu nguy nền kinh tế phá sản. Người Việt Nam lúc đó bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài, đè nghẹt dưới gọng kềm chuyên chính, cảm nhận đất nước đang từng ngày biến thành địa ngục trần gian.
Chính trong bối cảnh vô vọng đó của dân tộc, và trước sự thờ ơ của thế giới coi số phận Việt Nam như đã an bài, người Việt Nam đã không đầu hàng nghịch cảnh mà cương quyết vùng lên tìm đường cứu nước.
Tại buổi lễ trong vùng rừng núi Đông Dương, Tướng Hoàng Cơ Minh, Chủ Tịch Mặt Trận đã tuyên xưng chính nghĩa của dân tộc:
Những nguyện vọng nhỏ bé nhất của người dân như cơm đủ ăn, áo đủ mặc, sống cảnh gia đình đoàn viên cũng không còn có thể thực hiện được … Nguy hại hơn nữa, CSVN đã đưa Tổ Quốc chúng ta vào vòng thống trị của đế quốc, đem quân khống chế Lào, xâm chiếm Kampuchia… Vì sự sống còn của dân tộc, vì khát vọng tự do và hòa bình, dân tộc Việt Nam quyết tâm hy sinh và chiến đấu …
Trong bầu không khí phấn khởi của Mùa Xuân Khởi Nghĩa, trong niềm căm phẫn tột độ của toàn dân, với tinh thần “Quyết tâm giải phóng Việt Nam”, Mặt Trận công bố Cương Lĩnh Chính Trị để hướng dẫn toàn dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc và xây dựng Quê Hương.
Châm ngôn của Mặt Trận là: “Lấy chính nghĩa để huy động toàn dân. Lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù. Lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới.”
Vì thế ngày 8 tháng 3, Mặt Trận đã tuyên xưng đây là ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa.
Người Việt Nam đã không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một cá nhân hay dòng họ như thời quân chủ xa xưa. Người Việt Nam cũng không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi cho một giai cấp, của một đảng độc tôn. Chính nghĩa đấu tranh của người Việt Nam vào thập niên 80 là ở chỗ chúng ta chiến đấu để giành lấy độc lập và tự do, vì quyền lợi tối thượng của đất nước và vì lẽ sống còn của toàn dân đang bị thiểu số độc tài áp bức.
Nhưng có chính nghĩa không chưa đủ, chúng ta còn phải quảng bá và phát huy chính nghĩa đó bằng những quan niệm và hành động thực tiễn.
Hành động thực tiễn biểu hiện qua tinh thần chiến đấu trường kỳ, không chấp nhận thỏa hiệp hay nhượng bộ đối phương cho đến ngày chế độ độc tài hoàn toàn sụp đổ, và đất nước có cơ hội canh tân, xây dựng một nền dân chủ vững chắc, tự do, văn minh và nhân bản.
Hành động thực tiễn còn biểu hiện tinh thần sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấm êm tại hải ngoại, để đồng cam cộng khổ với quốc nội trong từng nỗ lực xây dựng tiềm lực đấu tranh lâu dài.
Với tinh thần đó, những thành viên của Mặt Trận, đã nối tiếp nhau xây dựng hành lang phục quốc từ những ngày đầu thành lập khu chiến gian lao với hai bàn tay trắng, tới con đường Đông Tiến hào hùng với những chuyến nhập nội đầy hiểm nguy, trắc trở – bằng chính xương máu và tài lực của mình, dựa trên những quan niệm thực tiễn làm kim chỉ nam hành động: lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản, đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí và đứng trên lập trường dân tộc để đấu tranh toàn diện.
Trong chiến lược “Toàn Dân Toàn Diện”, Mặt Trận kêu gọi sự tham gia của mọi thành phần dân tộc, và tấn công chế độ trên mọi bình diện, mọi phương tiện, với phương châm “tiết kiệm xương máu của toàn dân và bảo tồn tài nguyên của đất nước”, nhằm tiến tới một cuộc “vùng dậy của toàn dân” để chấm dứt chế độ độc tài.
Với chủ trương “Lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí,” Mặt Trận cũng đã kêu gọi anh em thuộc “hàng ngũ bên kia” quay trở về phục vụ dân tộc thay vì chủ nghĩa “Cộng sản quốc tế”.
36 năm trước, Mặt Trận không chủ trương mở một cuộc chiến tranh mới mà là tiến hành một cuộc đấu tranh giải phóng. Nếu sức mạnh của chiến tranh đến từ nòng súng, đến từ đại pháo xe tăng thì sức mạnh chính yếu của đấu tranh giải phóng đến từ con tim, đến từ quyết tâm của con người. Chính những quyết tâm này, chúng ta đã cùng nhau thắp sáng ngọn lửa tự do và liên tục trao đến tay nhiều thế hệ, kể cả những người từng ở bên này hay bên kia chiến tuyến trước năm 1975.
Lúc đó vẫn có một số người nghi ngờ về chủ trương này, liệu có thể đạt được mục tiêu giải phóng đất nước sau những bàng hoàng về sự sụp đổ của miền Nam trong lúc có hơn 1 triệu quân trong tay? Nhưng đến ngày hôm nay, chúng ta càng thấy rõ, như lời tâm huyết của cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, đã từng chia sẻ với đồng bào:
Chúng ta không chủ trương chiến đấu đơn độc, nhưng không ngại chiến đấu một mình. Chúng ta luôn lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản. Không nước nào giúp chúng ta mà không vì quyền lợi của chính họ. Hãy vận động sự hỗ trợ của thế giới trên căn bản tương quan quyền lợi. Có những vấn đề Việt Nam mà người Việt Nam phải giải quyết. Có những vấn đề Việt Nam của thế giới mà thế giới phải chung tay giải quyết. Không ai thương dân tộc Việt Nam bằng chính người Việt Nam.
Do đó, muốn Việt Nam có tự do và dân chủ thật sự, chính người Việt Nam hơn lúc nào hết phải cùng nhau góp phần đấu tranh bằng hết tấm lòng, khả năng và trí tuệ của mỗi người.
Nhìn lại 36 năm ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa, mặc dù cuộc đấu tranh chưa thành tựu và còn rất nhiều chông gai phía trước, nhưng chúng ta vững tin là sớm muộn gì chế độ độc tài cộng sản cũng phải cáo chung, với những chỉ dấu rõ rệt trong hiện tình đất nước:
Thứ nhất, lòng dân đã chán ngán và nhìn thấy rõ đảng CSVN chỉ là một tập đoàn say mê quyền lực, không có khả năng mang lại đời sống tự do và hạnh phúc thực sự cho toàn dân. Hai vấn đề ô nhiễm môi trường tại miền Trung và tình trạng lạm thu, cướp đất ở các địa phương đang là ngòi nổ của bất ổn xã hội.
Thứ hai, nội tình đảng CSVN đang trong tiến trình phân rã vì những cấu xé và thanh toán nhau giữa các phe nhóm. Cái gọi là phòng chống “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa” chỉ là tiếng vọng từ đáy vực của đảng cầm quyền, đang trong thời kỳ tẩu tán để tháo chạy.
Thứ ba, phong trào dân chủ đang trưởng thành với sự xuất hiện đa dạng của nhiều thành phần đấu tranh và đã lan rộng ở nhiều nơi cùng với Sài Gòn và Hà Nội. Điều quan trọng là lực lượng dân chủ đã có thể tự điều chỉnh và khắc phục những đòn trấn áp của an ninh, để phát triển tiềm lực trong quần chúng.
Tóm lại, 3 thập niên sau ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa chưa phải là thời gian quá dài trong dòng lịch sử dân tộc, nhưng đủ cho phong trào dân chủ Việt Nam bắt rễ để chuẩn bị cho thế trận mới trong ngày toàn dân tổng phản công toàn diện, bằng chính sức mạnh của người Việt Nam trong và ngoài nước.
Thông điệp nhân bản, xây dựng và chủ trương thực tiễn của Mặt Trận phát xuất từ tấm lòng trong sáng của những người Việt Nam yêu nước, đầy nhiệt tình và can đảm – dù đã hy sinh hay vẫn còn kiên trì chiến đấu, đã thắp sáng ngọn lửa chính nghĩa của dân tộc qua nhiều thế hệ, và đang góp phần xiển dương dòng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Leave a Comment